Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 12 năm 2019 | 14:25

Vinamilk lý giải việc “không thâu tóm” Mộc Châu Milk

Vinamilk nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTNFoods) lên 75%, gián tiếp sở hữu 51% tại Mộc Châu Milk với kế hoạch đưa Mộc Châu Milk phát triển lớn mạnh.

Chiến lược dài hạn

Vinamilk vừa thông báo mua xong 79,5 triệu cổ phiếu GTN của GTNFoods, tăng tỷ lệ sở hữu từ 43,17% lên 75%. Sau giao dịch, Vinamilk chính thức thành công ty mẹ của GTNFoods, qua đó gián tiếp sở hữu 51% quyền biểu quyết tại Mộc Châu Milk (công ty con của GTNFoods).

Giao dịch của Vinamilk thực hiện chỉ 2 ngày sau khi các cổ đông GTNFoods thông qua tờ trình cho phép Vinamilk nâng sở hữu lên 75% không qua chào mua công khai.

Được biết, GTNFoods và Vinamilk đã trải qua nhiều vòng đàm phán kể từ khi Vinamilk trở thành cổ đông lớn và động thái tái cấu trúc hoạt động gần đây của GTNFoods một phần dựa trên sự tư vấn của Vinamilk.

GTNFoods là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng thiết yếu với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, lĩnh vực hoạt động chính là chăn nuôi bò sữa, heo giống; sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa, trà, rượu vang, nhựa tổng hợp...

vinamilk-ly-giai-viec-khong-thau-tom-moc-chau-milk1577394294.jpg
Vinamilk nâng sở hữu tại GTNFoods lên 75%, gián tiếp sở hữu 51% tại Mộc Châu Milk.

 

GTNFoods đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng, thông qua việc đầu tư vào các công ty gốc nhà nước như 73,7% cổ phần của Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico); 95% cổ phần của Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea); 35% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng (LadoFoods). Theo báo cáo tài chính hợp nhất của GTNFoods năm 2018, hoạt động chế biến sữa đã đóng góp 2.481 tỷ đồng, chiếm hơn 82% doanh thu thuần. Doanh thu từ mảng này đã tăng 15% so với năm 2017, chứng tỏ sự phát triển không ngừng của Mộc Châu Milk.

Việc gián tiếp thâu tóm Mộc Châu Milk không chỉ mở rộng hệ sinh thái mảng sữa, mà còn được đánh giá là bước đi phù hợp với Vinamilk. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, mua lại Mộc Châu Milk sẽ là một trong những tiền đề quan trọng hỗ trợ tăng trưởng dài hạn cho Vinamilk.

Mộc Châu Milk đang chiếm khoảng 9% thị phần, riêng tại khu vực miền Bắc, tỷ lệ này là 35%. Với hơn 80.000 điểm bán lẻ, Mộc Châu Milk có độ phủ đáng kể trên thị trường sữa tươi.

Tính đến tháng 12/2018, đàn bò của Mộc Châu Milk lên tới 25.000 con, 100% là bò thuần chủng. Công ty tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tăng trưởng đàn bò 10 - 15%/năm và dự kiến tới năm 2020, số lượng đàn bò đạt 35.000 con.

Bắt tay nhau để lớn mạnh

Trao đổi với báo chí trước thời điểm thông tin Vinamilk công bố nâng sở hữu tại GTNFoods lên 75%, bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Điều hành Vinamilk cho hay, Vinamilk tham gia vào Mộc Châu Milk từ đầu năm 2019, đó là cách đi chiến lược của một doanh nghiệp lớn như Vinamilk, góp vốn vào các doanh nghiệp có lợi thế để cùng phát triển.

“Trong câu chuyện này, Vinamilk không muốn dùng từ thâu tóm như một vài ý kiến đã hỏi Ban lãnh đạo Công ty. Chủ trương của chúng tôi không phải thâu tóm thương hiệu Mộc Châu Milk, mà mục đích là tham gia mạnh vào khâu quản trị để Mộc Châu Milk phát triển, trên quan điểm là doanh nghiệp Việt cùng bắt tay nhau để lớn mạnh, dắt tay nhau đi lên”, bà Hương giải thích.

Để doanh nghiệp Việt lớn mạnh, cạnh tranh là con đường cốt yếu và phải có cạnh tranh mới có động lực để phát triển, nhưng phải là cạnh tranh lành mạnh.

Cũng theo bà Hương: “Nói câu chuyện đó để thấy Vinamilk luôn vươn tới việc sở hữu thêm, nhưng phải hết sức minh bạch để cùng lớn mạnh. Mộc Châu Milk có hạ tầng đất đai, trang trại rất tuyệt vời, với cao nguyên Mộc Châu khí hậu mát mẻ, nếu không khai thác để phát triển đàn bò thì lãng phí quá, trong khi Vinamilk phải đi sang Lào để xây dựng trang trại bò sữa”.

“Vinamilk nhìn thấy cơ hội đó và đã tham gia vốn vào Mộc Châu Milk. Với nền tảng có sẵn tương đối tốt của Mộc Châu Milk, Vinamilk chỉ cần đưa hệ thống quản trị, trang bị phần mềm quản lý doanh nghiệp ERP là Mộc Châu sẽ tốt lên rất nhiều, vì tại doanh nghiệp này chưa áp dụng hệ thống quản trị tổng thể doanh nghiệp ERP”, bà Hương tiết lộ.

Một khâu trọng yếu nữa cần Vinamilk hỗ trợ để nâng cao hiệu quả, đó là quy hoạch và đầu tư vốn để phát triển trang trại theo công nghệ tiên tiến. Thời gian qua, Mộc Châu Milk còn yếu ở khâu phát triển trang trại, sản phẩm của họ chưa thể vào được thị trường miền Trung và miền Nam, trong khi Vinamilk với tiềm lực sẵn có sẽ giúp khâu này. Mộc Châu Milk về với Vinamilk, đơn vị này sẽ được giao trọng trách sản xuất mảng sữa học đường. Tất cả các phần việc Vinamilk sẽ làm nhằm xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sữa Mộc Châu lớn mạnh, song song với việc xây dựng phát triển thương hiệu Vinamilk.

Sắp tới, Vinamilk sẽ tiếp nhận nông trường Sông Hậu, dự án vàng son một thời. Sau khi tiếp nhận, Vinamilk sẽ thực hiện trả nợ và tái cấu trúc. Dự kiến, một phần lớn diện tích nông trường Sông Hậu được sử dụng để chăn nuôi bò sữa, phục vụ nguyên liệu cho nhà máy ở Đồng bằng sông Cửu Long, đất còn lại sẽ đầu tư trồng dừa.

 

Thế Hải
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top