Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 5 năm 2020 | 20:51

Tin NN Tây Nguyên: Lúa ST24 Đắk Lắk được giá

Lúa, cây trồng chất lượng cao đang hút khách; những cơn mưa “vàng” tốt cho cây ăn trái trên nhiều địa bàn của Tây Nguyên.

Từ hiệu ứng truyền thông của Giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 (tổ chức tại Phillippines), gạo ST24, ST25 của Việt Nam đang có sức hút mạnh trên thị trường.

 

lua-991.jpg
HTX Giảm nghèo Ea Súp thu hoạch lúa ST24 tại xã Ya tờ Mốt.

 

Nắm bắt cơ hội này, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại các vùng đất lúa trên địa bàn tỉnh, đã bắt tay sản xuất giống ST24, và đạt được hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 3 năm trước, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (huyện Krông Ana) đã nhận canh tác lúa ST24 theo đặt hàng của đơn vị cung ứng giống. Lúc bấy giờ, lúa ST24 còn khá mới mẻ, và chưa được nhiều người biết đến, nên phía cung ứng chỉ tạm gọi là “RVT thế hệ mới”, và bao tiêu với giá ngang bằng với lúa RVT.

Giống lúa này có đặc điểm hạt thuôn dài, chất lượng gạo thơm ngon, năng suất canh tác tại vùng chuyên canh của HTX, cao hơn hẳn so với lúa RVT, lên đến 11 tấn lúa tươi/ha (RVT đạt bình quân 9,5 tấn lúa tươi/ha).

Sau vụ lúa thử nghiệm thành công ngoài mong đợi, HTX dần mở rộng diện tích canh tác lúa ST24. Giá lúa ST24 dần tăng cao, so với các giống lúa lai khác, giúp nông dân yên tâm, phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh nhận xét, so với các giống lúa đơn vị canh tác trước đây, giống ST24 thích ứng tốt, không phát sinh sâu bệnh đáng kể, nhất là không xuất hiện bệnh hoa cúc, thường gây thiệt hại trong vụ hè thu.

Nhận thấy đặc tính kháng sâu bệnh cao của giống lúa này, vụ hè thu năm 2019, HTX đã chuyển đổi 2 ha từ canh tác truyền thống, sang sử dụng hoàn toàn các biện pháp hữu cơ, sinh học, với định hướng xây dựng thương hiệu gạo riêng cho HTX.

Thời điểm thu hoạch, gạo ST24 lại được người tiêu dùng “săn đón” sau hiệu ứng từ Giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” của gạo ST25 (do gạo ST25 chưa có mặt trên thị trường).

Vì vậy, toàn bộ sản lượng gạo ST24 sản xuất theo quy trình hữu cơ của HTX, nhanh chóng được tiêu thụ hết với giá cao, nhiều đơn vị đặt hàng cung ứng lâu dài.

Vụ đông xuân 2019 - 2020, HTX Nhật Minh triển khai 15 ha lúa hữu cơ, và hơn 270 ha lúa canh tác theo quy trình thông thường. Trong đó, lúa ST24 hữu cơ, được mua cao hơn 1.000 đồng/kg, giúp thành viên được hưởng lợi trực tiếp từ việc ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, bền vững.

Bước đầu, HTX cũng đã thuê kỹ sư nông nghiệp soạn quy trình hữu cơ riêng cho đơn vị, đồng hành giám sát quá trình sản xuất, để xây dựng giá trị riêng cho thương hiệu gạo của HTX.

Đây là những bước đi quan trọng, để HTX quy hoạch riêng vùng sản xuất hữu cơ trên cánh đồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các khách hàng khó tính.

Tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) giống lúa ST24 cũng vừa được HTX Giảm nghèo Ea Súp, trồng thành công theo hướng hữu cơ.

Ngay sau khi hay tin gạo ST24, ST25 thành công lớn tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11, HTX Giảm nghèo Ea Súp đã cử thành viên, cùng nông dân đến nhà Kỹ sư Hồ Quang Cua (tỉnh Sóc Trăng) để tìm hiểu quy trình canh tác và mua lúa giống.

Tại đây, đoàn khách được mời dùng thử 3 đĩa cơm nấu từ gạo ST21, ST24 và ST25, chỉ ký hiệu bằng số thứ tự, để mọi người cùng chọn ra đĩa cơm ngon nhất.

Điều trùng hợp là, hầu hết mọi người đều lựa chọn đĩa cơm được nấu từ gạo ST24, bởi hạt cơm ngọt, thơm, dẻo, mềm dù không thay đổi kích thước nhiều sau khi nấu chín.

Sau chuyến đi ấy, HTX Giảm nghèo Ea Súp, đã canh tác 2,5 ha lúa ST24 theo hướng hữu cơ, và liên kết với HTX Nông nghiệp dịch vụ Thành Công (huyện Ea Súp) trồng 25 ha lúa ST24, theo quy trình thông thường, vụ đông xuân 2019 - 2020.

Năng suất thử nghiệm lúa ST24 trồng theo quy trình thông thường tại Ya Tờ Mốt không thua kém các giống lúa lai khác, đạt trên 7,5 tấn lúa khô/ha.

Với mô hình canh tác hữu cơ, lúa ST24 thích ứng, sinh trưởng tốt, không có sâu bệnh hại, và mặc dù năng suất chỉ đạt 75% so canh tác thông thường, nhưng chất lượng gạo sau khi nấu chín thơm ngon hơn hẳn.

Toàn bộ sản lượng lúa ST24 đều được HTX Giảm nghèo Ea Súp cung ứng cho đối tác ở các tỉnh, thành phía Bắc và kênh bán hàng riêng của đơn vị. Nhờ đó, HTX đã bao tiêu cho nông dân với giá cao hơn các giống lúa khác cùng thời điểm.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp cho biết, kết quả đáng mừng trên là tiền đề quan trọng để HTX xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại huyện Ea Súp, tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa ST24, nhất là lúa canh tác theo quy trình hữu cơ.

Có thể thấy, với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng gạo, tính thích ứng cùng khả năng chống chịu sâu bệnh cao, lúa ST24 đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt tại những vùng chuyên canh lúa nước trên địa bàn tỉnh.

Đây là cơ hội "vàng" để các HTX nông nghiệp vùng lúa đầu tư nâng cao giá trị, xây dựng uy tín, thương hiệu để nắm bắt nhu cầu lúa gạo chất lượng cao của thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng hiện nay.

Lâm Đồng: chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao 

Xã Tân Lạc (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) là một trong những địa phương đã và đang triển khai có hiệu quả phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhất là các mô hình sản xuất bơ, cà phê, sầu riêng theo hướng VietGAP.

 

bo-19.jpg

Vườn bơ của ông Hải, xã Tân Lạc trĩu quả nhờ sản xuất theo hướng CNC

 

Theo ông Phan Văn Chính - Chủ tịch xã Tân Lạc, hiện có hơn 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp, với 3 cây trồng chủ lực: cà phê, bơ và sầu riêng.

Trong đó, cà phê chiếm đại đa số, với hơn 2.100ha và 100% diện tích đã được chuyển đổi trồng, ghép cải tạo các giống mới như Trường Sơn (TR), Thiện Trường và xanh lùn cho năng suất, chất lượng cao. Nhờ đó, năng suất cà phê của địa phương đã đạt gần 5 tấn/ha.

“Ngoài cà phê, người dân địa phương đã chú trọng chuyển đổi qua trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như bơ 034 và sầu riêng ghép các giống Thái Lan.

Theo ước tính, toàn xã hiện có 1.000 ha cây ăn quả, gồm bơ, sầu riêng. Trong đó, có khoảng 100 ha trồng chuyên canh, đầu tư bài bản và áp dụng KHKT vào sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Diện tích cây ăn quả còn lại được bà con trồng xen với cà phê” - ông Chính cho hay.

Hiện, Tân Lạc có 2 hợp tác xã (HTX), 1 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, thu hút hàng chục hộ dân tham gia, hợp tác làm ăn.

Trong đó, HTX Bảo Nguyên và THT Duy Định, chuyên trồng và sản xuất các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng, được cơ quan chức năng đánh giá, phân hạng nông nghiệp theo bộ tiêu chí OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Ông Nguyễn Duy Định - Tổ trưởng THT Duy Định chia sẻ: “Hiện, tôi có 2,5 ha sầu riêng ghép và 0,5 ha bơ 034 đã cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích này đã đầu tư hệ thống tưới tự động và chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Trong khoảng 3 năm nay, sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/năm”.

Tương tự là mô hình trồng bơ 034 theo hướng sinh học, của ông Lưu Minh Hải, thôn 1, Tân Lạc. Hiện, ông Hải đang sở hữu hơn 1.100 cây bơ 034 trên diện tích 3 ha.

“Năm nay, vườn bơ của gia đình tôi đã cho thu hoạch khoảng 30%, ước tính sản lượng đạt khoảng 18 tấn. Trong đó, bơ loại 1 khoảng 80%, với giá bán dao động từ 27 - 30 ngàn đồng/kg, đã mang lại cho gia đình nguồn thu hơn 500 triệu đồng.

Dự tính, năm 2021, sản lượng vườn bơ của tôi sẽ đạt 40 - 50 tấn” - ông Hải cho biết.

Cùng với cây trồng, chăn nuôi cũng được người dân đầu tư theo hướng tập trung. Trong đó, nổi bật là HTX  chim cút Gia Phát, với 14 hộ/ 36 trại chim cút. Đến nay, đàn chim cút của Gia Phát đã trên 500.000 con chim cút đẻ và chim cút thịt.

Ông Vũ Duy Văn - Giám đốc HTX Gia Phát, cho biết: “Chăn nôi luôn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh, vì thế các hộ trong HTX rất quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhờ đó, đàn chim cút của HTX luôn phát triển ổn định, ít dịch bệnh, và mang lại thu nhập ổn định từ 400 - 500 triệu đồng/hộ/năm”.

Hiện, toàn xã đã có trên 80 hộ, có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm; gần 160 hộ trên 300 triệu đồng/năm, và trên 230 hộ có thu nhập từ 120 - 300 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn hơn 2%. Đó là những kết quả khả quan, khi Tân Lạc chủ động áp dụng KHKT vào nông nghiệp trong thời gian qua.

Đắk Nông: Cơn "mưa vàng" giải khát hàng nghìn hécta cây trồng

Sau thời gian nắng nóng kéo dài, ngày 17-18/5, các huyện Cư Jút, Krông Nô, Ðắk Mil  đã xuất hiện mưa lớn kéo dài, cứu nhiều vườn cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân bị hạn hán.

 

mua-331.jpg

Mưa trên diện rộng, nhiều diện tích cà phê ở Thuận An được giải cứu

 

Anh Lý Văn Thành cùng nhiều người dân xã Nâm N'đir (Krông Nô) vui mừng khi ngày 18/5, xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ. 

Anh Thành cho biết: "Nhiều tháng nay, không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ khác trên địa bàn, cũng đang thiếu nước tưới cà phê trầm trọng.

Do hạn hán kéo dài từ cuối tháng 10 năm ngoái đến nay, nên một số diện tích cà phê của gia đình đã chết khô, nhiều hộ còn thiếu nước sinh hoạt.

Ðây thực sự là cơn "mưa vàng" vào thời điểm hiện tại, vì hạn hán kéo dài ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân”.

Nhiều người dân ở xã Ðắk Gằn (Ðắk Mil) cũng rất vui:“Nhờ có cơn mưa, ít nhất trong hơn 1 tuần tới, chúng tôi không cần tưới cho cà phê, hồ tiêu, giảm được chi phí xăng dầu”, một chủ vườn tiêu cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT, tính đến 5/5, tình trạng hạn hán đã gây thiệt hại 5.372 ha cây trồng các loại, mức thiệt hại từ 30% - 70%. Diện tích cây trồng chủ yếu ở huyện Krông Nô (4.872 ha), Đắk Mil (500,5 ha) và một số nơi ở Cư Jút.

Cơn mưa đầu mùa, tưới mát cho nhiều vườn cây trái, và hàng nghìn vật nuôi. Đồng thời, còn giúp ao, hồ, đập thủy lợi, tích thêm nước, tăng mạch nước ngầm, giảm chi phí sản xuất.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top