Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 10 năm 2019 | 16:48

Tin NN: Xuất khẩu cá tra khó thoát khỏi tăng trưởng âm

VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý IV còn tiếp tục giảm. Đồng thời, từ nay tới cuối năm, giá trị xuất khẩu sang Mexico, Brazil và Colombia vẫn nằm ngưỡng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2018.

ca-tr.jpg
Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu.


Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,46 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm tiếp 14,6%, trong đó, giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia cũng giảm sút mạnh.
khẩu cá tra khó thoát khỏi tăng trưởng âm

Cho tới cuối tháng 9/2019, Trung Quốc - Hồng Kông đang là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Thị trường này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong cơ cấu xuất khẩu cá tra Việt Nam. 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông đã chiếm tới 30,9% tổng giá trị cá tra xuất khẩu, đạt 450,7 triệu USD, tăng 19,6% so với 9 tháng đầu năm 2018. Với giá trị xuất khẩu này, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đang lớn gấp đôi thị trường xuất khẩu cá lớn thứ 2 là Mỹ.

Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đa dạng nhất nhiều loại cá tra từ phile đông lạnh cho tới sản phẩm cá tra chế biến của Việt Nam như: cá tra phile đông lạnh, cá tra phile cắt khúc, cá tra nguyên con xẻ bướm đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, bụng mỡ cá tra, bao tử cá tra, cá tra phile cắt tẩm gia vị đông lạnh, chả cá tra, cá tra tẩm bột đông lạnh...

Tính đến hết tháng 9/2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 đạt 208,3 triệu USD, chiếm 14,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, giảm 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cho tới thời điểm này, đây là mức sụt giảm lớn và đáng chú ý tại Mỹ trong 5 năm trở lại đây. VASEP dự báo, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý IV còn tiếp tục giảm. Đây là năm, xuất khẩu cá tra sang Mỹ không như mong đợi của nhiều doanh nghiệp.

Điều đáng tiếc là, tính đến hết tháng 9/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang ba thị trường tiềm năng là: Mexico, Brazil và Colombia vẫn chìm trong sự sụt giảm từ đầu năm. VASEP dự báo, từ nay tới cuối năm, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này vẫn nằm ngưỡng tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm 2018.

Mối nguy từ cá dọn bể

Loài cá ngoại lai được du nhập vào Việt Nam với mục đích phục vụ cho thú chơi cá cảnh (vệ sinh bể cá) nhưng không biết bằng cách nào cá dọn bể lại bị xổng ra môi trường tự nhiên rồi phát triển tràn lan, khó kiểm soát.

ca-don.jpg
Cá dọn bể xuất hiện nhiều nơi.

 
Chưa thể tính toán hết những hệ lụy mà loài cá ngoại lai này gây ra đối với môi trường song với những người vẫn ngày đêm gắn bó với nghề chài lưới, với khúc sông này, quãng kênh kia để mưu sinh thì chúng đã gây thiệt hại rất lớn.

Một người làm nghề chài lưới tên Yến (SN 1957) có hơn 30 năm gắn bó với sông Thương (Bắc Giang) chia sẻ với chúng tôi rằng, ông cảm thấy ngán ngẩm, thậm chí là căm ghét lũ cá dọn bể. Sự xuất hiện của chúng khiến cho những người làm nghề sông nước như ông có nguy cơ phải cất thuyền, treo lưới, gác cần câu và thậm chí là có thể treo... niêu.

Ông Yến than thở: “Không biết giờ ở đâu ra lắm lũ cá này thế, dù thả lưới vương, lưới bát quái, quăng chài, thả rọ hay đi câu thì đều chạm mặt nó, nhiều hôm phải bắt cả chục kí cá dọn bể mà phát ngán. Khổ nỗi chỉ nhìn hình dạng chúng là đã ghê rợn, mình cá rất ít thịt, toàn xương, da dẻ xù xì, thô ráp, vây nhọn hoắt như đinh và đương nhiên con người chẳng thể dùng làm thực phẩm. Không may bắt được mớ cá loại này cũng đành gọi cho mấy gia đình trên bờ mang về nấu cho lợn ăn hoặc ủ làm phân để bón cây”.

Việt Nam đã từng đối mặt với những hậu quả lớn từ một số sinh vật ngoại lai gây ra như rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, mới đây là tôm hùm đất và giờ cá dọn bể lại tạo ra những mối lo ngại không kém cho môi trường. Giải bài toán này thực sự không hề dễ dàng và câu trả lời đang chờ ngành chức năng.

Cá dọn bể hay còn gọi cá lau kính có nguồn gốc từ Nam Mỹ, chúng là loài ăn tạp, thích nghi rộng, cơ thể nhiều xương, vây cực sắc nhọn và cứng như đinh. Ở môi trường tự nhiên, chúng không chỉ tranh cướp thức ăn mà còn có thể hút nhớt (chất nhầy) trên mình của các loài cá khác.

Cá dọn bể sinh sản nhanh, con người chẳng ai buồn bắt nên càng tạo cơ hội để chúng sinh trưởng, tồn tại và “tác oai tác quái” ở chốn "thủy cung". Cũng cần đặt ra giả thiết vì cá dọn bể lây lan đến chóng mặt nên thời gian gần đây các sông ngòi, ao hồ thưa vắng dần cá tự nhiên bản địa?

Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục giảm những tháng cuối năm

 

ca-ngu.jpg
Chế biến cá ngừ phục vụ xuất khẩu

 
Trong số 8 thị trường nhập khẩu cá ngừ nhiều nhất của Việt Nam, có tới hơn một nửa số thị trường có giá trị nhập khẩu thấp hơn so với cùng kỳ.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau một thời gian tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã giảm trong tháng 9.

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ trong tháng 9 đạt 53 triệu USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, nhờ sự tăng trưởng tốt trong những tháng trước đó nên tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 9 tháng đầu năm 2019 vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018, đạt gần 547 triệu USD.

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9 vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 39% so với tháng 9/2018. Với tốc độ tăng trưởng này, tỷ trọng thị trường Mỹ trong tổng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cũng đang ngày càng tăng.

Theo đánh giá của các chuyên gia , Việt Nam đang được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung. Xuất khẩu cá ngừ chế biến khác mã HS16 của Việt Nam, trong đó chủ yếu loin cá ngừ vằn/vây vàng hấp đông lạnh, 9 tháng đầu năm 2019 đang tăng 184% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cá ngừ đóng hộp tăng 32%, loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 tăng 51%.

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU có xu hướng ngày càng giảm. Riêng trong tháng 9, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm hơn 33%. Chính vì vậy, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay vẫn giảm gần 10%, đạt hơn 106 triệu USD.

Với tình hình này, VASEP dự kiến xuất khẩu cá ngừ những tháng cuối năm 2019 sẽ có khả năng tiếp tục giảm./.

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top