Việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật đã khiến lứa chuối Nam Mỹ thu hoạch đầu tiên ở Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk không đạt giá trị như mong đợi.
Cách đây gần 1 năm, cây chuối Nam Mỹ được đưa vào trồng ở huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk theo đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương với mục tiêu chủ yếu là xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay vụ thu hoạch đầu tiên, sản phẩm chuối buồng chỉ có thể tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dù doanh nghiệp sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.
Gia đình ông Nguyễn Đức Buông, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là một trong những hộ đầu tiên ký hợp đồng với Công ty Cổ phần đầu tư Chuối Việt (thành phố Hồ Chí Minh) trồng 1,3 ha chuối Nam Mỹ xuất khẩu.
Ông Buông cho biết, ông được Phòng Nông nghiệp huyện Buôn Đôn hỗ trợ một nửa giá cây giống, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty thường xuyên thăm vườn và hướng dẫn chăm sóc theo quy trình.
Sau gần 1 năm chăm bón, chuối đã cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tuy nhiên, theo đánh giá, thành phẩm chuối của ông Buông chỉ đạt loại B, nghĩa là chỉ tiêu thụ nội địa chứ không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, do có những đốm nâu trên quả.
Cũng như gia đình ông Buông, gia đình ông Nguyễn Trung Thành, ở buôn Ea Mar, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn hợp đồng với công ty Chuối Việt trồng 1 ha chuối Nam Mỹ. Sau những háo hức mong đợi thì ngay lứa thu hoạch đầu tiên, chuối chỉ được thu mua theo giá loại B khiến ông cảm thấy chán nản và có ý định từ bỏ cây chuối mặc dù theo hợp đồng thì thời gian trồng và thu hoạch chuối lên tới 5 năm.
Theo hợp đồng, khi trồng đúng theo quy trình thì các vườn có thể đạt 90% chuối loại A trở lên (giá thu mua là 5.000 đồng/kg); chỉ có khoảng 10% chuối loại B (giá 3.000 đồng/kg). Tuy nhiên thực tế tại huyện Buôn Đôn, trong số gần 30 ha chuối đã cho thu hoạch thì không có vườn nào đạt được loại A.
Ông Hoàng Thế Hiền, cán bộ chuyển giao kỹ thuật công ty cổ phần đầu tư Chuối Việt cho biết, dù đã được hướng dẫn chặt chẽ từng giai đoạn, nhưng người dân chưa thực sự làm đủ và đúng theo quy trình hướng dẫn. Do đó, thành phẩm chuối không đạt tiêu chuẩn như quy định, nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được. Trong khi đây là sản phẩm xuất khẩu nên yêu cầu về chất lượng rất ngặt nghèo.
Theo ông Hiền, người dân chưa áp dụng theo quy trình, chưa đầu tư sâu vào cây chuối nên tính chuyên nghiệp chưa cao. Vì thế, chuối không xuất khẩu được do làm sai quy trình, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật.
Mặc dù chuối đã thu hoạch chỉ đạt loại B nhưng theo hợp đồng, công ty vẫn đảm bảo thu mua toàn bộ sản lượng chuối. Và với mức giá và năng suất như hiện tại thì người trồng chuối vẫn có thể thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/ha.
Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận, việc chưa áp dụng đúng và đủ quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn đã khiến lứa chuối thu hoạch đầu tiên ở huyện Buôn Đôn không đạt giá trị như mong đợi. Đây cũng là bài học kinh nghiệm với nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm sao đem lại hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thị trường./.
Theo H Xíu/VOV
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…