Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 5 năm 2020 | 7:17

Vườn quốc gia Chư Mom Ray chủ động PCCC rừng trong mùa khô

Những ngày này, nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng cũng gia tăng. Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, Vườn quốc gia Chư Mom Ray đã lên phương án phòng cháy chữa cháy rừng cho mùa khô 2019 - 2020.

Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray có tổng diện tích 56.249,2 ha thuộc địa bàn hai huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi; trong đó, rừng đặc dụng là 54.583,59 ha, rừng sản xuất 1.665,64 ha. Trong mùa khô năm 2018 - 2019, trên địa bàn VQG có xảy ra 13 vụ cháy nhỏ, chủ yếu là cháy thực bì, lau lách ven rừng nhưng lực lượng kiểm lâm vườn đã kịp thời phát hiện và dập tắt nên không gây thiệt hại tài nguyên rừng.
 
Nhiều nguy cơ gây cháy rừng
 
VQG Chư Mom Ray nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mang đặc trưng của vùng khí hậu bắc Tây nguyên. Các năm gần đây do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do đó thời tiết có sự biến đổi bất thường, mùa khô hạn kéo dài hơn bình thường, mùa mưa lượng mưa ít hơn... đã làm cho nguy cơ cháy rừng tăng cao. “Hiện trạng rừng trong VQG có nhiều kiểu rừng xen kẽ, kiểu rừng lá rộng thường xanh chiếm tỉ lệ lớn (67%) đã hạn chế cháy; hệ thống sông suối phân bố dày trong VQG có tác dụng như đường ranh cản lửa. Tuy nhiên, diện tích rừng dễ cháy lớn là các loại rừng lồ ô, tre nứa, cỏ tranh, lau lách... Bên cạnh đó địa hình đồi núi đốc, hiểm trở đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động phòng cháy và chữa cháy trong mùa khô”, ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray cho biết.
 
Cũng theo ông Thủy, VQG Chư Mom Ray nằm trong phạm vi hành chính của 8 xã và 1 thị trấn thuộc 2 huyện, gồm: xã Sa Loong, Bờ Y, Đắk Kan (huyện Ngọc Hồi), xã Sa Sơn, Sa Nhơn, Rờ Kơi, Mô Rai và thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy). Các xã, thị trấn này có nương rẫy quá gần với đường ranh giới VQG, gây khó khăn cho công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), vì các khu nương rẫy này thường là nơi xuất phát của lửa và dễ cháy lan vào VQG. Bên cạnh đó, cuộc sống của người dân vùng đệm VQG còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu là cây nông nghiệp hàng năm. Do đó, thời gian rảnh rỗi trong năm, người dân thường vào rừng thu hái lâm sản phụ, đốt ong lấy mật, săn bắt chim thú; cá biệt có các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đời sống còn phụ thuộc rất nhiều vào rừng (săn bẫy, bắt cá, lấy rau rừng, rà sắt phế liệu...). Đây là nguy cơ cao xảy ra cháy rừng...
200411_101409.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng của VQG Chư Mom Ray đang kiểm tra các điểm có nguy cơ cháy rừng cao

Chưa kể, hệ thống đường giao thông xuống cấp, thường sụt lở vào mùa mưa và không có kinh phí tu bổ, sửa chữa gây ảnh hưởng lớn đến công tác kiểm tra, giám sát và huy động chữa cháy khi có cháy xảy ra. Hiện tại trên các tuyến đường đi qua VQG đang được đầu tư nâng cấp, các đơn vị thi công đóng chân (đa số là người địa phương khác đến) đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động phòng chống cháy rừng. Ngoài ra, nhận thức của một bộ phận người dân còn thấp dẫn đến việc tuyên truyền giáo dục ý thức người dân chấp hành các quy định về quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và PCCCR còn nhiều hạn chế.

Lên phương án sẵn sàng

Đứng trước những nguy cơ nói trên, VQG Chư Mom Ray đã thành lập Ban chỉ huy PCCCR của đơn vị, bao gồm các thành viên là lãnh đạo VQG, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm VQG, lãnh đạo các phòng, trung tâm, trạm QLBVR trực thuộc Hạt Kiểm lâm. Đồng thời củng cố tổ chức 14 trạm QLBVR, 2 tổ Kiểm lâm cơ động PCCCR và khối Văn phòng Hạt Kiểm lâm; xây dựng kế hoạch tập huấn và trang bị phương tiện, thiết bị cần thiết cho lực lượng này; xây dựng phương án tác chiến chữa cháy rừng giữa các trạm QLBVR với các đồn biên phòng, chính quyền các xã, thôn, tổ đội bảo vệ rừng trên toàn địa bàn.

Giám đốc Ban quản lý VQG Chư Mom Ray Đào Xuân Thủy cho biết: Đặc điểm của cháy trong khu vực VQG chủ yếu là cháy lan mặt đất và cháy lướt tán, khả năng phát tán nhanh, tốc độ cháy lớn, ngọn lửa có thể cao tới 6 đến 8 m. Riêng các tiểu khu 601, 604 thuộc xã Sa Nhơn (đỉnh Chư Mom Ray) còn có kiểu cháy ngầm, do khu vực này tầng thảm mục dày (30-40 cm), do đó công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn. Căn cứ vào số liệu thống kê qua các năm về tình trạng cháy rừng để xác định được tần suất xuất hiện các vụ cháy phân bổ trên thực địa và trạng thái rừng thường xảy ra cháy, đơn vị đã xây dựng bản đồ PCCCR. Trong đó phân vùng trọng điểm cháy rừng xác định được các khu vực có nguy cơ cháy cao để tập trung các nguồn lực phục vụ cho PCCCR. Ngoài ra, đơn vị còn tự xây dựng hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến trên ảnh vệ tinh. Đồng thời xác định cấp dự báo cháy trên địa bàn theo định kỳ trên cơ sở dữ liệu thống kê các năm trước về tình hình cháy rừng, căn cứ thực tế trên địa bàn về các nhân tố ảnh hưởng đến nguy cơ cháy rừng và thông tin dự báo của ngành.

200411_101358.jpg
Lực lượng Kiểm lâm, VQG Chư Mom Ray phối hợp tuần tra

Về các giải pháp đồng bộ khác, VQG Chư Mom Ray sẽ tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về công tác PCCCR; xây dựng các biển cấm lửa và biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR với các hộ dân sản xuất nương rẫy giáp ranh giới VQG; truyền trông trong các trường học... Đơn vị cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Kiểm lâm; xây dựng và duy trì, bảo dưỡng các công trình PCCCR; triển khai các biện pháp làm giảm vật liệu cháy; xây dựng và thực hiện quy trình phát hiện điểm cháy rừng... Đồng thời triển khai phương án xử lý một số tình huống cháy rừng để tránh bị động khi không may có sự cố xảy ra trên thực tế.

Theo ông Đào Xuân Thủy, phương án PCCCR trong mùa khô 2019 - 2020 được xây dựng trên cơ sở những cứ liệu khoa học, điều kiện thực tế cũng như những kinh nghiệm rút ra trong công tác PCCCR những năm qua. Trong đó có tính đến khả năng, nguồn lực sẵn có hoặc có thể huy động được. Do đó, công tác PCCCR sẽ có hiệu quả hơn vì đạt được các mục tiêu là giảm tối đa và đi đến ngăn chặn hoàn toàn nạn cháy rừng trong Vườn quốc gia; bảo vệ nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học; giúp các khu rừng tái sinh mau chóng phục hồi; bảo đảm tính năng phòng hộ của rừng, giữ trong sạch môi trường. “Để công tác PCCCR đạt hiệu quả trong thời gian tới, Ban quản lý VQG Chư Mom Ray đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức kinh tế, đẩy mạnh hơn nữa các chương trình phát triển dân sinh kinh tế vùng đệm để giảm thiểu các tác động tiêu cực vào rừng, đồng thời làm cho người dân tích cực tham gia vào công tác QLBVR - PCCCR. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Kon Tum quan tâm các chính sách cho những người tham gia công tác PCCCR, điều chỉnh mức bồi dưỡng công chữa cháy cho phù hợp với ngày công lao động tại địa phương để động viên khuyến khích người dân tham gia trực tiếp chữa cháy rừng”, ông Thủy nói.

VQG Chư Mom Ray có tổng số 110 công chức viên chức và người lao động, trong đó lực lượng Kiểm lâm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) 81 người, được bố trí trên 14 trạm, 2 tổ cơ động và khối văn phòng Hạt Kiểm lâm. Lực lượng Kiểm lâm còn thiếu rất nhiều so với quy định chung, do đó đơn vị gặp nhiều khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.

 

Quốc Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top