Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 6 năm 2020 | 20:3

Tin Tây Nguyên: Xây dựng vườn sầu riêng kiểu mẫu ở Đắk Nông

Xây dựng vườn sầu riêng kiểu mẫu, vùng cà phê đặc sản và đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất vụ mùa là tin nổi bật trong tuần.

Hai vườn sầu riêng kiểu mẫu ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông), đều nằm trên đồi  thoải dốc, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả cao. Hứa hẹn đưa vào chương trình OCOP của địa phương.

 

sau-191.jpg

Lựa trái và neo cành là công đoạn quan trọng, để có vụ sầu riêng bội thu

 

Chị Mai Thị Ngọc Yến, ở thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, đang tập trung chăm sóc sầu riêng: thuê nhân công neo cành, dù mới có quả hơn 1 tháng nay. Chị cho biết, phải neo sớm vì nhiều cành trĩu quả đã sệ xuống, dễ bị gãy. Đây là vườn sầu riêng đang thu hoạch năm thứ 7, theo quy trình hữu cơ.

Theo đó, năm 2013, chị đã trồng xen 500 cây sầu riêng Ri6 trong rẫy cà phê 3 ha. Khi sầu riêng được 3 tuổi, chị quyết định chặt bỏ toàn bộ diện tích cà phê, để tập trung chăm sóc sầu riêng theo quy trình hữu cơ.

"Thấy cà phê giá cả bấp bênh, tốn nhiều công chăm sóc, tôi quyết định chuyển đổi. Để vừa có thu nhập, giảm thiểu rủi ro, tôi đã trồng xen sầu riêng với cà phê. Khi sầu riêng gần thu hoạch tôi mới nhổ bỏ cà phê".

Để giữ độ ẩm cho sầu riêng, chị Yến trồng cỏ mật trên rẫy. Nhờ đó, sầu riêng của chị luôn phát triển tốt, không thiếu nước. Để sầu riêng, không bị rụng quả, phải có cách lựa quả hợp lý,  từ đó sẽ quyết định mùa quả được hay thất bại.

Theo chị Yến, sầu riêng Ri6 có 2 lần rụng quả sinh lý. Vì thế, người trồng  phải tính toán việc quả rụng, nhưng không ảnh hưởng đến việc tuyển quả cho mỗi cây.

Thời kỳ sầu riêng rụng quả sinh lý, phải cung cấp đủ dinh dưỡng để giữ quả, tránh rụng nhiều. Sầu riêng là cây khó tính, để có hiệu quả cao, nông dân phải trồng thuần, áp dụng KHKT và chăm sóc, bón phân phù hợp theo từng giai đoạn, theo thời tiết…

Tượng tự, vườn sầu riêng Ri6 hơn 400 cây của anh Trần Văn Huy, thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh, trồng xen cà phê năm 2014. Anh Huy vừa chặt cà phê để chăm thuần sầu riêng.

Anh Huy chia sẻ: "Sầu riêng là cây khó tính, để đạt hiệu quả cao phải tốn nhiều công sức, am hiểu kỹ thuật mới giữ được quả. Ngoài ra, phải phòng bệnh nấm quả, lá và rễ để đạt chất lượng, mẫu mã đẹp.

Sầu riêng trồng xen trong cà phê hiệu quả không cao, nên phải trồng thuần. Nếu chăm sóc tốt, biết áp dụng kỹ thuật,  sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều cây khác".

Bình quân năm nay, anh Huy thu về khoảng 40 tấn quả. Anh Huy chia sẻ, gia đình mới phát triển vùng nguyên liệu, chưa có tem chứng nhận, và truy xuất nguồn gốc. Do đó, anh rất mong cơ quan chức năng hỗ trợ, tư vấn để đạt các tiêu chí này.

Ngoài ra, anh đang muốn lắp đặt hệ thống tưới phun sương, nên mong muốn được hỗ trợ, hướng dẫn cách làm.

Theo ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh, xã đã chọn vườn sầu riêng của chị Yến, anh Huy làm mô hình mẫu. Thời gian tới, xã và cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ hai chủ vườn hoàn thiện theo hướng VietGAP.

Cụ thể, hướng dẫn 2 hộ đăng ký chứng nhận quy trình sản xuất, thương hiệu, nhãn hiệu, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Sầu riêng cũng là sản phẩm được xã Đức Mạnh đăng ký sản phẩm đặc trưng của xã trong Chương trình OCOP.

Vì thế, xã Đức Mạnh sẽ chủ động mang sản phẩm sầu riêng của hai gia đình này tham gia chương trình OCOP của huyện, tỉnh để quảng bá, kết nối tiêu thụ.

Kon Tum: Để hương vị Cà phê đặc sản Đăk Mar lan xa

Không thua kém các “đàn anh, đàn chị” ở thủ phủ cà phê Đăk Hà, cà phê đặc sản Đăk Mar của HTX Nông nghiệp dịch vụ Thế hệ mới (THM) Đăk Mar (huyện Đăk Hà) tuy “trình làng” chưa lâu, nhưng đã tạo được dấu ấn với khách hàng.

 

c-fee-99.jpg

 Cà phê phơi khô của HTX THM. Ảnh: VN

 

Ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Hợp tác xã  THM Đăk Mar cho hay: Cà phê của Hợp tác xã THM khi hái chín phơi khô, lúc nào cần rang xay mới bóc vỏ lấy nhân, nên giữ được hương vị đặc trưng.

Mặt khác, cà phê của HTX  được sản xuất theo quy trình VietGAP. Bột  cà phê nhân rang xay nguyên chất  100% , vì vậy, thương hiệu Cà phê đặc sản Đăk Mar giữ được hương thơm đặc trưng.

Ông Nguyễn Văn Bé còn “khoe” giấy chứng nhận VietGAP của Tổ hợp tác cà phê bền vững Đăk Mar Xanh (thuộc Hợp tác xã THM). Sản phẩm cà phê VietGAP của Tổ hợp tác này được sản xuất phù hợp với Quy trình thực hành Nông nghiệp tốt tại Việt Nam (TCVN 11982 - 1: 2017).

Theo ông Nguyễn Văn Bé, để được công nhận cà phê VietGAP, Hợp tác xã THM phải sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, có sổ ghi chép trồng, bón phân (chủ yếu phân hữu cơ), phun thuốc trong danh mục cho phép, và bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch; xét nghiệm mẫu đất, nước, hạt cà phê... bảo đảm RTTP cho người sử dụng.

Tổng diện tích THM Đăk Mar sản xuất theo quy trình VietGAP là 186 ha; sản lượng khoảng 300 tấn nhân/năm. 

“Cà phê rang xay của Hợp tác xã THM đã có mặt ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh, kể cả T.p Hồ Chí Minh, và đều được khách hàng đánh giá tốt về chất lượng” - ông Nguyễn Văn Bé nói.

Ông Nguyễn Chí Lân (quận 10, T.p Hồ Chí Minh) thật lòng: Cà phê Đăk Mar có hương vị tự nhiên, sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo được dấu ấn với khách hàng. Vì vậy, tôi chọn cà phê của Hợp tác xã THM.

Ông Nguyễn Văn Thọ - chủ quán cà phê ở T.p Kon Tum cũng chọn Cà phê Đăk Mar để phục vụ khách hàng. Bởi cà phê Đăk Mar thơm ngon, phù hợp thị hiếu người uống, được nhiều lời khen.  

Mặt khác, Hợp tác xã THM Đăk Mar đang hoàn tất thủ tục để được xem xét, Cà phê đặc sản Đăk Mar là sản phẩm OCOP.

Ông Phạm Văn Trụ - Chủ tịch UBND xã Đăk Mar, cho rằng: Hợp tác xã THM Đăk Mar sản xuất theo quy trình VietGAP và chế biến sâu, đáp ứng yêu cầu Chương trình OCOP.

Xã đang phối hợp với các đơn vị hỗ trợ pháp lý, tiếp cận truyền thông, quảng bá thương hiệu, để Cà phê đặc sản Đăk Mar, được công nhận là sản phẩm OCOP. 

Nếu được công nhận sản phẩm OCOP, việc Hợp tác xã THM Đăk Mar mở rộng thị trường, chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, ngày càng thuận lợi và hương vị cà phê này, sẽ có điều kiện để bay xa.

Gia Lai: Đưa giống chất lượng cao vào sản xuất vụ mùa

Để vụ mùa 2020 đạt hiệu quả cao, huyện Chư Sê (Gia Lai) đang vận động người dân xuống giống tập trung, nhanh gọn, sử dụng giống chất lượng cao...

 

lua-33.jpg

Người dân sử dụng lúa Đài thơm 8 để sản xuất. Ảnh: LN

 

Đặc biệt, huyện sẽ  hỗ trợ người dân xã Ayun sản xuất lúa nước theo mô hình liên kết, để phát huy hiệu quả công trình thủy lợi Plei Keo.

Công trình thủy lợi Plei Keo đã được xây dựng năm 2018, với tổng vốn đầu tư 116 tỷ đồng, để tháo gỡ khó khăn về nguồn nước. Công trình có thể tưới cho khoảng 400 ha lúa nước 2 vụ, và 100 ha cây trồng khác. Tháng 2-2020, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. 

Vụ Đông Xuân 2019-2020, huyện Chư Sê đã sản xuất lúa nước trên cánh đồng làng Vơng Chép (xã Ayun) với diện tích 4 ha.

Các hộ tham gia mô hình được  hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa nước, từ khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch; đồng thời, hỗ trợ phân bón, thuốc BVTV và 100% giống lúa mới Đài Thơm 8. Đến nay,  lúa phát triển tốt, chuẩn bị thu hoạch, năng suất dự kiến đạt 7-8 tạ/sào.

Ông Kpuih Plơk, cho biết: Trước đây, làm lúa nước 1 vụ,  6 tháng mới thu hoạch, năng suất chỉ đạt 2,5-3 tạ/sào. Giờ có nước, lại được cán bộ hướng dẫn cách gieo sạ, chăm sóc và sử dụng giống mới, thời gian sinh trưởng chỉ hơn 4 tháng.

“Dự kiến, năng suất lúa tăng gấp đôi so giống  cũ. Do đó, vụ mùa 2020, tôi tiếp tục đăng ký sản xuất 8 sào giống lúa Đài Thơm 8”-ông Plơk chia sẻ.

Vụ mùa 2020, xã Ayun tiếp tục vận động người dân chuyển đổi giống lúa địa phương sang giống ngắn ngày, để làm lúa nước 2 vụ. Hiện, đã có 85 hộ đăng ký với tổng diện tích hơn 40 ha.

Ông Rơ Ô Cam (làng Vơng Chép) cho biết: “Vụ này, tôi đăng ký sản xuất 1,5 ha. Hy vọng giống lúa mới sẽ giúp gia đình vừa đủ ăn, vừa có lúa bán cho HTX”.

Ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Chư Sê-thông tin: Vụ mùa 2020, huyện tiếp tục hỗ trợ xã Ayun trồng lúa liên kết với 25 ha.

Người dân tham gia được hỗ trợ giống, một phần phân bón và tập huấn kỹ thuật. Các hộ sẽ sử dụng cùng một giống lúa, xuống giống đồng loạt và chăm sóc theo cùng quy trình kỹ thuật.

Hiện, Trung tâm đang phối hợp với xã, chọn hộ tham gia mô hình. Đây là mô hình vừa giúp người dân nâng cao năng suất, vừa rút ngắn thời gian canh tác để làm lúa 2 vụ, phát huy hiệu quả của công trình thủy lợi Plei Keo.

Theo kế hoạch, vụ mùa 2020, toàn huyện Chư Sê sẽ gieo trồng 5.136 ha cây lương thực (2.680 ha lúa nước, 100 ha lúa rẫy, 2.356 ha bắp), 1.454 ha cây có củ (950 ha mì, 504 ha khoai lang), 1.104 ha đậu các loại, 769 ha rau các loại, 378 ha chanh dây, 600 ha mía và 170 ha cây hàng năm khác.

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Năm nay mưa muộn, nên huyện đã xây dựng lịch thời vụ xuống giống các loại cây trồng muộn hơn khoảng 15 ngày so vụ trước.

Đối với vùng chủ động nước, người dân xuống giống nhanh gọn trong tháng 6; vùng không chủ động nước thì xuống giống trong tháng 7. Riêng một số cây trồng ngắn ngày như bắp, lúa, đậu, mè, mì... xuống giống khi đất đủ độ ẩm.

“Ngoài ra, để năng suất đạt cao, người dân nên sử dụng giống lúa chủ lực gồm HT1, OM4900, IR64, Thiên ưu 8 và bổ sung giống DT45, OM6976.

Giống bắp lai CP888, CP333, LVN10, Bioseed9698; giống mía K84-200, Suphanburi7, KK3, KK6, K88-65, K88-92; giống đậu xanh H189-E3, DX208; giống mì năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt như KM140, KM419, KM98-5…

Đồng thời, áp dụng biện pháp canh tác tổng hợp IPM, ICM trên cây lúa như: gieo sạ đúng lịch thời vụ, lượng gieo sạ 120-130 kg/ha, đặc biệt cần giảm lượng thuốc BVTV.

Riêng đối với cánh đồng làng Vơng Chép, huyện vận động người dân chuyển đổi khoảng 120 ha lúa, giống địa phương sang giống lúa mới Đài Thơm 8” - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho hay.
 

 

  

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top