Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 1 năm 2020 | 9:3

Tin Tây Nguyên: Nông dân Đà Lạt phấn khởi vụ hoa Tết

Các làng hoa ở Đà Lạt đã bắt đầu sôi động từ 25 âm lịch, mọi người đang tất bật thu hoạch hoa, đóng gói để kịp chuyển về T.p Hồ Chí Minh.

Hàng năm, ngày 25 âm lịch trở đi, thị trường hoa Tết ở Đà Lạt lại trở nên sôi động. Từ các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, Đa Thiện, Hà Đông… TP. Đà Lạt, cho đến các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, nhộn nhịp hẳn lên khi mọi người tất bật thu hoạch hoa, đóng gói để kịp chuyển về TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

 

hoa-661.jpg

Nông dân tất bật thu hoạch hoa phục vụ Tết Canh Tý 2020.                      

 

Những ngày giáp Tết một số làng hoa lớn tại TP Đà Lạt luôn sôi động và tất bật. Theo nhiều chủ vựa hoa, tuy diện tích và số lượng hoa các loại năm nay tăng, nhưng giá cả khá ổn định, hầu hết các nhà vườn đều có lãi.  

Cụ thể, giá một số loại hoa ngày 26 Tết được nhà vườn tại Đà Lạt bán ra như sau: Hoa hồng 2 - 2.5000 đồng/cành, hoa cúc từ 1.700 - 2.500 đồng/ cành, hoa đồng tiền 3.500 đồng/cành, cẩm chướng 3.000 - 3.500 đồng/cành, cát tường 80.000 - 90.000 đồng/kg, lily 160.000 - 180.000 đồng/bó 5 cành.

Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12, cho biết: Tết này, nông dân trồng hoa cát tường, cẩm chướng, đồng tiền là “trúng đậm” nhất. Bởi giá hiện tại đã tăng lên từ 20 - 25% so năm ngoái. Các loại hoa khác đều giữ mức ổn định, tương đương năm ngoái. Riêng hoa cúc giảm từ 15 - 20%. 

Để phục vụ thị trường Tết 2020, nông dân Thái Phiên đã xuống giống khoảng 90 ha, trong đó có khoảng 75 ha là hoa cúc các loại, 13 ha hoa lily, và 2 ha hoa lay ơn, cát tường, cẩm chướng và một số loại hoa khác. 

Đặc biệt, năm nay nông dân phát triển mạnh dòng hoa cao cấp lily, sản lượng khoảng 4,5 triệu cành để phục vụ Tết. Hiện, tại các nhà vườn hoa đều nở đúng Tết, và đang thu hoạch đồng loạt, đưa ra thị trường. Dự kiến, giá sẽ tăng hơn năm ngoái, dao động từ 150 - 200.000 ngàn đồng/bình 5 cành. 

“Năm nay, có nhiều nông hộ trồng lily, cát tường, cẩm chướng, đồng tiền thu về hơn 1 tỉ đồng trong vụ hoa Tết. Trong 3 ngày qua, giá các loại hoa này đang có xu hướng nhích lên, nông dân vô cùng phấn khởi” – ông Dinh nói. 

Tại huyện Lạc Dương, hàng ngàn nông dân trồng hoa trên địa bàn huyện cũng đang hối hả với việc cắt hoa, đóng hàng, cung ứng cho bạn hàng. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng cũng như chất lượng các loại hoa trên địa bàn huyện đều tăng. 

Ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, cho biết: So với mọi năm, các loại hoa Tết năm nay có giá cao, tương đối ổn định. Chỉ riêng hoa cúc giảm 10 – 15%, còn các loại hoa khác đều tăng. 

“Một điều đáng lạc quan là, đến thời điểm này, tình hình mua bán rất sôi động, lượng hàng hóa xuất đi các tỉnh đều tăng so với năm trước. Hiện, các nhà vườn đã thu hoạch gần hết sản lượng hoa, chuẩn bị Tết 2020, thị trường thông thương, mối lo dội hàng, dội chợ, phần nào đã được giảm ” - ông Hải cho hay. 

Pleiku: Những vườn hoa lay ơn thấp thỏm đợi giá

Thị trường hoa lay ơn ngày cận Tết  hiện rất  sôi động, tuy nhiên, năm 2020 tại TP. Pleiku, (Gia Lai), giá hoa lại phụ thuộc vào thương lái, khiến nhà vườn  thấp thỏm lo âu.

  

gl-93.jpg

 Anh Nguyễn Văn Phương đang chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Hà Phương

 

Trưa ngày 26 tháng Chạp, phóng viên có mặt tại làng hoa lay ơn ở xã Trà Đa, TP. Pleiku, là vựa hoa lay ơn cung cấp cho nhiều đầu mối trong và ngoài tỉnh. So sánh với nhiều năm, nhà vườn cho rằng năm nay giá hoa chưa có lợi cho người trồng, một phần bị chi phối bởi thương lái. 

Anh Nguyễn Văn Phương (thôn 1 xã Trà Đa ), cho biết: “Hoa lay ơn ngoại  có 2 sào, lay ơn nội 2 ha. Thường thì  27, 28 Tết, lời lỗ mới biết. Nếu giá 15 ngàn đồng/10 cành thì mình làm ra mới có lời, còn dưới thì huề hoặc lỗ vốn thôi”.

Hiện, làng hoa lay ơn đang vào chính vụ, nhà nhà lo thu hoạch bán cho thương lái. Bà Trần Thị Hiếu (người Quảng Nam) đã có thâm niên hơn 10 năm mua bán hoa nơi đây nhận xét: “Hoa năm nay không đẹp lắm, nên nhìn vào từng nhà vườn mà bỏ giá khác nhau”. 

Trên mảnh vườn hơn 5 sào trồng hoa lay ơn nội đang vào vụ thu hoạch, ông Đoàn Khắc Châu (thôn 1, xã Trà Đa) thổ lộ: “Năm nay, nhìn chung người trồng hoa cũng không lãi mấy.

Giá hoa lay ơn có chỗ mười mấy ngàn đồng, có chỗ 5 - 7 ngàn đồng một bình/10 cành, chênh lệch cũng nhiều. Nhưng đa số là 10 - 12 ngàn đồng/ bình 10 cành”.

Trong khi đó, khảo sát bán buôn và bán lẻ tại các chợ trên địa bàn TP. Pleiku, giá lay ơn nội đến tay người tiêu dùng từ 24.000  - 27.000  đồng/10 cành, tùy chất lượng hoa. Giá tại vườn dao động từ 12.000 – 15.000 đồng/10 cành.

Nhìn chung, hoa Tết năm nay khá dồi dào chủng loại, số lượng, sự cạnh tranh về giá cũng có nhưng không đáng kể. Lay ơn vốn là loại hoa giá cả ổn định, nhưng cũng đang bị cạnh tranh bởi các loại hoa khác.

Hoa cắm bình như lay ơn còn đối mặt với xu hướng ngày càng phổ biến: chơi chậu hoa nhỏ lâu tàn, để trưng trong nhà những ngày Xuân.

Tính toán chi ly các loại chi phí trên đồng ruộng, cộng với giống, thì người nông dân vẫn không lỗ, nhưng chưa có lãi cao trong vụ hoa năm nay. Tuy nhiên, nhu cầu hoa Tết thường tăng nên nhà vườn vẫn đang kỳ vọng có lãi.

Theo bà Nguyễn Thị Quý- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Đa, trên địa bàn xã Trà Đa có khoảng 35 hộ trồng hoa lay ơn chuyên nghiệp, với hơn 16 ha, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.

Hiện, các nhà vườn có phần lo lắng, vì năm nay chi phí sản xuất tăng, nhưng giá hoa không tăng. Còn vài ngày nữa là Tết, chúng tôi mong giá hoa nói chung, hoa lay ơn nói riêng được cải thiện, để bà con có một cái Tết  sung túc hơn”. 

Chư Prông phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Nhiều hộ nông dân ở thị trấn Chư Prông, Gia Lai đã chuyển đổi diện tích đất sản xuất không hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Hướng đi mới mẻ này giúp nhiều hộ có nguồn thu nhập khá cao.

 

tam-699.jpg

Anh Sơn kiểm tra tằm đang nhả kén . Ảnh: V.H

 

Năm 2017, khi vườn hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, giá cà phê xuống thấp, đời sống gia đình anh Nguyễn Văn Minh (tổ 1, thị trấn Chư Prông) bị ảnh hưởng rất nhiều.

Với mong muốn tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, anh đã khăn gói sang huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) để học cách trồng dâu nuôi tằm.

Sau khi nắm vững kinh nghiệm, anh quyết định đầu tư trồng 2 ha dâu để nuôi tằm. Mỗi tháng, anh nhập 4-6 hộp tằm giống về nuôi. Nuôi tằm bình quân 15 ngày cho thu hoạch một lần, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật sẽ thu 50-55 kg kén/hộp giống.

Với giá bán mỗi 140 ngàn đồng/kg kén, trừ chi phí, gia đình anh Minh thu về 14-20 triệu đồng/tháng.

Anh Minh cho biết: “Khí hậu và thổ nhưỡng ở huyện Chư Prông rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây dâu. Trồng 1 ha dâu để nuôi tằm, mỗi năm có thể thu lợi 100-120 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng cà phê.

Cùng với đó, việc hái lá dâu, nuôi tằm không phải là lao động nặng nhọc, nên có thể tận dụng nhân lực trong gia đình cùng tham gia, giúp giảm được rất nhiều chi phí”.

Thấy gia đình anh Minh trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả, năm 2018, hộ ông Phạm Thanh Sơn (tổ dân phố 5, thị trấn Chư Prông) cũng đầu tư mô hình này.

Hiện, gia đình ông trồng 1 ha dâu, nuôi hơn 50 né kén. Nói về việc trồng dâu nuôi tằm, ông Sơn cho biết: Mỗi hộp giống nuôi được 24-25 né. Sau 15 ngày nuôi thì được thu hoạch kén.

Việc nuôi tằm khá đơn giản, điều quan trọng là phải biết kỹ thuật chăm sóc chúng. Sau mỗi lứa nuôi phải vệ sinh né sạch sẽ, để tránh lây nhiễm bệnh.

Giống tằm thì chúng tôi nhập từ Lâm Đồng. Hiện, giá kén rất cao, song,  sản xuất ra có người đến tận nhà thu mua. Gia đình tôi đang đi thuê đất để trồng dâu, sang năm sẽ mở rộng quy mô sản xuất vì đây là mô hình rất hiệu quả.

Hiện, ở thị trấn Chư Prông, ngoài gia đình anh Minh và ông Sơn, còn có một số hộ đã chuyển đổi đất hồ tiêu và cà phê, sang trồng dâu nuôi tằm, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, cây dâu có thể trồng xen với các loại cây ngắn ngày, vừa tiện chăm sóc, vừa góp phần cải tạo đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tòng-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp thị trấn Chư Prông-cho biết: “Hợp tác xã có 220 thành viên. Những năm qua, người dân gặp nhiều khó khăn do giá một số mặt hàng nông sản giảm.

Nhận thấy trồng dâu nuôi tằm là hướng đi đúng, vì vậy, Hợp tác xã đã tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm, tham gia một số lớp tập huấn. Thêm vào đó, tằm dễ nuôi, thời gian quay vòng vốn nhanh đã tạo ra nguồn thu nhập thường xuyên và khá cao cho người dân”.

Theo ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông: “Trồng dâu nuôi tằm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao trên cùng một diện tích, so với các cây trồng khác.

Chính vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng cho các địa phương chuyển đổi một phần diện tích cây hồ tiêu bị chết, và các cây trồng không phù hợp sang trồng dâu nuôi tằm.

Đây là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã triển khai”.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top