Sau 4 năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng được 766 mô hình, giá trị sản xuất đạt bình quân 220 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều điểm sáng
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Điển hình như mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng. Đến nay, Bắc Giang xây dựng 126 mô hình (theo Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND tỉnh) với diện tích 271.636m2; hết năm 2020, ước có 175 mô hình với tổng diện tích khoảng 372.000m2. Ngoài ra, các huyện, thành phố đầu tư, hỗ trợ 120 mô hình với tổng diện tích 133.676m2.
Các mô hình đều sử dụng giống mới; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, nguồn nước sạch, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Kết quả, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, giúp chủ động thời vụ sản xuất và có thể sản xuất trái vụ.
Mô hình trồng dưa lưới, dưa lê của HTX rau sạch Yên Dũng sản xuất 3 vụ/năm, năng suất trung bình 23-25 tấn/ha/vụ, doanh thu 920-1.000 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 400-500 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm được Công ty VinEco ký hợp đồng tiêu thụ.
Các mô hình sản xuất hoa cao cấp ở thành phố Bắc Giang có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, doanh thu 3-5 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với sản xuất thông thường.
Mô hình sản xuất rau an toàn, rau chế biến với diện tích 141ha, có hợp đồng liên kết tiêu thụ, thu nhập bình quân 500-800 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đồng Tâm 3 (Thường Thắng, Hiệp Hòa), tâm sự, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, nông dân đã thay đổi căn bản về tư duy sản xuất. Giờ đây, sản xuất trong nhà lưới vừa tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, vừa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm của HTX không phải lo đầu ra.
"Hiện tại, các sản phẩm dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc của HTX đều dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc và có đơn vị bao tiêu ổn định. Qua gần 3 năm triển khai, chúng tôi thấy giá trị của sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới, nhà màng tăng 20 - 30 lần so với sản xuất truyền thống", ông Nghiệp nói.
Ông Khổng Minh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Dũng, cho biết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chất lượng các sản phẩm vượt trội, năng suất ổn định, giá trị tăng so với sản xuất đại trà 5-7 lần. Đơn cử như trồng dưa lưới trong nhà màng (diện tích 2.000m2) cho thu hoạch 6-6,5 tấn quả, với giá bán 45-50 nghìn đồng/kg, đạt 250-270 triệu đồng. Đặc biệt, sản phẩm sản xuất ra được các HTX liên kết tiêu thụ, cung cấp cho các siêu thị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Bắc Giang còn đẩy mạnh phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện, tỉnh có 52 sản phẩm chủ lực và đặc trưng; 40 sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ; 60 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu; 46 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 31 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Mô hình sản xuất cây có múi được triển khai ở huyện Lục Ngạn trên cây cam đường Canh và cây cam Vinh với quy mô 35ha; áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, quy trình sản xuất VietGAP; cho thu nhập trung bình 500-700 triệu đồng/ha/năm.
Tiêu biểu trong số này là mô hình trồng cam đường Canh của ông Bùi Đức Long ở xã Hồng Giang, quy mô 5ha, cho thu 5,4 tỷ đồng/năm.
Mô hình sản xuất chè triển khai ở huyện Yên Thế ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng giống mới, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; sản xuất theo quy trình VietGAP gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng 20-30% so với sản xuất thông thường.
Kết quả thành công của mô hình đã giúp mở rộng diện tích trồng chè của huyện Yên Thế lên trên 530ha (17ha sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP) với sản lượng trên 4.300 tấn.
Bắc Giang đã áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP trong canh tác đạt 39% diện tích cây ăn quả; ứng dụng công nghệ thời tiết thông minh Imetos, phần mềm VietGAP, mã QR Code để truy xuất nguồn gốc, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ thông tin, công nghệ sau thu hoạch...
Chính sách kịp thời
Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020 và Nghị quyết 401-NQ/TU ngày 03/4/2019 về Chiến lược phát triển nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 là chủ trương lớn, định hướng đúng đắn, đi vào cuộc sống, kịp thời đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng với thế giới.
Sau khi Nghị quyết ban hành, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia. Điển hình như chính sách hỗ trợ HTX, chủ trang trại, hộ gia đình đầu tư sản xuất rau và hoa ứng dụng công nghệ cao.
Khi các đối tượng tham gia nếu đảm bảo các điều kiện theo quy định sẽ hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 2.000m2 đến dưới 3.000m2; hỗ trợ 400 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 3.000m2 đến dưới 5.000m2; hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình có quy mô từ 5.000m2 trở lên.
Ngày 6/5/2020, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch số 1882/KH-UBND về hỗ trợ mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020. Theo đó, năm 2020 sẽ triển khai 53 mô hình với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng 115.050m2. Tổng kinh phí hỗ trợ 16,4 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2019, Bắc Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 22 dự án nông nghiệp, với tổng vốn đăng ký 296 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phê duyệt danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn năm 2020, với tổng vốn đề nghị hỗ trợ 09 doanh nghiệp là 61.100 triệu đồng.
Ngoài chính sách đầu tư hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố đều có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.
Giá trị sản xuất tăng 6 - 11 lần
Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 130-NQ/TU, Bắc Giang đã huy động được trên 593.120 triệu đồng đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Triển khai 766 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hiệu quả, có liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm nông sản chủ lực sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ngoài tiêu thụ ở thị trường trong nước còn xuất khẩu đến nhiều thị trường khó tính.
Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2020 ước đạt 31.527 tỷ đồng, bằng 115,5% so với năm 2016 (năm 2016 đạt 27.298 tỷ đồng), trong đó nông nghiệp 28.021 tỷ đồng (chiếm 88,9%), lâm nghiệp 1.614 tỷ đồng (chiếm 5,1%), thủy sản 1.892 tỷ đồng (chiếm 6%).
Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích bình quân đạt 220-250 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 2-2,5 lần so với sản xuất thông thường. Trong đó, mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng đạt 700-1.200 triệu đồng/ha/năm, tăng 6-11 lần so với sản xuất thông thường. Năng suất cây trồng, vật nuôi và giá trị gia tăng tăng 30-40% so với năm 2016, vượt mục tiêu của Nghị quyết đề ra.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết, ngay sau khi có Nghị quyết 130-NQ/TU, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách về hỗ trợ nhà lưới, nhà màng; hỗ trợ tem nhãn, bao bì, truy xuất nguồn gốc; tích tụ ruộng đất để làm vùng tập trung quy mô lớn; xúc tiến, quảng bá thương hiệu giúp cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển.
Sau 4 năm thực hiện, các mục tiêu đều hoàn thành và vượt Nghị quyết đề ra. Tất cả các lĩnh vực đều có mô hình công nghệ cao, từ các mô hình này lan tỏa, nhân rộng, làm cho năng suất, chất lượng cây trồng - vật nuôi đều tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
"Bắc Giang xác định công nghệ cao là hướng đi đúng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đang có sự chuyển dịch mạnh sang công nghiệp, dịch vụ, thì đây càng là hướng đi đúng. Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó có chính sách phù hợp để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn", ông Tùng cho biết thêm.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.