Lượng nhãn, vải năm nay tại nhiều địa phương được dự báo tăng vọt do thời tiết thuận lợi. Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, hai loại quả chủ lực này đang tiếp tục chinh phục, mở rộng thị trường và xuất khẩu vào thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản,..
Vải, nhãn hứa hẹn “thắng lớn”
Vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích năm 2017 đạt trên 98.000ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc; trong đó, vải 58.800ha (chiếm 16%), nhãn 39.500ha (11%).
Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong điều khiển ra hoa, đậu quả và thâm canh nên năng suất vải, nhãn được cải thiện, đặc biệt đối với vải. Năng suất quả vải bình quân cả nước tăng từ dưới 3 tấn/ha (2006) lên 5 tấn/ha những năm gần đây. Sản lượng vải khá ổn định ở mức 300 - 350 nghìn tấn/năm, đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ). Sản lượng nhãn cả nước duy trì ở mức 500 - 550 nghìn tấn quả/năm.
Năm nay, thời tiết khí hậu thuận lợi cho phân hóa mầm hoa, ra hoa vải, nhãn ở các tỉnh phía Bắc. Thời gian tới, dự báo thời tiết tiếp tục khá thuận lợi cho cây nở hoa, đậu quả và phát triển quả nên nhãn, vải sẽ được mùa với sản lượng lớn.
Hiện tại, vải, nhãn phía Bắc đang trong giai đoạn phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa - đậu quả đạt trên 90%. Các trà vải sớm đang trong giai đoạn quả non - vào cùi, trà vải chính vụ trong giai đoạn quả non, nhãn đang trong giai đoạn nở hoa - đậu quả non.
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018, do Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức, Cục trưởng Cục Trồng Trọt Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, mặc dù hiện tại vải, nhãn đang ra hoa đậu quả tốt nhưng để có vụ vải, nhãn sản lượng và chất lượng tốt, các đơn vị cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân cách nhận biết và các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại vải, nhãn, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IMP, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng” an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, ưu tiên biện pháp bao trái hoặc chỉ đạo sử dụng thuốc sinh học và theo thời gian cách ly, đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn các hộ tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, cụ thể: vệ sinh vườn sạch sẽ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà các thị trường nhập khẩu cấm, hướng dẫn ghi chép truy xuất nguồn gốc…, thu hoạch đúng thời điểm, dụng cụ thu hái và người lao động đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động”, Cục trưởng Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết, thu hoạch vải chính vụ là trong giai đoạn từ 15/6-25/7. Năm nay dự báo vải được mùa, “thắng lớn” với sản lượng dồi dào nhưng việc này cũng tạo áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm và tiêu thụ quả vải. Vì vải chín trong thời gian ngắn, trong khi khâu bảo quản chủ yếu là thùng xốp, bảo quản bằng đá.
Do vậy, để hỗ chợ nhà vườn, bà Hà cho biết, ngoài công tác truyền thông thường xuyên, Bắc Giang sẽ tổ chức 3 hội nghị xúc tiến tại: Bằng Tường (Trung Quốc, tháng 5/2018), Bắc Giang tháng 6/2018, Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội.
Với Hải Dương, ông Nguyễn Anh Cương, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, sản lượng vải năm nay khá lớn. Tỉnh sẽ bỏ kinh phí để hỗ trợ người dân xuất khẩu. Tuy nhiên, giá chiếu xạ còn cao, vận chuyển xa nên lượng xuất khẩu chưa nhiều. Hải Dương rất mong các nhà khoa học vào cuộc để giúp tỉnh bảo quản vải được lâu hơn, để tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn.
Về việc tiêu thụ vải - nhãn, ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, sản lượng vải của tỉnh năm nay tăng 15%, nhãn 20%, tương ứng lần lượt đạt 41.000 tấn và 12.000 tấn. Theo ông Phóng, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp về Hưng Yên bàn các giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ ở Ecopark.
Chinh phục thị trường khó tính
Sản lượng vải - nhãn tăng, thị trường tiêu thụ là bài toán cần được đặt ra để nông sản Việt tránh rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa, rớt giá”. Không chỉ chú trọng thị trường tiêu thụ nội địa, các sản phẩm trái cây chủ lực này còn có nhiều tiềm năng xuất khẩu, chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới.
Đối với quả vải, tỷ trọng tiêu thụ nội địa đạt khoảng 50% và đang được tiếp tục mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Đối với quả nhãn, thị trường nội địa là chủ yếu và đã có mặt trên hệ thống các siêu thị lớn ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác.
Đáng chú ý, hiện nay quả vải tươi đã được xuất khẩu tới nhiều thị trường khác nhau, trong đó có những thị trường “khó tính” như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu truyền thống cũng như mở rộng thị trường mới cho quả vải, nhãn, nước ta đã chủ động tăng cường các hoạt động cải thiện chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm; tích cực đàm phán, hoàn thiện ký kết các hiệp định về kiểm dịch thực vật, gỡ bỏ rào cản kỹ thuật.
Ông Đinh Quang Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết, thị trường quả vải ở Nhật Bản còn rất lớn. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho vấn đề xúc tiến thương mại ở Nhật.
“Phía Nhật Bản cũng rất muốn mua quả vải của Việt Nam. Chúng tôi cũng đã tìm hiểu thị trường và phía bạn muốn nhận hàng quanh năm, bởi vậy phải có kho dự trữ. Trung tâm chế biến của Đồng Giao và cơ sở mới có nhà máy ở Bắc Giang, với thiết bị hiện đại có thể xuất cả quả tươi và cả đông lạnh với số lượng lớn. Xuất khẩu đi Nhật chủ yếu là đông lạnh, nên giảm nhiều hàng rào kỹ thuật về bảo vệ thực vật. Năm nay, chúng tôi đã có đơn hàng khoảng 5.000 tấn vải qua chế biến xuất sang Nhật Bản. Ngoài ra, có thể xúc tiến xuất khẩu thêm vải tươi”, ông Đinh Quang Khuê cho hay.
Ông Khuê cũng bày tỏ mong muốn, được tạo điều kiện về an ninh trật tự, làm sao cho xe thông thoáng, đảm bảo không quá khổ, quá tải. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ, Dubai…; gian hàng Việt Nam phải đẹp lên. Với thị trường không có gì phức tạp, sản phẩm Việt Nam đủ sức cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị, từng địa phương phải xây dựng ngay kịch bản tổ chức sản xuất, tiêu thụ hai sản phẩm này sát thực tiễn với cả hai nhóm thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, ngay cả thị trường Trung Quốc cũng coi như là thị trường khó tính với yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao.
Ngoài việc tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu các doanh nghiệp đẩy mạnh đẩy mạnh chế biến các sản phẩm từ quả vải, nhãn để giảm sức ép từ tiêu thụ quả tươi, đồng thời gia tăng giá trị sản phẩm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…