Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 1 năm 2019 | 14:43

TT VAC và Hồ câu ẩm thực: Đưa “phố” ra đồng ở Bắc Ninh

Bắc Ninh hiện có 5.200 trang trại tổng hợp, trong đó có 748 trang trại thuỷ sản, riêng huyện Gia Bình có 150 trang trại; đa số trước đó là ruộng trũng, đất bờ sông bỏ hoang.

Sau hàng chục năm kiên trì cải tạo, giờ trở thành mô hình nông trại sinh thái kết hợp du lịch ẩm thực đón khách cả ngày lẫn đêm, đông nhất là ngày cuối tuần hay dịp lễ, Tết.

 

img_4635-1.JPG
Khách du lịch trong các hồ câu ẩm thực hộ ông Nguyễn Duy Toàn (Bình Dương).

“Phố” ra đồng…

Bên thềm Xuân mới Kỷ Hợi 2019, về thăm Gia Bình (Bắc Ninh), vào một chiều muộn, chúng tôi thấy đèn điện sáng trưng giữa đồng, như những phố xá sầm uất. 

Ông Nguyễn Duy Toàn (thôn Phương Độ, xã Bình Dương) cho biết, ông cải tạo khu đầm trũng rộng 2ha làm trang trại chăn nuôi gà, lợn và dịch vụ câu cá từ năm 2006 đến nay. Song, năm 2017 mới bắt đầu hình thành hồ câu và nhà hàng ẩm thực như hiện tại.

Nhớ lại những ngày gian khó, cách đây 12 năm, khi khu đầm trũng vẫn là đồng không mông quạnh, ông Toàn phải vay vốn để thả 3-4 vạn cá giống trôi, mè, trắm, chép... Trong khi chờ cá lớn, trong gần 1 năm, 2 vợ chồng ông phải đi làm thuê, vừa trả nợ, vừa trồng 1.000 cây xà cừ và xoan ta quanh bờ ao. Khi cá lớn, mặc dù thu nhập không cao, do cá lúc này chỉ 30 -40.000 đồng/kg, mỗi năm chỉ thu được 15-16 triệu đồng, nhưng bù lại, trang trại của ông đã dần hình thành: có vườn cây, ao cá, gà, vịt đầy chuồng và đã xây được nhà ở trông coi trang trại. 

Sau hơn 10 năm làm ăn tích cóp, năm 2017, ông Toàn mở nhà hàng ẩm thực độc đáo, với 30-40 món ăn từ thịt trâu tươi. Trong đó, có món xôi trâu nổi tiếng, khách câu cá ngày đêm khó có thể “cưỡng” lại và thường thưởng thức mỗi khi đến câu. Liên tục thắng lớn, đầu năm 2018, ông mở thêm dịch vụ câu cá. Nếu như lúc đầu, khách câu phải ngồi ngoài trời, dưới những gốc cây, không kể mưa nắng, thì giờ đây, ông Toàn đã xây dựng chòi câu kiên cố, để khách có chỗ ngồi, ăn uống, nghỉ ngơi tốt hơn, nhất là những người câu cả ngày.

Hiện, ông Toàn có 1ha nuôi trồng thuỷ sản, 1ha hồ câu và dịch vụ ăn uống. Thu nhập bình quân 3-6 triệu đồng/ngày. Cùng với 2 nhà hàng ăn uống, trong đó, 1cơ sở chuyên bán phở sáng, chiều bán bia; 1 nhà hàng chuyên trâu, cá, ba ba, phục vụ cả ngày, đêm, một góc phố ẩm thực ở ngoài đồng hình thành. Dự kiến, ông Toàn làm 5-7 chòi câu đơn và đôi, trước mắt, để phục vụ Tết Nguyên đán 2019. Hiện ông có 3 chòi; trong đó, có 2 chòi đôi, mỗi chòi 30 người, 1 chòi đơn dành cho 15 người.      

“Để chuẩn bị cho hồ câu và 2 nhà hàng phục vụ cả ngày đêm, chúng tôi phải thuê 8 công nhân, trong đó, đầu bếp chính trả thù lao 15 triệu đồng/người/tháng, phụ bếp và các nhân công 7 triệu đồng/người/tháng, trừ chi phí, thu về 500 -600 triệu đồng/năm”, ông Toàn chia sẻ.

Được biết, ngoài trang trại của ông Toàn, huyện Gia Bình còn nhiều mô hình hồ câu - “nhà hàng” ẩm thực ngoài đồng như: hồ câu Quốc Bảo, xã Xuân Lai. Với 2 hồ câu (1 mẫu/hồ), ông Bảo đã làm nhà hàng nổi trên hồ, ngoài dịch vụ ẩm thực, còn có các trò chơi giải trí, câu cá có thưởng, khá hấp dẫn du khách. Dãy nhà hàng đã tạo nên “phố” giữa đồng.

Phần thưởng xứng đáng

Ông Nguyễn Xuân Trừng, thương binh  1/4 ở xã Bình Dương, từng tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1978. Năm 1989, ông xuất ngũ về địa phương và bám trụ đồng chiêm trũng từ bấy đến nay .       

Năm 1994, khi địa phương có phong trào cải tạo ruộng trũng, cấy 1 vụ lúa bấp bênh, khai thác đất ven sông bỏ hoang, ông bắt đầu làm trang trại trên  diện tích hơn 1 ha, chủ yếu nuôi cá truyền thống. Gần đây, giá cá bắt đầu nhích lên, cá trắm 50.000 đồng/kg, trắm đen 90.000 đồng/kg, mè, trôi 18-20.000 đồng/kg,  thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm.

Mặt khác, ông Trừng còn nuôi thêm ba ba, gà chọi. Ao ba ba của ông có 300 con, vừa làm giống vừa nuôi thương phẩm; quanh bờ ao trồng nhãn, bưởi, mít Thái Lan. Năm 2018, ông cung cấp  500- 600 con ba ba giống ra thị trường, với giá 50.000 -80.000 đồng/con. Đàn gà chọi của ông thường xuyên có 15-20 con, chủ yếu là khách đặt hàng, giá bán khá cao, 800.000 - 1.000.000 đồng/con. Đáng ghi nhận là, từ năm 2017 đến nay, ông Trừng đã tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP nên giá ba ba, gà chọi cũng tăng lên.   

Toàn trang trại cho thu nhập 600 triệu đồng/năm, trừ chi phí, ông thu lãi 300 triệu đồng. Điều đáng nói ở đây là, để trông coi cơ ngơi rộng lớn như vậy, chỉ có vợ chồng ông, cả 2 đều trên 60 tuổi, các con đã ra ở riêng. 

Một niềm vui lớn, một phần thưởng bất ngờ đã đến với ông vào năm 2017. Đó là dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, gồm Bí thư Tỉnh uỷ; Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo 9 huyện, thị, thành, Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, đã đến thăm gia đình ông. Trong căn nhà tạm 5x4m, lợp bằng fibro ximăng, một bên để sinh hoạt bếp núc, 1 bên là giường ngủ, bàn uống nước… Đích thân Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, đã có ý kiến với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Tử Quỳnh, cùng các lãnh đạo địa phương, cấp cho 2 ông bà 120m2 đất ở, ngay tại trang trại để xây dựng nhà ở kiên cố, giữ gìn sức khoẻ và đảm bảo công việc.

“Chúng tôi rất cảm động, vui mừng, vì chỉ sau một thời gian ngắn, tháng 10/2018, gia đình đã nhận được Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự kiến, năm 2019, cùng với  sự góp sức của con cái, chúng tôi sẽ xây nhà và tăng gia sản xuất tốt hơn nữa”, ông Trừng chia sẻ.

Định hướng của địa phương

Ông Nguyễn Duy Kiếm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trang trại huyện Gia Bình, cho biết: “Hàng năm, đến kỳ thu hoạch cá, các chủ trang trại họp bàn, thống nhất giá bán cho thương lái theo thoả thuận, không để xảy ra tình trạng ép giá. Đặc biệt, khi cần, có thể chỉ đạo thu mua cá ở từng hộ cụ thể, để tránh khủng hoảng thiếu, thừa. Thành lập tổ chuyên phân phối thức ăn cho cá, hội viên mua trực tiếp từ nhà máy, sau đó cung cấp cho bà con, rẻ hơn mua ở đại lý 15.000 - 20.000 đồng/bao.

Cuối năm, Câu lạc bộ tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, tuyên dương điển hình tiên tiến, động viên nhau làm ăn khoa học, bền vững và chặt chẽ hơn. Theo đó, năm 2018, đã khen thưởng 3 hội viên: Ngô Xuân Trường, Trịnh Văn Ha, Âu Dương Toán về thành tích nuôi cá giỏi, chất lượng cao, đạt 1,2 tấn cá/sào. Đáng ghi nhận là, mỗi trang trại ở Gia Bình thường giải quyết việc làm cho 8 – 10 lao động thường xuyên”.

Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cho biết: “Từ một thanh niên nông thôn, sau nhiều năm làm trang trại, cọ sát với thị trường, ông Toàn đã nhanh chóng tiếp cận kinh tế thị trường. Biết gắn sản xuất với lưu thông, dịch vụ, đó là bài toán: 1kg cá giá bình thường chỉ 50.000 đồng, nhưng khi đưa vào hồ câu đã tăng gấp 2-3 lần. Hoặc, cũng con cá ấy, nếu chế biến trong nhà hàng phải gấp 4 lần. Vì vậy, mô hình hồ câu, dịch vụ ẩm thực, “phố” trong làng của ông Toàn ngày càng trù phú, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương.          

Mặt khác, khu vực nhà hàng, hồ câu còn tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho vùng quê đồng chiêm trũng, quanh năm tối om, chỉ có tiếng ếch nhái, nay bừng sáng lung linh, nhờ những dãy phố ẩm thực ở ngoài đồng như vậy. Bà con nơi đây từng ví, nếu đất Bắc Ninh là vàng, thì khu vực này là kim cương”.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, ông Nguyễn Nhân Chiến, cho biết: “Năm 2019, Bắc Ninh phấn đấu giá trị nông - lâm - thuỷ sản đạt 8.950 tỷ đồng. Đặc biệt, dành nhiều quan tâm cho mảng nông nghiệp - nông dân - nông thôn, trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển đô thị, kinh tế làng nghề.

Thông qua các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ đất đai, theo hướng sản xuất hàng hoá, đảm bảo chất lượng, an toàn. Hình thành nhiều mô hình liên kết chuỗi hộ gia đình, trang trại nông - công nghiệp, vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Nhân rộng mô hình sản xuất, chăn nuôi trang trại tập trung ngoài khu dân cư gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, giống cây trồng - vật nuôi”.

Ngoài ra, ông Chiến còn cho biết, Bắc Ninh sẽ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác quản lý hợp tác xã, nâng cao vai trò kinh tế hộ, kinh tế tư nhân; thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP- Mỗi xã, phường một sản phẩm.

Mùa Xuân mới đang đến rất gần, hy vọng, với cách làm năng động, sáng tạo, đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới, chắc chắn, nông dân huyện Gia Bình sẽ giành được nhiều thắng lợi.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top