Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 12 năm 2015 | 4:18

Tôn vinh làng nghề Việt

Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ XI năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức (từ ngày 12 - 16/12/2015) tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại (số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội) thu hút sự tham gia của 350 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp, làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Xã viên HTX sản xuất vải lanh truyền thống Hợp Tiến trình diễn tại hội chợ.

Không chỉ mang đến hội chợ những sản phẩm thổ cẩm truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa của người Mông, Hợp tác xã (HTX) sản xuất vải lanh truyền thống Hợp Tiến, thôn Hợp Tiến, xã Lùng Tám, Quản Bạ (Hà Giang) còn trình diễn kỹ thuật dệt độc đáo, thu hút sự chú ý của nhiều khách tham quan. Ra đời từ năm 2001 với 20 thành viên, đến nay, HTX đã tạo việc làm cho 130 phụ nữ lúc nông nhàn, với thu nhập bình quân 2 – 3 triệu đồng/người/tháng. Bà Giàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX cho biết, trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng kết nạp thêm 500 xã viên.

Làng nghề chổi chít thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) cũng mang đến hội chợ những sản phẩm đẹp nhất, chất lượng nhất. Ông Nguyễn Văn Mịch, Trưởng ban quản lý làng nghề hồ hởi khoe: Trong suốt 40 năm hình thành và phát triển, làng nghề chổi chít Việt Lâm chưa bao giờ gặp phải khó khăn quá lớn. Hiện, nghề làm chổi chít đang tạo việc làm cho 400 lao động địa phương, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 150.000 sản phẩm, các hộ làm nghề đạt lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Nguyễn Văn Mịch say sưa làm chổi chít.

Suốt 60 năm làm gốm, bà Trần Thị Trình đã chứng kiến mọi giai đoạn thăng trầm của làng nghề gồm Phù Lãng, Quế Võ (Bắc Ninh). Những năm 1980, tưởng như làng nghề tan rã khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, mẫu mã không có sự thay đổi nên không cạnh tranh được với những sản phẩm khác. Nhưng từ khoảng năm 2000, một thế hệ nghệ nhân mới của làng đã thổi một luồng gió mới vào gốm Phù Lãng với những tác phẩm nghệ thuật từ gốm rất tinh xảo.

Nghệ nhân Trần Thị Trình miệt mài bên bàn xoay.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều nghề truyền thống trên khắp mọi miền đất nước được giới thiệu tại hội chợ. Với 350 gian hàng, các đơn vị mang đến hội chợ nhiều mặt hàng đa dạng phong phú, nông lâm thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống, lương thực, thực phẩm, trái cây và đồ uống sạch, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, như: Lụa tơ tằm Mỹ Đức, lụa Vạn Phúc, dệt thổ cẩm, ngọc trai trạm khảm, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan, tranh thêu, tranh hoa tươi ướp, tranh chữ thư pháp, trầm hương, gỗ mỹ nghệ; trà và phụ kiện trà, cà phê cacao nguyên chất; đông trùng hạ thảo, tinh dầu thảo dược; gạo Séng Cù, gạo tám Điện Biên, tiêu các loại, hành tỏi Lý Sơn – Quảng Ngãi; trái cây đặc sản 3 miền: trái cây Tiền Giang, dừa xiêm Bến Tre, bưởi da xanh, cam Vinh, cam Cao Phong, chuối ngự Đại Hoàng; chả mực Quảng Ninh, lợn Mán, trâu gác bếp, giò me, nem Phùng; rượu cần Hòa Bình… Ngoài ra, còn rất nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, rõ nguồn gốc xuất xứ đến từ các làng nghề truyền thống  sẽ được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ.  

Nghệ nhân tạc tượng đến từ tỉnh Phú Thọ.

Đặc biệt, trong cùng thời gian diễn ra hội chợ, BTC hội chợ phối hợp với Hiệp hội Cà phê cacao Việt Nam tổ chức “Lễ hội thử nếm và quảng bá sản phẩm cà phê cacao Việt Nam” trên diện tích 300m2. Đến với Hội chợ, ngoài việc tham quan, mua sắm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đến từ các làng nghề truyền thống, khách thăm quan sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa và thưởng thức hương vị đặc biệt của cà phê Việt như: Mê Trang, Minh Tiến, Thái Hòa, Thái An… cùng với các thương hiệu cà phê uy tín trước đó: Trung Nguyên, Vinacafe…

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết: Hiện nay nước ta có trên 5.096 làng nghề và làng có nghề, số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748 làng, thu hút khoảng 10 triệu lao động. Sản phẩm làng nghề Việt Nam ngày càng tinh xảo, với nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2014 tổng giá trị xuất khẩu của ngành đạt 30,86 tỷ USD, trong đó giá trị kim ngạch xuất khẩu của hàng thủ công mỹ nghệ đóng góp 1,6 tỷ USD. Tuy vậy, làng nghề đã và đang gặp phải khó khăn như: thiếu vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường  ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chậm đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nông nghiệp trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững càng trở nên cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Khánh Nguyên

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top