Do đam mê lan rừng, một thanh niên trẻ ở Đức Trọng, đã đầu tư trồng lan rừng, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm
Đam mê với nghề trồng lan rừng, anh Hà Thế Mạnh, sinh năm 1988, thôn Tân Bình, xã Tân Thành, huyện Ðức Trọng (Lâm Đồng) đã mạnh dạn đầu tư trồng lan rừng.
Anh Mạnh chăm sóc vườn lan rừng
Không ngờ, mô hình đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm và trở thành mô hình điểm, về phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên trong xã.
Xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của các loại lan rừng, và sự nhanh nhạy khi nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2018, anh Mạnh đã đầu tư khoảng 300 triệu đồng, để xây dựng nhà lưới và mua giống cây.
Anh cho biết, khi bắt đầu trồng lan, gặp khá nhiều trở ngại. Vì đã tìm hiểu khá kỹ về kỹ thuật, cách phân biệt các loại lan, song, nhiều lần anh mua vẫn không đúng với loại lan mình cần.
Mặt khác, do chưa thuần khí hậu, nên một số cây bị chết, hoặc không ra hoa. Không nản chí, anh Mạnh tìm hiểu qua bạn bè, mạng xã hội, Internet và tham quan các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, để học hỏi kinh nghiệm.
“Hiện, sau gần 2 năm kinh doanh lan, những kỹ thuật cơ bản, tôi đã nắm được, nhưng vẫn vừa làm, vừa học, và vẫn rất thích thú vì trong quá trình đó, mình phát hiện nhiều điều mới mẻ, thú vị về loài hoa này” - anh Mạnh bộc bạch.
Theo anh Mạnh, để ươm được một chậu lan thành công, đòi hỏi người trồng phải hiểu và nắm rõ quy trình phát triển của cây. Sau khi chọn và mua những chậu lan từ: Hà Tĩnh, Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Lắk... anh Mạnh tận dụng phần thân già, từ cây gốc để ươm, xử lý giá thể.
Đến giai đoạn lan phát triển ổn định, phải phun thuốc khử trùng và áp dụng phương pháp chăm sóc hợp lý, khi cây nảy mầm sẽ chuyển sang chậu.
Vừa kiên trì học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, anh Mạnh đã từng bước làm chủ được kỹ thuật trồng và chăm sóc lan rừng, giúp anh tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa lan, anh Mạnh nói: Môi trường để lan sinh trưởng, phát triển tốt nhất là không bị nắng chiếu trực tiếp, có độ ẩm không khí cao, thoáng gió, giá thể trồng lan phải dễ dàng thoát nước.
Vì vậy, vườn lan của anh đã có hệ thống tưới tự động, mỗi ngày tưới 1 - 2 lần, mỗi lần 10 - 15 phút, để cung cấp đủ lượng nước cho lan.
Trong giá thể, ngoài vỏ dừa là phân hữu cơ, anh dùng thêm phân tan chậm, để bón cho cây vào thời điểm cần thiết. Quá trình chăm sóc, phải phòng trừ tốt dịch bệnh, không để lan bị thối rễ, thối lá...
Đặc biệt, cần biết cách điều chỉnh thời gian ra hoa, để tăng giá trị thẩm mỹ, và giá thành của lan. Khi đã nắm vững kỹ thuật chăm sóc lan rừng, anh đã chia sẻ kinh nghiệm cho các đoàn viên, thanh niên trong xã về cách làm.
Hiện, vườn Lan của anh Mạnh có khoảng 4.000 giò, với các giống như: Giả hạc Ma Bó, Thác Bay, 5 cánh trắng Hà Tĩnh, Hiển Anh, Phú Thọ... Tùy loại lan, có giò chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng có giò lên tới hàng chục triệu đồng.
Thông qua quảng bá, giới thiệu trên mạng, anh Mạnh có đầu ra rộng khắp các tỉnh, thành trong cả nước. “Lúc đầu, tôi cũng gặp khó khăn khi tìm đầu ra, nhưng nhờ bạn bè giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm, nay đầu ra đã ổn. Ngoài bán trực tiếp, tôi chủ yếu bán trên mạng, và khách hàng từ kênh này khá nhiều” - anh Mạnh nói.
Hiện, trên địa bàn xã Tân Thành có khoảng 20 đoàn viên, thanh niên đang học hỏi và xây dựng mô hình trồng lan giống anh Mạnh.
Chị Đàm Thị Luyến - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Thành, cho biết: “Mô hình trồng lan của anh Mạnh, được coi là tiêu biểu của thanh niên địa phương. Song, đây là mô hình tự phát, chưa được vay vốn ưu đãi và kinh doanh chủ yếu trên mạng.
Vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn, sẽ liên kết với những mô hình trồng lan khác, để tìm đầu ra. Đồng thời, tạo cơ hội để các đoàn viên, thanh niên khác, cũng có niềm đam mê lan rừng, được học hỏi, và nhân rộng trong toàn xã”.
Nhờ quyết đoán, dám làm, và đam mê với nghề trồng lan, anh Mạnh đã dần tạo thương hiệu và đang đầu tư khoảng 200 m2/ 8.000 chậu lan, để trồng và nhân giống, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đắk Nông: Cây ngắn ngày “phao cứu sinh” của nông dân
Hiện, khi giá cả của nhiều loại cây nông nghiệp dài ngày xuống thấp, thì các loại cây ngắn ngày đã thành chủ lực, giúp nông dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.
Ông Thái Vĩnh Thạnh, thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) chỉ trồng 2 ha cà phê, hồ tiêu. Khi giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, ông Thạnh đã chuyển sang trồng cây ngắn ngày.
Cây ngắn ngày tăng thu nhập cho người nông dân
Theo đó, ông đã thuê 6 ha đất trồng cây ngắn ngày: khoai lang, bắp cải, cà rốt, khoai tây… luân canh 3 vụ/năm
Tùy từng thời điểm, mỗi vụ bắp cải, khoai lang… ông thu khoảng 40-120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Mỗi năm canh tác 3 vụ, thu nhập khoảng 360 triệu đồng.
Ông Thạnh chia sẻ: người trồng hồ tiêu, cà phê vất vả cả năm trời, lợi nhuận 50 - 70 triệu đồng/ha. Trong khi cây ngắn ngày, chỉ cần chăm sóc từ 2 - 4 tháng đã thu lợi bằng cả năm.
Hơn nữa, cây ngắn ngày, người dân chỉ đầu tư khoản tiền nhỏ, nhưng lợi nhuận khá cao. Nếu thất bại, hậu quả cũng không mấy nặng nề. Đặc biệt, trên cùng diện tích, có thể luân canh 3 vụ cây ngắn ngày/năm.
Anh Vũ Văn Chiến, cũng ở xã Đắk Búk So, chỉ với 5 sào đất ruộng, trồng cà chua, mướp, dưa leo, đậu ve, đã vượt qua được đói nghèo. Khi cây ngắn ngày có giá trị cao, anh Chiến đã luân canh cây trồng, để lúc nào cũng có sản phẩm bán.
Sau đó, anh tăng vụ bằng cách, khi lứa cây này gần thu hoạch, thì gieo lứa mới. Khi thu xong lứa trước, thì lứa mới cũng đã phát triển. Giúp anh tiết kiệm thời gian, tranh thủ ngày công, và có thu nhập liên tục.
Anh Chiến cho biết: Trồng cây ngắn ngày, nông dân không được phép rảnh rỗi, phải thường xuyên bám đồng, bám ruộng để theo dõi cây trồng, hạn chế dịch bệnh.
Với 5 sào đất, nhưng lúc nào trong vườn cũng có rau, củ, quả… để bán ra thị trường. Nhờ cây ngắn ngày, mỗi năm tôi thu nhập trên 250 triệu đồng. Từ nguồn thu này, tôi đã mua thêm được 3 ha đất, trồng cây ăn trái xen canh cây ngắn ngày, để tăng thu nhập.
Hiện, ngành Nông nghiệp Tuy Đức cũng thường xuyên động viên người dân luân canh, xen canh cây ngắn ngày để phát triển kinh tế. Đồng thời, phát triển có kế hoạch, để tránh tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa".
Vì vậy, ngành Nông nghiệp Tuy Đức cần đẩy mạnh liên kết giữa các hộ dân với doanh nghiệp, để hạn chế tình trạng không có đầu ra đối với cây ngắn ngày.
Đắk Lắk: Ứng phó hạn hán trong mùa khô
Nắng nóng kéo dài, mực nước ở sông, suối, ao hồ đang xuống rất nhanh trong khi nhu cầu nước tưới trên địa bàn Đắk Lắk rất cao, để hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế, Tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung ứng phó kịp thời.
Công trình thuỷ lợi huyện Lắk phục vụ tưới nước cho lúa tại địa bàn xã
Theo Sở Nông nghiệp, đầu vụ đông xuân 2019 – 2020, các hồ chứa trên địa bàn cơ bản đạt mực bình thường, nhưng đến giữa tháng 2-2020 đã giảm nhanh.
Theo thông báo, mực nước các sông, suối tiếp tục giảm; lượng dòng chảy thiếu hụt 50 - 70%, so trung bình nhiều năm. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng, nếu không có mưa.
Hiện, vụ đông xuân 2019 - 2020, đã gieo trồng xong 58.374 ha cây hằng năm các loại (vượt 19% kế hoạch), trong đó, lúa nước: 41.167 ha (vượt 17,6% kế hoạch).
Ngoài ra, diện tích cây lâu năm cần tưới khoảng 230.000 ha. Như vậy, tổng diện tích cần tưới vụ đông xuân, khoảng 290.000 ha. Hiện, cà phê, hồ tiêu đã tưới 2 đợt; lúa nước, số ít diện tích gieo sớm đã chín và cho thu hoạch, còn lại đang giai đoạn trổ, đến chắc hạt (dự kiến thu hoạch cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2020).
Theo đó, khả năng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra khoảng cuối tháng 3 đến tháng 5-2020, trong đó, chủ yếu thiếu nước cây lâu năm, và một số diện tích nuôi trồng thủy sản.
Khu vực hạn hán, tập trung ở Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắc, Cư M'gar, Buôn Đôn, Krông Búk, Ea H'leo. Theo đó, Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk đảm nhiệm tưới vụ đông xuân: 49.730 ha.
Dự kiến, vào cuối vụ có khoảng 4.140 ha cây trồng các loại phải chống hạn, tập trung một số huyện như Lắk, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Hồ…
Các HTX nông nghiệp, đảm nhận tưới cho cây trồng các loại: 22.067 ha. Đến cuối tháng 3, nếu không có mưa, diện tích cần chống hạn khoảng 2.000 ha. Các công ty cà phê và hộ sản xuất phục vụ tưới khoảng 200.000 ha; nguồn nước tưới chủ yếu từ công trình thủy lợi, sông suối, nước ngầm.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ công trình nghiêm túc chống hạn. Cụ thể, đối với khu vực có dòng chảy mặt nghèo kiệt, hồ chứa nhỏ, bị bồi lắng, cần tận dụng dung tích chết các hồ chứa, nguồn nước trong ao, giếng, khai thác nước ngầm, bơm từ giếng khoan; đắp đập tạm khai thác dòng chảy các suối, để lấy nước.
Các huyện: Lắk, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Bông, cần tận dụng tối đa nguồn nước từ ao, hồ, trên các trục kênh tiêu, để tạo nguồn nước tưới cho sản xuất. Về cuối vụ có thể lắp đặt, vận hành các trạm bơm dầu dã chiến, để bơm chống hạn.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng đề nghị các địa phương, chủ công trình thủy lợi thường xuyên chỉ đạo rà soát, đánh giá, cân đối nguồn nước thực tế, trên các hồ, đập, sông, suối, nguồn nước ngầm của từng vùng, từng khu vực để chủ động điều tiết, khai thác hợp lý.
Đồng thời, phải đảm bảo cung cấp theo thứ tự ưu tiên: Nước phục vụ sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao…
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…