Là người làm vườn, đam mê cây cảnh, dự kiến, Tết này, ông Hoàng Văn Mến, Văn Giang (Hưng Yên), có gần 100 cây cảnh bưởi cổ thụ, cây cao nhất 200 triệu đồng.
Vườn bưởi cảnh cổ thụ của ông Hoàng Văn Mến huyện Văn Giang, (Hưng Yên) có gần 100 cây sai trĩu quả, tuổi thọ từ 30 - 60 năm, cây có giá trị cao nhất gần 200 triệu đồng.
Để chăm sóc bưởi tốt cần tưới nước mỗi ngày.
Theo đó, vườn bưởi cảnh của ông Mến, mỗi cây đều có thế riêng, sai trĩu quả. Ông cho biết: "Tôi thích nhất cây bưởi vì nó có mùi thơm rất dễ chịu, lại vào dịp Tết cổ truyền nên càng quý; nhất là cây cổ thụ thì có nhiều thế rất đẹp".
"Có cây tôi phải săn lùng hàng năm mới mua được, nhưng cũng có cây mua trước Tết vài tháng. Cứ ở đâu có bưởi đẹp tôi lại lặn lội đi xem, nếu ưng tôi mua cho bằng được về trồng và chăm sóc", ông Mến chia sẻ.
Đón Tết 2019, ông Mến có nhiều thế bưởi cổ thụ độc lạ, giá bán giao động từ 30 - 100 triệu đồng/cây. Đặc biệt, có những cây siêu “độc” có giá lên tới trên 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, vườn bưởi cảnh của ông Mến chi phí rất lớn, có lúc phải bỏ ra 2-3 tỷ đồng để mua cây. "Làm nghề này cần đam mê, đặc biệt phải có kỹ thuật chăm sóc, và hiểu được đặc tính của cây. Có khi mua về được mấy hôm thì cây chết coi như mất trắng", ông Mến tâm sự.
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán 2019, nhưng nhiều người đã đến vườn đặt cây. Năm nay nhu cầu mua “đứt” nhiều hơn mọi năm, trước đây, người chơi thường thuê chơi Tết xong lại trả. Nhưng năm nay nhiều vị khách từ Thanh Hoá, Hà Tây... đã đến đặt cây, chỉ chờ cận Tết là họ đến chở đi.
Mỗi cây bưởi cổ thụ giá bán đắt, rẻ dựa trên nhiều yếu tố, chủ yếu là tuổi thọ và dáng cây. Dáng càng độc lạ, tuổi thọ càng lâu thì càng được nhiều người săn đón, trả giá cao. Những cây bưởi trong vườn ông Mến thường có quả tự nhiên, và quả ghép, có cây gần 300 quả.
Bưởi Diễn dễ sống trong chậu nhưng ghép quả rất khó khăn, cần phải có kỹ thuật chuyên sâu về bưởi mới ghép và giữ được nhiều quả. Do đặc điểm cây bưởi cổ thụ to và nặng, nên mỗi khi bán cây được vận chuyển tới địa chỉ giao hàng bằng xe cẩu chuyên dụnng
Để chăm sóc tốt cho bưởi, giữ được lá xanh quả vàng cần phải tưới cho bưởi mỗi ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây.
Nghệ An: Nông dân ăn, ngủ cùng hoa Tết
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên năm 2019 nhưng bà con nông dân huyện Yên Thành (Nghệ An) đang tích cực chăm sóc hoa để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà con Yên Thành chăm sóc hoa Tết. Ảnh: Văn Trường
Tại cánh đồng Hên, Thị trấn Yên Thành, nơi được xem là vựa hoa của huyện. Mặc thời tiết mưa dầm, nhưng bà con nơi đây vẫn tích cực xuống đồng, chăm sóc cho những thửa hoa Tết.
Anh Phan Sĩ Cường, khối 4 Thị trấn Yên Thành chia sẻ: 4 sào đất trước đây trồng lúa kém năng suất, chúng tôi đã chuyển sang trồng hoa. Năm nay thời tiết ấm hơn nên bà con ít thắp bóng điện để thúc cây phát triển.
Tuy nhiên, bà con phải thường xuyên theo dõi thời tiết, và chăm sóc như trẻ nhỏ, phải ăn, ngủ cùng hoa. Phải “căn” hoa nở đúng vào dịp Tết thì mới đạt hiệu quả cao, tính ra gấp 4-5 lần lúa, đạt từ 20-25 triệu đồng/sào. Nhưng có năm do thời tiết khắc nghiệt, hoa nở muộn hoặc nở trước Tết bị lỗ nặng.
Ông Phan Doãn Lợi làm 5 sào hoa, theo ông, hoa hiện nay phát triển khá tốt, gia đình đang hi vọng vào một vụ hoa được mùa, được giá. Cả Thị trấn có 4 hộ trồng hoa được quy hoạch tại cánh đồng Hên, khoảng 15 sào hoa.
Toàn huyện Yên Thành có khoảng hơn 3 ha diện tích trồng hoa ở Thị trấn Yên Thành, Hoa Thành, Tăng Thành …Huyện Yên Thành không mở rộng diện tích mà nâng cao chất lượng, hướng tới đưa các loại hoa cao cấp vào để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Quảng Nam: Quật cảnh Cẩm Hà được giá
Đợt mưa ngập vừa qua ước tính số lượng quật trên địa bàn xã Cẩm Hà (TP.Hội An) hư hại khoảng 20%. Tuy nhiên, bù lại giá bán quật Tết năm nay tương đối cao và hút hàng hơn so năm ngoái.
Quất cảnh Cẩm Hà có giá cao hơn năm ngoái 20% Ảnh: Khuất Linh
Tính đến thời điểm này, hơn 80% quật cảnh trên địa bàn Cẩm Hà đã được thương lái đặt cọc tiền, chờ qua rằm tháng Chạp sẽ chở đi tiêu thụ Tết. Ông Nguyễn Quang cho biết, vụ này ông trồng 700 chậu quật cảnh, dù cây tệ hơn so năm trước, nhưng bù lại bán nhanh, giá cũng khá cao. Đến nay, tất cả quật trong vườn đã được khách đặt cọc.
Ông Quang cho biết, giá thuê quật chơi Tết năm nay cũng nhích lên, bình quân hơn 10 triệu đồng/cây có hình dáng đẹp. Hiện vườn ông có khoảng 20 chậu cho thuê, giá bình quân 12 triệu đồng/chậu, thời gian thuê kéo dài 1 tháng (20 tháng Chạp đến ra Giêng).
“Trừ chi phí xong, mỗi năm ông kiếm được gần 200 triệu đồng, xem như cả năm dồn vào đó, cuối năm thu một lần” - ông Quang chia sẻ.
Cách đó không xa, hơn 1.000 chậu quật của ông Nguyễn Tường Minh, cũng được thương lái Gia Lai, Đà Nẵng đặt cọc. “Nếu từ nay đến Tết thời tiết thuận lợi tôi thu khoảng 200 triệu đồng, đã trừ chi phí” - ông Minh nói.
Theo ông Minh, trồng quật chi phí rất cao, chủ yếu phân, thuốc, giống, chậu… Vụ Tết này ông trồng 1.000 chậu quật, vốn đầu tư ước 600 triệu đồng. Trường hợp mưa gió chi phí sẽ cao hơn do thêm tiền phân, thuốc.
“Quật cỡ trung bình giá sỉ 800 - 900 nghìn đồng, cao nhất 30 triệu đồng. Năm nay ảnh hưởng thời tiết khiến phần lớn cây hư, không đẹp nên giá cao hơn năm ngoái” - ông Minh lý giải.
Hiện, xã Cẩm Hà có khoảng 65.000 chậu quật cảnh. Sau đợt mưa vừa qua, dù chưa thống kê chính thức, nhưng nhìn chung tỷ lệ hư hại khoảng 20%.
Ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà khẳng định, phải chờ trời nắng lên, khoảng 1 tháng sau mới biết quật có hư hại hay không, nhưng nhìn chung tỷ lệ hao hụt không nhiều do người dân đã có kinh nghiệm, chủ động phòng chống.
“Theo kiểm tra sơ bộ, hiện, hơn 80% quật cảnh đã được thương lái đặt cọc mua. Giá bán cũng cao nên ai cũng vui mừng” - ông Phương thông tin”.
Hậu Giang: Làng mai Phú Hưng vào vụ Tết
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019, làng mai Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, lại tất bật chăm sóc để cho ra những thân cây đẹp, tạo tán nghệ thuật phục vụ thị trường.
Làng mai Phú Hưng tất bật chuẩn bị vụ tết.Ảnh: Nguyễn Hằng
HTX Mai vàng Phú Hưng, thành lập năm 2013 với 17 thành viên, nay đã nâng lên 32 thành viên. Hàng năm, Phú Hưng cung cấp cho thị trường nội tỉnh và khu vực đồng bằng sông Cửu Long số lượng lớn mai vàng vào mỗi dịp Tết.
Năm nay, HTX phục vụ thị trường trên 16.000 chậu. Ông Lê Văn Ky, Giám đốc HTX, chia sẻ: Nếu cuối năm trước nhà vườn gặp khó trong xử lý hoa vào dịp Tết, thì năm nay thời tiết rất thuận lợi; mai vào nụ rất đạt, chất lượng.
Khoảng 9-12 âm lịch sẽ lặt lá, xử lý bông. Nhìn chung, sản lượng mai có phần tăng hơn trước do nhu cầu ngày càng cao. 5 năm trở lại đây, thị trường chuộng loại mai nguyên thủy được cắt, tạo dáng, chứ các loại mai ghép người ta không ưa nữa.
Nhà vườn cho biết, dự kiến sẽ cung ứng mai từ 16 tháng chạp. Năm nay, thương lái các nơi đến liên hệ đặt hàng từ sớm. Việc sản xuất cũng có điểm thuận lợi hơn năm trước là thời tiết ít lạnh, khâu chăm sóc nhờ vậy đỡ tốn công.
Tuy vậy, bà con vẫn chủ động các biện pháp xử lý để đảm bảo chất lượng mai Tết. Tránh tình trạng nở muộn, hoặc nở trước tết.
Bà Lê Thị Đen, ấp Phú Hưng, cho biết: “Làm mai sợ nhất thời tiết lạnh, mưa bất thường. Khi lạnh quá hoa sẽ không nở, còn nóng quá hoa trổ sớm. Do vậy, phải có kỹ thuật, và chọn thời điểm xử lý hoa là điều không dễ dàng. Năm nay, có khoảng 500 chậu mai phục vụ Tết Nguyên Đán 2019, tôi đang chăm sóc kỹ lưỡng, dự kiến sẽ xuất đi khoảng 20 tháng12 âm lịch”.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, thời tiết năm nay mưa ít, nên thuận lợi cho việc chăm sóc hoa, kiểng Tết. Từ đây đến Tết Nguyên Đán bà còn chăm sóc kỹ bộ lá, tán, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho mai để có sản phẩm đẹp.
Ông Nguyễn Văn Trương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, cho biết: Vườn mai của Hợp tác xã mai vàng Phú Hưng năm nay lớn mạnh về số lượng. Qua thăm hỏi bà con và Ban Chủ nhiệm hợp tác xã, mùa Tết này bà con sản xuất ổn định, chủ động được thời tiết nên dự đoán nguồn cung nhiều, bông đẹp.
Ngoài các Hợp tác xã kể trên, nông dân huyện Châu Thành còn chuẩn bị hoa Tết với số lượng trên 20.000 chậu, trong đó, chủ yếu là cúc, vạn thọ…
Vườn bưởi cảnh Tết có giá tiền tỷ, nông dân ăn, ngủ cùng hoa Tết, là tin tuần qua tại nhiều địa phương trên cả nước.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…