Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2017 | 4:27

Vì sao na Bồ Lý chưa có thương hiệu?

Na dai Bồ Lý (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) ngọt sắc, cùi dày, dai, không có “cát”, vỏ mỏng mịn , được trồng lần đầu tiên ở địa phương cách đây 35 năm.

Song do thời gian thu hoạch ngắn (45 ngày),  chất lượng chưa đồng đều và sản phẩm chưa đủ lớn để cung cấp cho thị trường. Trước mắt, xã thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới để từng bước xây dựng thương hiệu na Bồ Lý.

Cán bộ khuyến nông (giữa) hướng dẫn ông Hùng ở thôn Trại Mái cắt tỉa cành na.

Ngắn ngủi... “đời” na

Cách đây  35 năm, ông Bùi Duy Hùng, thôn Ngọc Thụ, được người nhà ở Hà Nội lên chơi biếu mấy quả na, ăn xong, ông giữ lại hạt chờ đến mùa xuân thì gieo. Ngày cây ra quả bói, hái ăn thấy có vị ngọt tự nhiên, thơm ngon, cùi dày, dai, vỏ mỏng, biết đất này trồng được na, nên đến mùa là ông Hùng lại tra thêm hạt. Sau đó, nhiều bà con cũng xin hạt về gieo, song lúc đó chưa có phong trào trồng thành hàng hóa như bây giờ, nhà nào cũng chỉ có vài cây để ăn. Hiện, ông Hùng có 1,5 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) ruộng trồng 500 gốc na, bình quân cho thu hoạch 3 tấn/vụ, giá bán 50.000 -55.000 đồng/kg.

Bồ Lý hiện có 8/12 thôn trồng na. Ông Bùi Huy Hùng, thôn Trại Mái, cho biết, tôi trồng na trên 20 năm nay, hiện có 700 gốc, trong đó 300 gốc đã cho quả, 400 gốc đang ra quả bói. Trước đây, do không biết cách chăm sóc, chủ yếu bón phân urê nên cây chết nhiều, tuổi thọ ngắn (3 -5 năm); quả bé, độ ngọt kém. Tình cờ, một vài hộ dân trồng cây gần mép sân, hàng ngày quét dọn thường cho rác và phân gà vào gốc, na xanh tốt lạ thường, tuổi thọ cao. Vì vậy, từ bấy đến nay, người trồng na  Bồ Lý đã biết cách bón phân gà, trâu, bò, phân hữu cơ cho na, khi ra quả bón bổ sung kali nên tuổi thọ của cây lên tới 20 -30 năm, độ ngọt tăng. Hiện, ông Hùng và một số hộ đang thí điểm mô hình cắt tỉa cành để quả to hơn.       

Hàng năm, ông Hùng mua 5 -7 tấn phân gà bón cho na; phân mua về được ủ trong vườn bằng men vi sinh, vôi bột để khử độc tố, mùi hôi rồi mới bón. Ngoài ra, còn bổ sung thêm phân mùn từ rác hữu cơ để giữ độ ẩm, không cho cỏ phát triển. Bà con còn truyền cho nhau cách chữa sâu đục thân cho na bằng cách: lấy phân trâu, bò tươi bịt lỗ sâu, khi phân khô thì sâu cũng chết. Do vụ thu hoạch của na ngắn, chỉ 45 - 55 ngày, lại thường chín rộ cùng một lúc, nên bà con tìm cách cho na chín rải rác. Ví như, một ngày định cho ra bao nhiêu quả thì thụ phấn bấy nhiêu hoa, phương pháp này đạt 80%. Thu hoạch xong lại tiếp tục bón phân, đến tiết Lập xuân cắt toàn bộ cành, phun nước vào gốc để cây nảy mầm, đón vụ mới.             

Vì sao khó xây dựng thương hiệu?

Cũng như ông Hùng, bà Nguyễn Thị Xuân, cùng thôn Trại Mái, trồng na trên 10 năm nay, mỗi năm thu 110 - 130 triệu đồng/mẫu. Bà cho biết, nằm liền kề thôn Trại Mái, nhưng chất lượng na ở thôn Bồ Ngoài không bằng. Đó cũng chính là nhược điểm của vùng na Bồ Lý khi xây dựng thương hiệu: kén đất trồng, thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm có lúc chưa đủ cung cấp cho thị trường. Được biết, cách đây vài năm, Tam Đảo đã xây dựng thương hiệu cho 2 sản phẩm là na dai Bồ Lý và rau su su Tam Đảo. Nhưng mới có rau su su đủ điều kiện được cấp chứng nhận. 

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND xã Bồ Lý, ông Trần Xuân Thủy, cho biết: “Bồ Lý hiện có 76ha na. Huyện Tam Đảo cũng như cán bộ và người dân nơi đây quyết tâm xây dựng thương hiệu na dai Bồ Lý, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong muốn được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cải tạo vùng đất, có các loại phân bón thích hợp để mở rộng vùng na đảm bảo chất lượng, mẫu mã. Hiện, đã có 11 thành viên đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục thành lập HTX. Tuy chưa chính thức ra mắt, nhưng các thành viên đã nhanh chóng đi tiếp thị các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để tiêu thụ na cho bà con. Dự kiến, khi HTX đi vào hoạt động, sẽ mở rộng thị trường xuống Hà Nội và các tỉnh lân cận. HTX sẽ dán tem mác vào sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận diện, từng bước khắng định thương hiệu na dai Bồ Lý”.

Ông Thủy cho biết thêm, Bồ Lý đang  phối hợp với Trạm Khuyến nông Tam Đảo, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Vĩnh Phúc tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh na tại 3 thôn Ngọc Thụ, Trại Mái, Đồng Bụt. Cấp phân bón hỗ trợ sản xuất gồm 3.300kg đạm urê, 6.600kg lân, 3.300kg kaliclorua, với tổng kinh phí trên 107 triệu đồng. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn cho nông dân 3 thôn trên về cách chăm sóc, phát triển cây na, có 80 lượt người tham gia. 

Hy vọng, một ngày không xa, với sự nỗ lực của nhiều cấp ngành và người dân, na Bồ Lý sẽ đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận thương hiệu.

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

Top