Sau nhiều năm bị lép vế trước đối thủ Thái Lan, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc, đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam 2 tháng năm 2018 đạt trung bình 475 USSD/tấn, cao hơn cả Thái Lan.
Để giữ vững mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục con đường tái cơ cấu, ưu tiên lựa chọn gạo chất lượng cao và đẩy mạnh liên kết chuỗi.
Tăng trưởng ngoạn mục
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm đã thực sự khởi sắc sau một thời gian dài trầm lắng. Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2018, đã có 861.000 tấn gạo được xuất khẩu chính ngạch, thu về gần 419 triệu USD; tăng 17% về khối lượng, nhưng tăng tới 34% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những điểm tích cực của bức tranh xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm nay là có tới trên 80% gạo chất lượng cao, chủ yếu là gạo nếp, gạo thơm, gạo lài... Giá bán trung bình là 475 USD/tấn so với mức 450 USD/tấn của năm 2017.
Đáng chú ý, giá gạo của Việt Nam còn cao hơn giá gạo của đối thủ Thái Lan. Bộ Nông nghiệp và PTNT cho hay, giá gạo xuất khẩu bình quân trong năm 2016 chỉ đạt 435 USD/tấn, năm 2017 là 450 USD/tấn thì trong 2 tháng đầu năm 2018, giá gạo Việt xuất khẩu tăng lên 475 USD/tấn. Đây được xem là mức giá cao nhất trong 3-4 năm trở lại đây, và cao hơn giá gạo Thái Lan.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng ngoạn mục kéo theo thị trường lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tháng 2/2018 có dấu hiệu sôi động hơn, giá lúa tăng so với tháng 1/2018. Nguyên nhân do các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tập trung gom hàng để trả hàng cho các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết với những thị trường truyền thống và chuẩn bị đơn hàng vào nhiều thị trường mới. Đồng thời, lúa đông xuân tại một số địa phương bắt đầu thu hoạch, nhu cầu mua vào của các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu tăng.
Theo hệ thống cung cấp giá tại 12 địa phương, giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL như sau: Tại Kiên Giang, giá lúa tăng 200 đồng/kg, lúa IR50404 lên mức 5.900 – 6.100 đồng/kg; lúa OM 4218 lên mức 6.400 - 6.500 đồng/kg; lúa OM 6976 đạt 6.400 - 6.600 đồng/kg; lúa Jasmine 6.600 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa đông xuân giống IR50404 tại thị xã Bình Minh ổn định ở mức 5.200 đồng/kg (lúa ướt)…
Trong báo cáo mới nhất của mình, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng đưa ra dự báo khá lạc quan về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay, do triển vọng tiêu thụ tăng mạnh từ các thị trường nhập khẩu.
Theo đó, báo cáo Makets & Trade tháng 2/2018 của USDA đưa ra dự báo xuất khẩu gạo năm 2018 của Việt Nam sẽ đạt 6,7 triệu tấn, tăng 200.000 tấn so với dự báo cũng do tổ chức này đưa ra trước đó một tháng.
Nếu so với kết quả xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt được trong năm 2017 là 5,89 triệu tấn thì dự báo của USDA cho thấy trong năm nay lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 0,81 triệu tấn.
Cơ sở để USDA đưa ra lời dự báo như trên xuất phát từ sự kỳ vọng Việt Nam sẽ tăng doanh số từ thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, USDA dự báo quốc gia này sẽ nhập khẩu 5,5 triệu tấn trong năm 2018, tăng 250.000 tấn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 1/2018.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào quốc gia này chiếm đến 39,2% thị phần xuất khẩu gạo cả năm 2017 của Việt Nam (5,89 triệu tấn).
Đối với khu vực Đông Nam Á, USDA cho rằng, trong năm nay, Indonesia sẽ nhập khẩu 800.000 tấn gạo, tăng 500.000 tấn so với dự báo trước đó. Trên thực tế, hồi đầu năm nay, Việt Nam đã giành được hợp đồng xuất khẩu 141.000 tấn gạo vào quốc gia này. Còn với Philippines, USDA dự báo năm 2018 quốc gia này cũng sẽ nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn gạo các loại và Việt Nam cũng là quốc gia bán gạo truyền thống vào đây.
Kết quả của quá trình tái cơ cấu
Lý giải cho sự tăng trưởng ngoạn mục này, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó cục trưởng thường trực Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho rằng, trong 2 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu đã có sự tham gia nhiều hơn của khối doanh nghiệp tư nhân nên chất lượng gạo đã được cải thiện rõ rệt. Không chỉ tập trung công nghệ, xây dựng thương hiệu, chất lượng là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp mà liên kết với nông dân, có vùng trồng riêng, thu mua giá cao là cách được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Theo các doanh nghiệp, hiện nay, thương nhân nước ngoài đã tìm đến trực tiếp tận nhà máy để ký hợp đồng chứ không ký hợp đồng tập trung như trước. Đây vừa là áp lực buộc phải thay đổi, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp, bởi làm tốt, sản phẩm chất lượng, có thương hiệu, ắt sẽ có đầu ra. Ghi nhận tại vựa gạo ĐBSCL, các thương nhân tìm đến để hợp tác xuất khẩu gạo nhiều nhất là Trung Quốc và Philippines. Đây cũng là 2 thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam hiện nay, chiếm trên 50% khối lượng xuất khẩu. Dù vượt Thái Lan về giá, nhưng thứ hạng của Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện.
Theo ông Toản, dù chưa thể sánh với Thái Lan trong khâu xây dựng thương hiệu và chế biến, nhưng các doanh nghiệp đã bước đầu quan tâm, đầu tư nhiều hơn trong đẩy mạnh chế biến gạo, dù vậy tỷ lệ vẫn còn ở mức thấp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, kết quả ngoạn mục của xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2018 là thành quả của quá trình tái cơ cấu bền bỉ trong 2 năm qua với mục tiêu nâng cao chất lượng gạo và đẩy mạnh liên kết chuỗi. “Gạo Việt xuất khẩu được giá cao là do chất lượng gạo đã tăng lên. Như trước đây chúng ta chủ yếu xuất khẩu gạo thường IR 50404, giờ chủ yếu xuất gạo nếp thơm, ngon. Cụ thể, trong năm 2017, tỷ lệ gạo chất lượng cao chiếm 81% trong cơ cấu xuất khẩu”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, giá gạo xuất khẩu tăng do Việt Nam nhiều năm tái cơ cấu ngành lúa gạo nhằm nâng cao chất lượng và bước đầu đã có kết quả tốt. Hơn nữa, các nước cùng tham gia đấu giá công khai với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi, cơ bản chất lượng gạo của các đối thủ không cải thiện nhiều, còn gạo Việt có cải tiến đáng kể.
Đừng dễ dãi với IR50404
Tuy vậy, ngành gạo Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức khi sản lượng gạo toàn cầu đang tăng vọt, lên mức cao nhất trong 16 năm qua, theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Niên vụ 2017-2018, Ấn Độ tiếp tục giữ vững ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vị trí tiếp theo thuộc về Thái Lan và Việt Nam.
Điểm đáng chú ý là sự vươn lên mạnh mẽ của Myanmar trên thị trường gạo quốc tế, khi tăng gấp đôi sản lượng xuất khẩu so với 1 năm trước đó và được dự đoán vượt Mỹ để lọt vào top 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất trong năm nay. Cũng phải nhìn nhận một thực tế, từ đầu năm tới nay, xuất khẩu gạo tăng đột biến vì nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Philippines tăng lên đáng kể. Để sự khởi sắc này không phải là diễn biến nhất thời, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Tuấn cho rằng, ngành nông nghiệp cần tiếp tục kiên trì sản xuất và chế biến gạo với các giống lúa chất lượng cao, không được dễ dãi với sự trở lại của các giống lúa kém chất lượng như IR50404.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…