Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 1 năm 2020 | 12:29

Tin NN Tây Nguyên: Tiêu đỏ Trần Sơn đã rộng đường xuất khẩu

Hồ tiêu Việt cung đang vượt cầu, cần sản phẩm độc đáo, để giữ thị phần, vì vậy, một nông dân Gia Lai đã làm ra hạt tiêu đỏ, chất lượng cao.

Đó là ông Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã quyết định lội ngược dòng, kỳ công làm ra tiêu đỏ chất lượng cao. Đây là dòng tiêu đắt tiền, chỉ chiếm 1% sản lượng hồ tiêu thế giới.

 

gl-91.jpg

                Ông Sơn bên sản phẩm tiêu đỏ Trần Sơn. Ảnh: S.C                                                                                                      

Theo đó, trong thế giới gia vị, tiêu đỏ được đánh giá là loại tiêu có phẩm chất mỹ vị hàng đầu. Đơn giản bởi 100% nguyên liệu làm ra tiêu đỏ phải là quả hồ tiêu chín đỏ.    

Nếu như tiêu đen gần gũi bởi vẻ ngoài bình dân, hương vị thơm cay mộc mạc, thì tiêu đỏ lại gây ấn tượng với màu đỏ rượu vang, đồng đều về kích cỡ, hương thơm độc đáo, từ mùi trái cây chín đặc trưng, vị cay nồng ấm mạnh mẽ.

Nổi bật về phẩm chất, hoàn mỹ về hương vị, sản lượng lại cực ít, là lý do tiêu đỏ có thể đáp ứng các yêu cầu khắt khe của phân khúc thị trường gia vị cao cấp, giá trị xuất khẩu sau khi chế biến hiện cao gấp 9-10 lần tiêu đen.

Anh Sơn khẳng định: “Tiêu đỏ thật sự không dễ sản xuất, bởi nó đòi hỏi cao, từ quy trình chăm sóc bài bản trên cây, cho đến khâu thu hái công phu, kỹ thuật chế biến thành phẩm phải lưu giữ được cả sắc lẫn vị”.

Ròng rã từ năm 2014 – 2017, để xây dựng thương hiệu Tiêu đỏ Trần Sơn, ông đúc kết rằng, ngay từ khâu chăm sóc vườn cây, nếu thực hành hoàn toàn theo hướng hữu cơ, đảm bảo cây hồ tiêu đủ dinh dưỡng, đủ độ ẩm thì tỷ lệ quả chín đạt cao hơn, hạt chắc bóng, và đồng đều hơn hẳn.

Thậm chí, trên một diện tích vườn, có thể khai thác được 1/2 sản lượng là tiêu đỏ, nếu nắm vững bí quyết, kỹ thuật riêng. Một điều cần lưu ý là, cây hồ tiêu sau thu hái, cần có chế độ phục hồi, để tiếp tục quay vòng cho quả mùa sau.

Để có tiêu đỏ thượng phẩm, tỷ lệ quả chín phải đạt từ 80% trở lên. Công đoạn này tiêu tốn rất nhiều nhân công, vì phải cẩn thận thu hái từng chùm, khéo léo tách hạt xanh, đỏ, nhưng hồ tiêu chín không bị giập vỏ, để giữ vị ngọt của quả chín.

Sau khi phân loại phải rửa trôi bụi bẩn, trước khi đưa vào máy sấy hồng ngoại. Khi sấy hồng ngoại, giá trị tiêu đỏ được gia tăng về chất lượng, giữ được màu đỏ rượu vang, và hương vị trái cây chín đặc trưng.     

Tháng 8-2018, ông Sơn bắt tay xây dựng Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu bền vững, xã Nam Yang, với sự tham gia của 60 thành viên, diện tích hơn 100 ha.

Các thành viên được hướng dẫn quy trình sản xuất nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, 36/60 thành viên đã được chứng nhận chuẩn VietGAP với diện tích 25 ha.

Nếu năm 2017, tiêu đỏ Trần Sơn đạt khoảng 2-3 tạ, chủ yếu bán lẻ thị trường nội địa, thì năm 2018, đã tăng lên 2 tấn, trong đó, riêng doanh nghiệp thu mua 1,5 tấn, còn lại bán lẻ, với giá 350.000 đồng/kg tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

Năm 2019, sản lượng tiêu đỏ đã đạt 10 tấn. Đầu ra rộng mở, do đã có doanh nghiệp ký kết hợp tác, đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử.

Đồng thời, năm 2019, các đối tác ở Pháp đã đưa tiêu đỏ xuất ngoại, bắt tay thăm dò thị trường, và chuẩn bị các bước cần thiết, để năm 2020 nhập số lượng lớn

Ông Nguyễn Xuân Tùng-Chủ tịch UBND xã Nam Yang-ghi nhận: “Tiêu đỏ là sản phẩm tiêu biểu của anh Trần Quang Sơn, sản lượng tuy ít, nhưng giá trị kinh tế cao.

Mô hình liên kết sản xuất tiêu hữu cơ theo chuỗi giá trị, sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi rất hoan nghênh và khuyến khích nhân rộng mô hình, để phát triển vùng nguyên liệu hồ tiêu Nam Yang-Lệ Chí bền vững”. 

Theo ông Trịnh Quốc Việt-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chủ trương của ngành nông nghiệp là khuyến khích nông dân liên kết để sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Hiện, thay vì sản xuất đại trà, bán hồ tiêu xô, giá thấp, anh Sơn đã tạo ra sản phẩm tiêu đỏ chất lượng cao, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất đáng khuyến khích.

Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-đánh giá: “Tiêu đỏ Trần Sơn là một trong 4 sản phẩm OCOP của Đak Đoa, bởi chất lượng vượt trội, nổi bật vì sản lượng tiêu đỏ trên thị trường không nhiều, quy trình sản xuất công phu hơn hẳn tiêu đen.

Đáng ghi nhận là, tiêu đỏ sản xuất theo hướng hữu cơ, tỷ lệ quả chín cao. Làm cà phê, để quả chín đều 80-90% đã khó, thì làm tiêu đỏ, để tỷ lệ chín đều càng khó hơn, công thu hái, sàng lọc cũng tốn kém hơn.

Hiện, sản phẩm tiêu đỏ sấy hồng ngoại Trần Sơn, đã đủ điều kiện để trình hồ sơ để đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP”.

Chư Prông: Nông dân ước vọng mùa màng bội thu

Ia Phìn là một trong những xã có diện tích cà phê kinh doanh lớn nhất ở huyện Chư Prông (Gia Lai).

 

 

c-f-69.jpg

Ông Minh xã Ia Phìn, đang chăm sóc cà phê. Ảnh: N.D

 

Sáng mùng 4 Tết, tại thôn Hoàng Ân, người dân đã tấp nập vận chuyển máy móc, ống, để bơm tưới nước đợt 1 cho cà phê.

Ông Nguyễn Đình Chiểu, cho hay: “Sau Tết, nhiều hộ đã bắt tay tưới nước đợt 1 cho cà phê. Tôi cũng tưới cho 2 ha cà phê kinh doanh”.

Theo ông Chiểu, khác với những năm trước, phải tưới trước Tết, năm nay, do mùa mưa kết thúc muộn, nên bây giờ tưới là vừa. Nhờ đầu tư hệ thống tưới phun mưa, nên giảm được nhân công, chi phí.

“Năm mới mong cà phê tăng giá, để có nguồn thu ổn định,và phát triển vườn cây theo hướng bền vững”-ông Chiểu nói.

Cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Minh vừa tưới xong chanh dây, lại tiếp tục tưới cà phê. Ông Minh cho biết: “Ngoài chanh dây, tôi còn hơn 3 ha cà phê, áp Tết Nguyên đán, đã tưới xong đợt 1. Thời điểm này tưới cho cà phê là vừa, để cây ra hoa kết trái”.

Tại cánh đồng Ia Ro 1 (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa), từ sáng mùng 2 Tết, người dân đã đi thăm đồng, kiểm tra cây lúa cũng như nguồn nước trong chân ruộng.

Anh Sứu (làng Weh, xã Hà Bầu) cho hay: “Sau Tết, sáng mùng 2, mình đã ra thăm ruộng lúa Đông Xuân gieo sạ hơn 1 tháng trước. Hiện, lúa phát triển tốt, chưa thiếu nước, cũng như sâu bệnh hại”.

Còn tại huyện Chư Sê, theo ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT: “Dự kiến ngày mùng 8,  sẽ ra quân nạo vét kênh mương.

Đây là những hoạt động truyền thống, được huyện duy trì mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ngoài ra, nông dân cũng chủ động thăm đồng, tưới cho cà phê, hồ tiêu từ ngày mùng 4 Tết.

Cùng với hoạt động thăm đồng, bơm tưới nước cho cây trồng, trong những ngày Tết, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua rau xanh, hoa và chanh dây cũng đã xuất những chuyến hàng đầu năm mới đi các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) cho hay: Để có sản phẩm cung ứng cho các đối tác, ngay trong ngày mùng 2 Tết, HTX đã thu mua chanh dây trở lại. Trung bình mỗi ngày, cung ứng trên 1 tấn chanh dây các loại.

Đắk Lắk: Bảo tồn gen và phát triển cá quý sông Sêrêpốk

Sự thay đổi toàn bộ hệ sinh thái trên dòng Sêrêpốk, đã ảnh hưởng đến 201 loài cá trong khu hệ sông Mê Kông. Những loài cá di cư sinh sản đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có cá Mõm trâu và cá Rô cờ. 

 

ca-3991.jpg

 Cá mõm trâu  trên sông Sê rê pốk (Ảnh: nhóm thực hiện đề tài cung cấp)

 

Ở nước ta, cá Mõm trâu và Rô cờ, phân bố trong phạm vi hẹp trên sông Sêrêpốk, chủ yếu ở huyện Buôn Đôn và Ea Súp. 

Cá Rô cờ thường di cư theo chiều dọc, từ dòng chính sông Mê Kông vào vùng ngập lũ trong mùa mưa, và quay trở lại vào mùa khô, hoặc đến các vùng nước cư trú lâu dài khác.

Còn cá Mõm trâu lại thích sông rộng, nhiều ghềnh, đáy đá. Mùa khô và đầu mùa mưa, có thể bắt gặp loài cá này trên các nhánh và suối, thuộc sông Sêrêpốk. Mùa mưa, cá Mõm trâu đến vùng nước sâu hơn, và sống ở đó suốt mùa mưa. 

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, 5 năm trở lại đây, nguồn lợi hai loại cá này sụt giảm nghiêm trọng. Nếu như sản lượng cá Rô cờ còn khoảng 200 - 300 kg/năm, mỗi con nặng 0,3 - 0,8 kg/con, và không còn khả năng khôi phục đàn, thì cá Mõm trâu chỉ đánh bắt được 6 cá thể vào năm 2014, tại Buôn Đôn, đến năm 2015 thì không bắt gặp cá thể nào.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, loại cá này bắt đầu xuất hiện (trọng lượng khoảng 0,2 - 0,3kg/con), có thể do quá trình thích nghi của cá với các thủy điện ngăn dòng, và đóng xả nước không theo quy luật.

Xác định tầm quan trọng trong việc tái tạo nguồn lợi của hai loài cá trên, Bộ NN-PTNT đã triển khai đề tài “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt khu vực Đắk Lắk năm 2019” 

Sở Khoa học Công nghệ Đắk Lắk đã tổ chức “Nghiên cứu đặc điểm sinh học, thử nghiệm nuôi thuần hóa, sản xuất giống cá Rô cờ”, tại TP. Buôn Ma Thuột và xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông). 

Theo thạc sĩ Phan Lệ Anh, Trưởng Văn phòng đại diện Tây Nguyên (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III), việc thực hiện đề tài khá nhiều khó khăn, bởi trên thế giới chưa có công trình nghiên cứu về sản xuất giống, nuôi cá Rô cờ. Chủ yếu là những thông tin về một số đặc điểm sinh học, phân bố và sinh thái.

Riêng cá Mõm trâu, năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk đã nghiên cứu đặc tính sinh học, và ứng dụng thử nghiệm sản xuất, nhưng phải tạm ngưng, vì không tìm được cá thể con giống.

Mặt khác, cá Mõm trâu cần rất nhiều ô xy, nên chỉ duy trì sự sống trong thời gian ngắn, sau khi đưa lên khỏi môi trường sống. Do vậy, cần tìm hiểu kỹ các đặc điểm như phân bố, sinh thái, thức ăn của nó.

Năm 2018, nhóm đề tài đã đưa cá Rô cờ về thuần hóa tại TP. Buôn Ma Thuột, và lồng bè xã Hòa Lễ. Sau 7 tháng, cá đạt 0,7 - 1 kg/con. Qua thuần hóa cho thấy, cá Rô cờ có thể ăn tốt thức ăn công nghiệp, cá tạp, ngô nấu chín, rau và quả chuối.

Trong suốt quá trình thuần dưỡng, cá Rô cờ ít mắc bệnh, thời gian đầu chỉ bị lở loét, do tác động của quá trình đánh bắt ngoài tự nhiên, và vận chuyển. Kết quả đã thuần dưỡng được 143 con, khoảng 142,5 kg.

Cuối năm 2018, từ đàn cá thuần hóa, nhóm đề tài chọn 132 cá thể khỏe mạnh, không dị hình, để xây dựng đàn cá bố mẹ. Tháng 6-2019, cá bố mẹ đã sinh sản. 

Cũng trong tháng 6-2019, đàn cá Mõm trâu 100 con, từ 0,2 - 0,3 kg/con thu thập từ sông Sêrêpốk thuộc xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) được vận chuyển về nuôi thuần dưỡng trong ao đất, diện tích 800 m2 ở xã Hòa Lễ.

Tỷ lệ sống sau một tháng nuôi đạt 82%. Sau 4 tháng lưu giữ, cá đạt chiều dài 23 - 34 cm, nặng 0,3 - 0,5 kg/con, bắt đầu thích nghi tốt môi trường ao đất nước chảy, so với ngoài tự nhiên, tốc độ tăng trưởng của cá Mõm trâu trong môi trường nhân tạo khá chậm.

Chất lượng ngon, nên cá Rô cờ và Mõm trâu, được ví là những đặc sản “tiến vua” của Tây Nguyên, với giá thành 500.000 đồng/kg cá Mõm Trâu và 80.000 - 250.000 đồng/kg cá Rô cờ.

Vào dịp Tết, nhiều thượng khách trong cả nước, không ngần ngại chi khoản tiền lớn, để sở hữu những con cá quý này. 

Ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đắk Lắk, cho biết, công trình nghiên cứu, sản xuất cá Mõm trâu và  Rô cờ, đã góp phần chủ động về con giống, hạn chế đánh bắt tự nhiên; đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho nghề nuôi trồng thủy sản của địa phương.

Đặc biệt, đây sẽ là tiền đề hướng đến việc tạo ra một sản phẩm thủy sản đặc trưng vùng miền, mang giá trị kinh tế cao, theo chương trình mục tiêu quốc gia mỗi xã một sản phẩm - OCOP.

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top