Còn hơn 1 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Mậu Tuất, nhưng các nhà vườn trồng hoa, quất cảnh ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đã được thương lái tìm đến đặt mua gần hết. Năm nay, cây quất cảnh vừa đẹp vừa được giá khiến người trồng hy vọng sẽ có một cái Tết vui tươi, đủ đầy.
Năm nay, thương lái khắp nơi tìm về thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam đặt mua quất cảnh khá sớm. Tại phường Thanh Hà, đến thời điểm này, hơn 80% lượng quất cảnh của các nhà vườn đã được thương lái đặt mua.
Ông Nguyễn Viết Ai, một người trồng quất ở đây cho biết, trên địa bàn phường có khoảng 200 hộ trồng hơn 20.000 chậu quất cảnh, tăng hơn năm ngoái 4.000 chậu. Ngay từ giữa tháng 10 âm lịch, thương lái đặt mua gần hết.
Ông Ai vui vẻ khoe, vụ Tết năm nay, gia đình ông trồng 600 chậu quất, hiện đã bán được 80%. Với giá quất bán tại vườn dao động từ 500.000 - 1,6 triệu đồng mỗi chậu, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Nguyễn Viết Ai thu lãi gần 300 triệu đồng.
"So với lĩnh vực hoa, cây cảnh hiện nay, trồng quất cảnh bán Tết cũng cho thu nhập cao, đời sống của người trồng quất ổn định, đón 1 cái Tết vui vẻ”, ông Ai tâm sự.
Năm nay, mưa lụt kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây quất. Nhưng với kinh nghiệm trồng quất lâu năm lại được cán bộ khuyến nông đến tận vườn hướng dẫn cách phòng trừ nấm, sâu bệnh nên việc chăm sóc cây quất cho kết quả tốt, cây phát triển tự nhiên rất bắt mắt.
Bà Vũ Kim Nhứt ở phường Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trồng hơn 1.000 chậu quất đã bán hết cho thương lái bảo rằng, nhiều người ở đây làm nhà, mua xe… đều nhờ vào cây quất.
“Năm nay thời tiết dù không thuận lợi nhưng do gia đình có kinh nghiệm chăm sóc nên chất lượng quất cảnh cũng đạt yêu cầu. Trong vườn nhà hiện có trên dưới 1.000 chậu quất cảnh nhưng đã được thương lái đặt mua từ trước, đến nay cả vườn quất đã được bán hết”, bà Nhứt vui vẻ cho biết.
Trong khi người trồng quất cảnh phấn khởi vì được thương lái đặt mua tại vườn, thì những ngày này, người trồng hoa phố Hội đang tỉ mẩn chăm sóc cho hoa nở đúng dịp Tết.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu - phường trồng hoa, cây cảnh lớn nhất ở thành phố Hội An với gần 350 hộ sống dựa vào nghề trồng hoa, hoa, cây cảnh năm nay đa dạng về chủng loại, sắc hoa tươi đẹp, được thị trường ưa chuộng.
Tuy nhiên những năm gần đây, diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn ngày càng thu hẹp, giảm gần 3 ha. Nhiều chủ nhà vườn phải đi xa thuê đất trồng hoa cây cảnh nên chi phí tăng cao. Đã vậy, mưa lụt kéo dài cộng với thủy điện xả lũ làm hơn 30% diện tích trồng hoa, cây cảnh bị hư hại, người trồng hoa thêm khó khăn.
“Người trồng hoa giờ phải đi thuê đất của người khác, đất của Nhà nước để sản xuất. Do đó, mong muốn của người dân là chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho những người trồng hoa cây cảnh trên địa bàn giảm bớt chi phí trong sản xuất”, ông Tiến đề đạt.
Năm nay, người trồng hoa Tết ở Hội An tiếp tục đầu tư trồng các các loại hoa truyền thống như cúc đại đóa, mai, hồng, thược dược, lay ơn. Đồng thời du nhập nhiều giống hoa mới như hoa đồng tiền lùn, hoa chuông, phong lữ, băng sê, dạ yến thảo, sao băng, hoa hồng VR…về trồng bán trong dịp Tết.
Ông Võ Như Tùng, cán bộ Phòng Kinh tế, thành phố Hội An cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có vài chục loại hoa, cây cảnh khác nhau với hàng trăm giống, rất đa dạng và phong phú về chủng loại được nhập về từ nhiều địa phương khác.
Theo ông Võ Như Tùng, quật cảnh, mai, hồng, thược dược… vẫn là những loại hoa quen thuộc với người trồng hoa phố Hội và chiếm hơn 80% tổng doanh thu từ việc trồng hoa, cây cảnh của địa phương này.
“Hội Nông dân đã phối hợp với cơ quan chuyện môn, tạo điều kiện đảm bảo đầu ra cây quất, cũng như các loai hoa cho người dân trên địa bàn thành phố. Thành phố tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân có địa điểm để kinh doanh hoa cây cảnh, đồng thời thông tin về thị trường khi người dân muốn vươn ra các thị trường khác”, ông Tùng cho hay.
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam diễn ra nhanh chóng, diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp, trong khi nhu cầu trồng hoa, cây cảnh của người dân ngày càng tăng cao. Chính vì thế, việc chậm quy hoạch vùng trồng hoa cây cảnh khiến người dân cảm thấy bất an, lo lắng.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.