Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2019 | 17:29

Vụ xuân 2020, Hà Tĩnh sẽ xây dựng 400ha những cánh đồng liền thửa

Một năm trước đây, khi bắt tay vào canh tác trên những cánh đồng liền vùng, liền thửa, không ít bà con nông dân ở nhiều địa phương của Thạch Hà, Cẩm Xuyên như được mở mang tầm nhìn về nhưng thửa ruộng được mở rộng.

Những thửa ruộng liền mạch, được phân định ranh giới chỉ bằng hai cột mốc bê tông đóng trên bờ vùng. Vào mùa xuống giống hay thu hoạch, máy móc ồ ạt đổ xuống chạy ro ro vài hôm là hoàn tất.
 
 
hà-tĩnh.jpgCông ty CP Giống cây trồng Hà Tĩnh đang mở rộng quy mô liên kết sản xuất cánh đồng lớn(ảnh báo Hà Tĩnh)
 
 
Ông Hà Văn Quỳnh - thôn Nam Lý, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Chẳng còn bờ thửa, bà con giảm được khâu làm cỏ, hạn chế sâu bệnh mà đồng ruộng được cải tạo phẳng lì. Vào vụ, đồng loạt bà con cùng xuống một loại giống, một thời vụ. Nhờ vậy, năng suất tăng cao, vụ xuân phải 3,5 tạ/sào, còn vụ hè thu cũng đạt 2,7 tạ/sào”.
 
Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Cẩm Xuyên đã hình thành nhiều cánh đồng một giống, cơ cấu thời vụ khá đồng nhất, là nền tảng thuận lợi để các địa phương thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả trồng lúa một cách bài bản và bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng 400 ha cánh đồng liền thửa tại 12 - 13 xã gắn với sự tham gia liên kết chuỗi của doanh nghiệp”.
 
Vụ xuân 2020, mô hình cải tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả đất chuyên trồng lúa dự kiến sẽ được mở rộng ra toàn tỉnh. Bằng cách phá bờ thửa nhỏ, hình thành ô thửa lớn, bình quân mỗi thửa sau khi cải tạo có diện tích tối thiểu từ 0,2 - 0,5 ha, mỗi vùng từ 5 - 10 ha. Những cánh đồng này sẽ được cơ cấu dòng lúa chủ lực, chất lượng để nâng dần năng suất đại trà.
 
Riêng hai địa phương thí điểm Cẩm Xuyên và Thạch Hà, diện tích thực hiện tăng thêm 30%, đạt gần 900 ha với trên 20 xã tham gia.
 
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: “Mô hình cải tạo, nâng cao chất lượng hiệu quả đất chuyên trồng lúa chính là hướng đến nền sản xuất nông nghiệp tập trung, đồng nhất về giống, quy trình, sản phẩm. Từ đây, sự đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp sẽ góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh, hình thành những mô hình sản xuất hiệu quả hơn”.
 
Làng rau Cừa Phú vào vụ Tết
 
Thời điểm này người trồng rau ở thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh-một trong những địa phương có diện tích trồng rau sạch lớn nhất của thành phố Đồng Hới, đang tất bật chăm sóc các loại rau màu phục vụ cho thị trường tết Canh Tý
 
Là một trong những hộ có thâm niên trong nghề trồng rau, bắt đầu từ đầu tháng 11 Âm lịch, gia đình ông Lê Xuân Khanh ở thôn Cừa Phú đã tập trung làm đất, lên luống, chuẩn bị giống, phân bón để gieo hạt giống đậu cô ve.
 
 
cừa-phú.jpg
Người dân Cừa Phú đang tích cực chăm sóc rau màu vụ Tết.
 
 
Vụ Tết năm nay, ông trồng 5 sào đâụ cô ve leo, loại này tuy dễ trồng, nhanh cho thu hoạch (chỉ từ 50-60 ngày), nhưng để bảo đảm đạt năng suất cao, ông Khanh phải thường xuyên kiểm tra tình hình sâu bệnh, chú trọng khâu tưới nước cho cây.
 
Ông Lê Xuân Khanh chia sẻ: “Đến thời điểm này, vườn đậu cô ve của gia đình tôi phát triển khá tốt. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến năng suất. Dự kiến vụ Tết này, gia đình sẽ thu nhập trên dưới 30 triệu đồng”.
 
Ông Nguyễn Ngọc Lần, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Cừa Phú phấn khởi nói: “ Với mong muốn khổ ải sẽ qua đi trong năm mới nên trong bữa cơm tất niên cuối năm nhà nào cũng có món canh hầm mướp đắng hay còn gọi là khổ qua, vì vậy dịp tết Nguyên đán, mướp đắng Bảo Ninh rất được giá, có thời điểm lên đến 200 ngàn đồng/kg. Có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Vụ này, tổ hợp tác chúng tôi nhà nào cũng dành phần lớn diện tích để trồng mướp đắng…”.
 
Những năm gần đây, khoai lang Bảo Ninh được thị trường rất ưa chuộng, và có giá cao gấp nhiều lần so với các loại khoai lang khác. Khoai lang Bảo Ninh là giống khoai lá tím truyền thống, được gieo trên cát càng nhiều bột mịn, ngọt thơm. Vào dịp tết, nhu cầu càng tăng cao, vì vậy nhiều hộ đã tính toán thời tiết để dâm ngọn từ tháng 7 tháng 8. 1 sào đất cần khoảng 3.000 ngọn.
 
Năm nay thời tiết thuận lợi, khoai lang Bảo Ninh hứa hẹn được mùa. Vừa xới đất kiểm tra củ, Bà Hoàng Thị Hoa ở thôn Cừa Phú, xã Bảo Ninh, phấn khởi nói: "Khoai lang bình thường có giá 15.000 đến 20.000 ngàn đồng/kg nhưng khoai lang Bảo Ninh giá 40.000 đến 50.000 đồng/kg, giá cao vậy nhưng không có mà bán. Trồng loại này cũng hên xui lắm, củ lúc nhiều lúc ít. Tui đang bới thử mấy luống, củ năm nay khá nhiều và đều. Dự kiến, năng suất như thế này một sào cũng thu được 7 đến 8 triệu đồng.”
 
Nghề trồng rau ở thôn Cừa Phú xã Bảo Ninh đã có từ lâu nhưng phải đến khi được Công ty CP chứng nhận GloblCert chính thức cấp giấy chứng nhận rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Cừa Phú vào năm 2014, thương hiêu rau sạch Bảo Ninh mới càng được người tiêu dùng ở thành phố Đồng Hới đón nhận.
 
Làng hoa Xuân Nam vào vụ Tết
 
Những ngày này, làng hoa ở khối phố Xuân Nam, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ tất bật cho vụ tết. Dù thời tiết mưa lạnh kéo dài nhưng không khí lao động vẫn hăng say, nhộn nhịp khắp trong xóm, ngoài đồng.
 
Làng hoa Xuân Nam là một trong những vựa hoa lớn nhất ở Tam Kỳ, với hơn 10 hộ trồng, cung cấp khoảng 50.000 chậu hoa ra thị trường tết. Ngoài các loại hoa chủ lực như cúc, ly ly, vạn thọ, thược dược… trồng trong chậu đất, những năm gần đây, các nhà vườn còn tạo thêm nhiều giống hoa treo lạ mắt, thu hút khách hàng.
 
 
làng-hóa-xuân-nam.jpg
Làng hoa Xuân nam đang tất bật chuẩn bị hoa cho Tết Canh Tý.
 
 
Chuẩn bị cho mùa hoa Tết Canh Tý sắp tới, nhà vườn của ông Thái Văn Trưởng trồng hơn 7.000 chậu hoa treo với nhiều chủng loại, từ mai địa thảo, dạ yến thảo, sao băng, thu hải đường, cho đến hạt mưa, mẫu tử… Giá mua tại nhà vườn dao động 50 - 70 nghìn đồng/chậu.
 
Ông Thái Văn Trưởng cho biết, mỗi loại hoa treo đều mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, như loài hoa thu hải đường, ngoài ý nghĩa về sự may mắn, sung túc, càng trưng lâu hoa càng thắm màu cho đến lúc tàn. Còn loài hoa dạ yến thảo, ngoài ý nghĩa về sự quan tâm, hương thơm của nó có thể ngăn chặn một số loại vi khuẩn có hại như bạch hầu, thương hàn, làm trong lành không khí không gian ngôi nhà. Việc sản xuất hoa treo không chỉ làm đa dạng hơn sự lựa chọn của khách hàng, mà còn có ưu điểm là giá thành rẻ, nhiều chủng loại, màu sắc rất đẹp.
 
Vào vụ hoa tết, các nhà vườn ở Xuân Nam còn góp phần đáng kể giải quyết lao động nông nhàn tại địa phương với mức thu nhập ổn định. Như tại vườn hoa của ông Trưởng có đến 6 lao động thời vụ từ tháng 9 đến nay. Bà Trần Thị Chiến - lao động thời vụ tại vườn ông Trưởng cho biết, đến khoảng cuối năm là bà qua phụ việc chăm hoa cho nhà vườn với các công đoạn như làm đất, vô chậu, bón phân, tưới nước... Thu nhập mỗi tháng được 4,5 triệu đồng, cũng phụ thêm gia đình để lo mua sắm tết.
 
Cận tết, làng hoa Xuân Nam ngập tràn trong không khí náo nức, đầu làng, cuối xóm đâu đâu cũng thấy hoa, hoa ngoài cánh đồng, hoa trong vườn, hoa treo trước ngõ… Từ đây, hoa sẽ tỏa đi muôn nơi, tô điểm cho ngày xuân thêm rực rỡ.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top