Một nông dân miền Tây, đã lập kỳ tích trồng cây thanh long trong nước mặn, vừa làm kinh tế, vừa giữ rừng rất tốt.
Những đọt thanh long xanh mơn mởn, ôm thân cây mắm vươn cao, không chỉ cho thấy, sức sống mãnh liệt của loài cây ăn trái này, mà còn có cả sự sáng tạo của nhà nông miền Tây.
Hơn 10 năm nghiên cứu, ông Phương đã hưởng thành quả từ trái thanh long nước mặn.
Ở thị trấn Cái Nước, tỉnh Cà Mau, ông Mai Lam Phương, qua một quá trình gian nan, đã thu được những trái thanh long ngon, ngọt trồng trong nước mặn.
“Hơn 10 năm gian nan, giờ ông đã nhân rộng hết diện tích vuông tôm. Hướng đi hài hòa giữa làm kinh tế và giữ rừng” - ông Phương nói.
Cà Mau, nơi có những cánh rừng bạt ngàn và cuộc chiến mặn - ngọt đang kéo dài, song hành với sự lên ngôi của con tôm, đang làm cho vùng ngọt hóa dần thu hẹp.
Cũng chính sự phát triển nhanh của con tôm, đã xảy ra cuộc chiến giữa trồng rừng và nuôi tôm rất căng thẳng.
Việc lựa chọn cách sản xuất phù hợp, để cây rừng vẫn hiện diện trong những vuông tôm, mặc dù rất được quan tâm, nhưng dường như chưa có lời giải thỏa đáng.
Trước đây, ông Phương từng là hộ nghèo. Ngoài nuôi tôm, còn có thêm nhiều mô hình nuôi rắn, gà, nhím, vịt, heo nhưng rất khó thành công, khi xung quanh toàn là nước mặn.
Trong khi đó, môi trường nước tại các vuông tôm ngày càng ô nhiễm, năng suất tôm giảm, buộc ông phải tìm thêm cây, con phù hợp để cùng con tôm, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
“Hơn 10 năm trước, tôi từng đưa thanh long Bình Thuận, hay Tiền Giang, xuống trồng thử nghiệm trên bờ bao vuông tôm, nhưng không phù hợp thổ nhưỡng nên chết hết.
Vì vậy, tôi phát hiện ra giống thanh long ruột trắng tại địa phương, có sức sống mãnh liệt, một số người trồng trên bờ vuông tôm vẫn sống được, nên tìm cách phục tráng”- ông Phương kể.
Mất gần 5 năm để hoàn thiện lại giống thanh long địa phương, nhưng đưa xuống nước mặn như thế nào là cả vấn đề nan giải.
Do nghèo không tiền mua trụ đá, ông Phương quyết định trồng thử thanh long với giá thể, là tất cả các loài cây có trong vuông. Và phát hiện cây mắm là cây chịu đựng giỏi nhất.
Ông cho biết, lúc thử nghiệm trên bờ, thanh long sống tốt, nhưng đưa xuống nước hơn 1 tuần thì chết. Nhưng như thế giúp ông rút tỉa thêm kinh nghiệm.
Cứ thế, ông theo dõi, ghi chép quá trình sinh trưởng, khả năng chịu đựng nước mặn của thanh long, để xây dựng quy trình trồng thanh long trong nước mặn.
Theo ông Phương, muốn trồng thanh long trong nước mặn, phải biết sức chịu đựng của cây. Quá trình thử nghiệm cho thấy, khi thủy triều lên xuống, thanh long mới phát triển bình thường, nhưng nếu ngập liên tục thì chỉ chịu được 6 ngày.
Nếu để lâu, bộ rễ bị hư, cây chết dần. Khi bộ rễ đã bám lên cây mắm, thì nước ngập vẫn bình thường, vì thanh long lấy chất dinh dưỡng từ thân cây mắm.
“Tại sao cây mắm chịu được cây thanh long? Đó là câu hỏi tôi tự đặt ra để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình trồng thanh long trong nước mặn.
Tôi chặt cây mắm ra thì thấy có sự khác biệt. Các loại cây khác chỉ có 1 lớp vỏ, 1 đường vận chuyển chất dinh dưỡng, khi cây khác bám vào, hút hết chất dinh dưỡng thì cây chết.
Còn cây mắm có nhiều lớp vỏ, có rất nhiều đường vận chuyển dinh dưỡng, nên khi thanh long đeo mất lớp vỏ ngoài, vẫn còn lớp vỏ trong.
Vì vậy, cây mắm vẫn sống và tiếp tục song hành với thanh long. Ngoài ra, cây mắm có bộ lọc xử lý nước mặn, nên khi thanh long ra trái sẽ mỏng vỏ, ăn ngọt và thơm”- ông Phương nói.
“Sau khi chăm sóc, theo dõi, ghi nhận sự tăng trưởng, nhận thấy thanh long thích nghi tốt trên thân cây mắm, và cho quả ngọt, tôi đã trồng 1.000 cây xung quanh gốc mắm”- ông Phương nói.
Theo ông Phương, vụ đầu cho trái, mỗi gốc đạt gần 20kg. Những năm sau, lượng trái cứ thế tăng dần, khoảng 60kg, đến năm thứ 7 thì trái giảm dần.
Với điều kiện canh tác như của ông, thanh long phát triển hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc BVTV nên giá bán gấp 3 lần thanh long bình thường.
Tuy năng suất không cao bằng những vùng khác, nhưng thanh long của ông Phương, trái ngọt tự nhiên, được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng.
Cách làm của ông Phương, đã mở hướng xây dựng các mô hình kinh tế, phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng Cà Mau. Thanh long có khả năng thích nghi, phát triển tốt, khi sử dụng cây mắm, ở nơi có thủy triều lên xuống làm giá thể.
Từ đó, giúp Cà Mau tăng thu nhập ở các vùng nuôi tôm quảng canh, đặc biệt là miệt rừng ngập mặn ven sông, biển, nơi cây mắm sinh trưởng tốt.
Ngoài ra, cây mắm, còn là cây cố định đất, chống xói lở, làm trụ để trồng thanh long, và tận dụng để nuôi trồng thủy sản, các loài nhuyễn thể. Việc thu hoạch thanh long, nhuyễn thể, sẽ làm giảm nạn chặt phá rừng, tăng thu nhập. Hơn 10 năm nghiên cứu thành công cây thanh long, đã giúp ông thành công.
Đầu năm 2019, ông đã trồng thanh long trên toàn bộ diện tích vuông tôm, rộng hơn 1ha của gia đình, với số lượng lên đến hàng ngàn gốc.
“Sau khi nhân rộng hết diện tích vuông tôm, tôi còn nuôi thêm ốc len, tôm, cá, vọp, ong dưới tán rừng, đồng thời nghiên cứu lấy lá mắm làm nhang đuổi muỗi. Có thế mô hình mới thật sự hoàn thiện”- ông Phương nói.
Ông Huỳnh Kế Thừa, cán bộ Nông nghiệp Thị trấn Cái Nước, cho biết: Mô hình của ông Phương bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Nếu được nhân rộng, vùng đất ngập mặn Cà Mau sẽ có một sản phẩm chiến lược trồng ở nước mặn cho trái ngọt.
Nghệ An: Hàng nghìn ha lúa, nguy cơ thiếu nước vụ Xuân
Ngay sau Tết, bà con huyện Thanh chương (Nghệ An) đã xuống đồng gieo trồng 14.500 ha vụ Xuân, trong đó có 8.200 ha lúa. Tuy nhiên, còn nhiều diện tích chưa thể canh tác do thiếu nước.
Hiện, khi mạ đã đến tuổi, phân đã rải đều, máy làm đất cũng đã thuê mượn, nhưng không có nước cấy. Sợ lỡ thời vụ, một số nông dân ở Thanh chương “cấy trét” với hy vọng trời sẽ mưa.
Lãnh đạo Công ty TNHH Thủy lợi Thanh Chương cho biết, dự báo trước tình hình, đơn vị đã sớm triển khai việc tích trữ nước. Tuy nhiên, tại 6 trạm bơm dọc Sông Lam, do nước sông cạn kiệt, thấp hơn bình quân các năm trên 1 mét, nên đa số nồi hông đã trơ đáy, không thể bơm tưới, toàn huyện có khoảng 3.000 ha có nguy cơ thiếu nước.
Theo Đề án, vụ xuân 2020 toàn huyện Thanh Chương sẽ gieo trồng khoảng 14 500 ha cây ngắn ngày, để đạt gần 70.000 tấn lương thực có hạt.
Để đảm bảo sản xuất, huyện đã ban hành đề án, triển khai xuống từng địa phương. Tuy nhiên, tình trạng nước Sông Lam cạn, các trạm bơm không thể hoạt động, đang gây nhiều trở ngại.
Ông Nguyễn văn Quế - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, chia sẻ: Chúng tôi đang chỉ đạo tất cả các xã, có kế hoạch điều tiết, và tiết kiệm nguồn nước từ các hồ đập.
Yêu cầu Công ty Thủy lợi khẩn trương nạo vét, nối thêm ống bơm, để hút được nước, đồng thời đề nghị cấp trên chỉ đạo Thủy điện Bản Vẽ điều tiết, xả nước để có nước bơm cấy lúa”.
Quảng Bình: 100 ha lúa Đông – xuân bị bọ trĩ gây hại
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay những ngày đầu xuân 2020, bà con nông dân huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tập trung xuống đồng, chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân 2019-2020.
Bà con xã Hưng Trạch chăm sóc lúa bị bọ trĩ gây hại
Ngày 3-2, ông Nguyễn Cẩm Long, Phó phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: Vụ đông-xuân 2019-2020, toàn huyện gieo trồng 10.150 ha cây trồng các loại; trong đó hơn 700 ha ngô, 700 ha lạc, 3.200 ha sắn, hơn 500 ha rau màu các loại và 5.050 ha lúa.
Ngay từ đầu vụ, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các địa phương chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu giống cây trồng của người dân, phối hợp với các trại giống, cung ứng 250 tấn giống chất lượng cao, để bà con sản xuất.
Theo tiến độ, bà con nông dân đang tích cực chăm sóc (làm cỏ, bón phân...) nên cây trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Song, do sương mù nhiều, nên hiện có khoảng 100 ha lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, của các trà muộn, bị nhiễm dịch bọ trĩ phát sinh, gây hại.
Trong đó, có khoảng 10 ha bị nặng, mật độ bọ trĩ trung bình 500-700 con/m2, nơi cao 1.000-1.500 con/m2, cục bộ 2.000-3.000 con/m2. Diện tích bị dịch bệnh tập trung tại các xã: Hưng Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch, Cự Nẫm, Bắc Trạch, Vạn Trạch, Đại Trạch...
Phòng NN-PTNT huyện đã có hướng dẫn và trực tiếp cử cán bộ hướng dẫn bà con chăm sóc, và chống dịch bọ trĩ lây lan. Trong đó, khuyến cáo bà con chú trọng vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại.
Nhất là cỏ môi, ký chủ chính của bọ trĩ; sử dụng các loại thuốc, như: Armada 50EC, Bassa 50EC, Anvado 100WP + 20 ml, thuốc FM-Tox 50EC, pha với nước, phun cho lúa bị bệnh đúng liều lượng chỉ dẫn. Kết hợp với một số phân bón lá như: siêu ra rễ, siêu lân, NuRoots (kích thích ra rễ cực mạnh… để kích thích lúa phát triển.
Đồng thời, Bố Trạch cũng chỉ đạo các địa phương, bà con nông dân, cần theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của cây trồng, để chủ động có các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh các loại có thể xảy ra, bảo đảm cho vụ mùa thắng lợi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…