Không nằm ngoài “cơn bão” giảm giá chung, người nuôi heo Đồng Nai, vùng trọng điểm nuôi heo, đang phải chịu thiệt hại nặng nề khi số tiền đầu tư thì lớn mà giá trị mang lại quá thấp. Nhiều biện pháp cả trước mắt và lâu dài đã được người dân, chính quyền, cùng các sở ngành thực hiện nhằm tìm giải pháp hữu hiệu để “giải cứu” nghề nuôi heo.
Một trong 11 điểm bán thịt heo bình ổn giá trên toàn tỉnh Đồng Nai.
“Gồng gánh” để duy trì đàn
Theo thống kê, tổng số đàn heo trên địa bàn Đồng Nai trong năm 2015 là 1,7 triệu con, năm 2016 tăng đột biến lên 2,1 triệu con, dẫn đến tình trạng nguồn cung tăng mạnh trong khi nhu cầu thực tế tăng không đáng kể. Thời điểm hiện tại, Đồng Nai tồn khoảng 200.000 con heo với trọng lượng từ 65kg/con trở lên, nhu cầu tiêu thụ tại địa phương và xuất đi TP. Hồ Chí Minh chỉ trên 5.000 con.
Chị Đỗ Thị Ngọc, ngụ tại khu phố 4 (phường Trảng Dài, TP. Biên Hoà), chia sẻ: “Toàn bộ tài sản của gia đình đều đổ vào nuôi heo, sổ đỏ cũng mang thế chấp ngân hàng để có vốn đầu tư. Giờ giá heo rớt thê thảm, gia đình không biết lấy đâu ra tiền để trả các khoản vay chứ chưa nói đến việc mua giống để nuôi đàn mới”.
Cùng tâm trạng, anh Đỗ Trung Dũng ở xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) cho hay: “Từ đầu năm 2017, giá heo đã bắt đầu giảm mạnh, khi đó số lượng heo nuôi tại nhà ở thời kỳ chuẩn bị xuất chuồng chiếm số lượng lớn, tôi như ngồi trên đống lửa bởi số tiền mượn nợ để đầu tư vào đàn heo quá lớn. Người dân chúng tôi vốn đã vất vả, giờ phải gồng gánh thêm chuyện heo rớt giá lại càng khó khăn hơn”.
Khi được hỏi có tiếp tục chăn nuôi và duy trì đàn heo không?, ông Dũng chia sẻ: “Tuy heo giảm giá, nhưng đã đầu tư chuồng trại rồi nên tôi vẫn phải tiếp tục duy trì đàn, vì đó là nguồn sống của tôi và gia đình”.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết, tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ heo, hình thành các điểm bán thịt heo nhằm tăng cường tiêu thụ, điều tiết lại thị trường. Cùng với đó, sẽ tiến hành tiêm phòng miễn phí cho hộ nghèo, hộ chăn nuôi heo với số lượng dưới 50 con. UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định tái cơ cấu ngành chăn nuôi tỉnh, quy hoạch lại các vùng chăn nuôi, chọn 4 điểm để đầu tư hạ tầng như đường điện, xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, quy hoạch điểm chăn nuôi. Hỗ trợ việc chăn nuôi nhỏ lẻ, ban hành kế hoạch hỗ trợ cho hộ chăn nuôi để tiến tới hình thành các chuỗi liên kết.
Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cũng đang tổ chức các điểm bán thịt heo bình ổn giá trên địa bàn (tại các chợ, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp...), trong đó ưu tiên hỗ trợ tiêu thụ heo nuôi tại các trang trại có giấy chứng nhận VietGAP, giấy an toàn và có truy xuất nguồn gốc... Thời điểm hiện tại, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đang tổ chức bán thịt heo có giấy chứng nhận VietGAP tại các điểm bán bình ổn với giá từ 40.000 - 70.000 đồng/kg. “Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi có hiệu quả theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực, người dân làm chủ thể chính nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Về lâu dài, phải tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt heo để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định”, ông Quang chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Đồng Nai, riêng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi heo của Agribank Đồng Nai đạt khoảng 1.337 tỷ đồng. Khách hàng vay chăn nuôi heo chủ yếu là cá nhân, gia đình và các chủ trang trại. Thời điểm này, cho vay nuôi heo có những rủi ro do giá heo xuống quá thấp. Tuy nhiên, Agribank Đồng Nai sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh cho vay, giúp người dân vượt qua khó khăn để tiếp tục chăn nuôi. Cũng theo ông Trinh, Agribank Đồng Nai đang sẵn sàng hỗ trợ khách hàng nuôi heo vay vốn với mức lãi suất 7%/năm.
Giải pháp trước mắt cần hỗ trợ người dân, hộ gia đình đang vay vốn chăn nuôi tại các tổ chức tín dụng bằng việc giảm, giãn nợ, hạ lãi suất đối với các khoản vốn đã vay, tiếp tục cho vay mới đối với người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y bị ảnh hưởng do giá thịt lợn giảm sâu. Tuy nhiên, để tránh tái diễn tình trạng “giải cứu thịt heo”, rất cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài. Có như vậy, người dân chăn nuôi heo không phải đứng trước nguy cơ phá sản.
Trường Sơn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.