Với đội ngũ trẻ, năng động, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, bắt kịp sự phát triển ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kỳ vọng sản xuất nông nghiệp các địa phương sẽ ngày càng "trẻ hóa" tiếp tục có sự phát triển theo hướng hiện đại.
Thanh Hóa: Bước chuyển trong sản xuất nông nghiệp
Sau nhiều năm chuyển mình, ngành nông nghiệp trong tỉnh đang chuyển dịch theo hướng bền vững. Những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi ngày càng được nối dài, những khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất hiện khắp nơi. Giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích không ngừng được nâng lên. Đó đều là kết quả của quá trình “trẻ hóa”, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Khu trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Nguyễn Huy Lượng, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn có quy mô hơn 2 ha, được trồng tới 6 loại hoa, thế nhưng hàng ngày chỉ cần vài ba người tưới nước, xới đất làm cỏ. Anh Nguyễn Hữu Lượng, chủ cánh đồng hoa cho biết: Sở dĩ, cả cánh đồng hơn 2 ha trồng đủ các loại hoa chỉ cần đến 3 lao động là do trên toàn bộ diện tích trồng hoa, đã lắp đặt nhà màng, hệ thống tưới nước phun sương và nhỏ giọt, nên mọi công đoạn chăm sóc gần như được thực hiện tự động, người lao động chỉ cần vận hành hệ thống và thực hiện giám sát là cả khu trồng hoa đã được chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn, từ tỷ lệ tưới nước đến bón phân và bổ sung các vitamin, khoáng chất khác. Lao động sử dụng ít, chi phí giảm, song năng suất và chất lượng sản phẩm lại cao. Đó là những ưu điểm nổi bật của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Trong cái tiết lạnh giá của mùa đông, khi đa phần khu nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đều đang “tạm ngủ” vì thời tiết không thuận lợi để sản xuất, thì khu nuôi tôm của hàng chục hộ dân tại xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn lại đang khá nhộn nhịp. Anh Trần Văn Đồng, chủ khu nuôi tôm tập trung có quy mô lên tới 39 ha, cho biết: Sở dĩ khu nuôi tôm của gia đình anh và nhiều hộ dân khác trong xã vẫn hoạt động bình thường trong điều kiện thời tiết lạnh giá là do toàn bộ khu nuôi đã được đầu tư cơ sở hạ tầng và thiết bị hiện đại. Với hệ thống ao nuôi, ao ươm, ao xử lý nước đều được bê tông hóa, có mái che, sử dụng khung cáp chịu lực và 3 lớp lưới, ni lông che phủ, giúp chống rét, giữ ấm về mùa đông và chống nắng vào mùa hè, nhiệt độ ao luôn bảo đảm cho con nuôi sinh trưởng, phát triển, nên người nuôi có thể yên tâm thâm canh tăng vụ trong điều kiện thời tiết bất lợi. Vì vậy, bình quân 1 ha nuôi tôm trong vụ đông, lợi nhuận đạt từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.
Những mô hình nói trên là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Các chuyên gia nông nghiệp ví đây là sự “trẻ hóa”, bởi ở bất kỳ mô hình sản xuất nào, nếu có sự góp mặt của các tiến bộ khoa học - kỹ thuật thì mô hình đó cũng tràn đầy sức sống, hiệu quả. Đây cũng được xem là xu hướng tất yếu trong phát triển nông nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ sử dụng các giống cây trồng mới đạt năng suất, chất lượng cao trong sản xuất hơn 90%, giống con nuôi tiến bộ gần 70%. Ngành nông nghiệp cũng đã thu hút được 989 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Không chỉ ở phương thức sản xuất, sự “trẻ hóa” trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn thể hiện ở đội ngũ lao động. Thời điểm này, không khó để tìm thấy những ông chủ trẻ của thế hệ 8X, 9X, với những mô hình sản xuất nông nghiệp bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Đơn cử như mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng van điện từ trong công nghệ tưới của Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao Điền Trạch, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân do ông chủ trẻ 8X Đỗ Văn Tùng đầu tư đang tiếp cận và ứng dụng với các quy trình sản xuất của chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hay mô hình chăn nuôi gà bán chăn thả theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ của chàng trai 9X Hà Văn Phong, tại xã Tân Thành, huyện Thường Xuân...
Với đội ngũ trẻ, năng động, trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, bắt kịp sự phát triển ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kỳ vọng sản xuất nông nghiệp trong tỉnh sẽ tiếp tục có sự phát triển theo hướng hiện đại.
Hưng Yên: KHCN yếu tố cốt lõi giúp nông nghiệp vượt khó
Năm 2021, do ảnh hưởng của thời tiết và nhất là dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bị thu hẹp. Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật và các giải pháp phù hợp với thực tiễn nên sản xuất nông nghiệp năm 2021 được mùa khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển đổi tích cực theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất cây lương thực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, rau, quả, cây công nghiệp. Năm 2021, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 13.318 tỷ đồng, tăng 2,78% so với năm 2020; trong đó, nông nghiệp đạt 11.860 tỷ đồng, tăng 2,55%; thủy sản đạt 1.458 tỷ đồng, tăng 4,69%.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương và nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu thời vụ, giống cây trồng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt hơn 76,3 nghìn ha; trong đó, diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt hơn 56 nghìn ha; lúa chất lượng cao chiếm 71,2% diện tích; năng suất lúa vụ xuân đạt 67,4 tạ/ha, vụ mùa đạt 58,65 tạ/ha. Tổng diện tích cây ăn quả đạt 14.618 ha, tăng 3,79% ha so với năm 2020; trong đó, cây nhãn có 4.700 ha, tăng so với năm trước 34ha, sản lượng đạt hơn 41,6 nghìn tấn; cây vải có 1.200ha, tăng 108ha, sản lượng đạt 12,3 nghìn tấn; diện tích trồng chuối có 2.700ha, tăng 294 ha, sản lượng đạt gần 89 nghìn tấn, tăng 26,8%; diện tích cây có múi có 4.250ha, tăng 192ha, sản lượng đạt hơn 64,8 nghìn tấn, tăng 4,98%...
Hoạt động chăn nuôi, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung phát triển ổn định. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh năm 2021 phát triển khá, đàn trâu, bò có hơn 41,2 nghìn con, tăng 13%; đàn lợn đạt 493 nghìn con, tăng 8,2%; đàn gia cầm đạt 10 triệu con, tăng 0,6%. Chất lượng con giống được nâng cao theo hướng năng suất, chất lượng. Nuôi thả thủy sản được duy trì ổn định với diện tích 5.657 ha, chủ yếu nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh. Sản lượng thuỷ sản đạt hơn 51,2 nghìn tấn, tăng 5% so với năm 2020.
Đồng hành và hỗ trợ nông dân trong sản xuất, ngành nông nghiệp đã tập trung làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng trừ sâu, bệnh gây hại cây trồng, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, công tác xúc tiến thương mại được thực hiện có hiệu quả. Công tác thủy lợi được quan tâm, các giải pháp về thuỷ lợi được triển khai khá đồng bộ, tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, nguồn nước và chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, vận hành hệ thống thuỷ lợi bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.
Tiếp đà tăng trưởng, năm 2022, ngành nông nghiệp của tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 13.930 tỷ đồng; trong đó, nông nghiệp 12.271 tỷ đồng; lâm nghiệp 9 tỷ đồng, thuỷ sản 1.650 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng đạt 2,2%; năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha/vụ…
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của năm 2022, đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Ngành nông nghiệp tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sự cần thiết và tầm quan trọng về cơ cấu lại ngành nông nghiệp; thay đổi, thống nhất nhận thức về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện, nhất là sự thống nhất, tích hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh ứng dụng KHKT phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ địa bàn nông thôn, trước hết là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, an toàn, chất lượng gắn với chế biến và tiêu thụ; quan tâm thực hiện chuyển lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động ở nông thôn.
Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, như các chính sách về phát triển giống, quy trình sản xuất, thâm canh; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng…
Hà Nội: Quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo xu hướng tiêu dùng hiện đại
Năm 2021 là một năm nhiều biến động về kinh tế - xã hội do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó thủ công mỹ nghệ là một trong những ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Bằng những chính sách thiết thực, hiệu quả, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân các làng nghề thủ công mỹ nghệ đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, chinh phục thị trường trong và ngoài nước.
Theo Phó Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) Lê Thị Thuận, làng nghề Thụy Ứng nổi tiếng với các sản phẩm như: Vòng tay, đĩa khay, trâm cài tóc, thìa dĩa, khung tranh... Các tác phẩm mỹ nghệ được chế tác từ sừng trâu của làng hiện được bán trên toàn quốc. Ðặc biệt, các mặt hàng này đang được xuất khẩu sang các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Mỹ... và là sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến “đầu ra” của sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các sản phẩm bán cho khách du lịch. “Vì vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội hỗ trợ thiết kế mẫu mã, cũng như quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước”, bà Lê Thị Thuận kiến nghị.
Tương tự, bà Tạ Thu Hương - nghệ nhân làng nghề nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai) thông tin, hiện sản phẩm nón không chỉ làm theo kiểu truyền thống mà đã được phối lại phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại. Năm 2021, do tác động của dịch Covid-19 nên hoạt động giao thương gặp khó khăn, cùng với đó chi phí logistics cao đã tác động rất lớn đến lợi nhuận của các cơ sở sản xuất. Mặt khác, lợi nhuận trên doanh thu của nghề mây tre đan rất thấp, không thể so sánh với các dây chuyền sản xuất công nghiệp của các ngành hàng khác. Vì vậy, các cơ sở sản xuất rất cần Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, kinh doanh; giảm thuế thu nhập; kết nối tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống.
Đánh giá về những khó khăn các làng nghề thủ công mỹ nghệ đang phải đối mặt, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) Đào Hồng Thái cho biết, tuy nhu cầu thị trường với các sản phẩm mây tre đan là rất lớn nhưng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất khó để nâng giá bán, do Trung Quốc có chính sách trợ giá đối với các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu để thống lĩnh thị trường quốc tế. Mặt khác, dịch Covid-19 khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị đứt gãy, tác động lớn đến việc đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhiều đơn hàng được đề nghị lùi thời hạn giao hàng và bị hủy, nhiều mặt hàng đã làm xong nhưng không xuất khẩu được. Do đó, việc tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm là giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vực lại sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn.
Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, dịch Covid-19 đã làm suy giảm tiêu dùng của người dân và xã hội, ảnh hưởng hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bằng những chính sách thiết thực và hiệu quả, UBND thành phố Hà Nội, ngành Công Thương Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thương, phát triển thị trường, đặc biệt là kích cầu tiêu dùng trong nước, đưa các sản phẩm có chất lượng cao đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu tại chỗ gắn với các hoạt động du lịch mua sắm, giải trí trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, nhằm giúp các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất thương mại làng nghề tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề; mời các chuyên gia thiết kế trong nước và nước ngoài giúp các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận những mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện đại.
Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Hiền Lương (huyện Phú Xuyên) Nguyễn Thị Lương cho hay, với sự hỗ trợ của thành phố thông qua Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, những năm gần đây, công ty đều có những bộ sản phẩm mới. Trên cơ sở những mẫu mã do đội ngũ thiết kế của doanh nghiệp sáng tạo, các chuyên gia đã tư vấn, chỉnh sửa họa tiết, màu sắc… để sản phẩm bắt mắt và phù hợp hơn với thị hiếu khách hàng.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, tham gia các hội chợ, triển lãm ngành thủ công mỹ nghệ là cơ hội để các nghệ nhân, cơ sở sản xuất học tập, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời đưa các thiết kế mới vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu./.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.