Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2019 | 13:22

XK gạo thua Campuchia, Việt Nam tìm thị trường mới

Việt Nam có thâm niên xuất khẩu gạo khoảng 30 năm, còn Campuchia mới bắt đầu xuất khẩu gạo từ năm 2008. Song, Campuchia đã lọt top 5 nước xuất khẩu vào EU, xuất sang Trung Quốc cũng tăng trưởng mạnh, trong khi gạo Việt đang ngày càng đuối sức.

Tụt sau Campuchia về chất lượng?

Nếu xét về sản lượng gạo xuất khẩu, Campuchia không phải là đối thủ của Việt Nam. Bởi, mỗi năm nước ta xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo, đứng top 3 thế giới. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu khoảng hơn 6 triệu tấn gạo thì Campuchia chỉ vỏn vẹn 626.225 tấn gạo các loại.

Song, xét về chất lượng và thương hiệu trên thị trường thế giới, gạo Campuchia có thể tự hào sánh ngang với gạo Thái Lan, còn Việt Nam thì đang dần đuối sức trong cuộc đua chất lượng.

Trên thực tế, tại hội nghị cao cao cấp được tổ chức cuối năm 2018 tại Hà Nội, gạo thơm Campuchia đã giành chiến thắng và đây là lần thứ 4 gạo thơm nước này đạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới.

Theo Ông Sok Puthivuth, Chủ tịch Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF), để duy trì và giành được danh hiệu này, Campuchia đã biết duy trì được giống gạo thơm ngon từ tổ tiên để lại như gạo “Malys Angkor”, thanh lọc giống lúa, cải thiện chất lượng gạo, tăng tiêu chuẩn xay xát gạo ở cấp độ quốc gia và quốc tế, hợp tác tốt với các đối tác quốc tế. Hơn nữa, Campuchia cũng có một vị trí địa lý thuận lợi cho nông nghiệp, đặc biệt là khu vực trồng lúa ở xung quanh biển hồ Tonle Sap và sông Mekong.

 

Campuchia chiếm top đầu Châu Âu, Việt Nam tìm đường sang châu Phi - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất 10 tháng năm 2019 tăng 6,1% về khối lượng nhưng lại giảm tới 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái

 

Ví như, Campuchia hiện nay đã lọt top 5 nước xuất khẩu gạo hữu cơ vào thị trường EU, chỉ sau Mỹ, Pakistan, Ấn Độ và Thái Lan.Xét về thị trường xuất khẩu, gạo Việt xuất khẩu sang 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nhưng đa phần ở phân khúc thấp, gạo giá rẻ. Trong khi, Campuchia mới chỉ xuất khẩu ra vài chục nước trên thế giới, song gạo của nước này lại chủ yếu đánh chiếm ở những thị trường khó tính.

Một chuyên gia trong ngành gạo của Campuchia tiết lộ, họ đặt ưu tiên sản xuất gạo hữu cơ và gạo sạch được sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững. Những giống lúa này sẽ làm cho gạo Campuchia cạnh tranh hơn so với gạo của Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ.

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường cao cấp như EU và Mỹ, báo cáo của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) dẫn số liệu từ CRF cho thấy, xuất khẩu gạo của nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay, với 157,8 ngàn tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, CFR kỳ vọng có thể xuất được 300.000 tấn trong hạn ngạch và hướng đến mục tiêu 400.000 tấn vào năm 2020.

Trái với Campuchia, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đang sụt giảm mạnh.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm nay, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm tới 67%. Trung Quốc cũng không còn nằm top thị trường xuất khẩu nhiều nhất của gạo Việt Nam.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận năm nay thị trường có sự thay đổi đột biến. Trung Quốc vốn nhập khẩu tới 2 triệu tấn gạo mỗi năm thì từ đầu năm 2019 đến nay mua chưa tới 400.000 tấn, thị trường 1,4 tỷ dân này hiện chỉ chiếm hơn 8% tổng giá trị xuất gạo của Việt Nam.

Gạo Việt mở đường tìm thị trường mới

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho thấy, gạo Việt Nam xuất khẩu đang sụt giảm mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng lại giảm tới 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Điều đáng nói, gạo 5% tấm của Việt Nam từ 330-340 USD/tấn tăng lên 350 USD/tấn (FOB cảng Sài Gòn) - đứng ở mức cao nhất trong 2 tháng qua, song vẫn thua giá gạo 5% tấm cùng loại của Ấn Độ (365-370 USD/tấn) và Thái Lan (395-400 USD/tấn).

 

Campuchia chiếm top đầu Châu Âu, Việt Nam tìm đường sang châu Phi - Ảnh 2.

Gạo Việt được kỳ vọng sẽ xuất nhiều hơn sang Philippines, châu Phi và Trung Đông...

 

Trong 9 tháng đầu năm nay, Philippines đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần, dự báo những tháng cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc.

Bởi, tháng 10/2019, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương Philippines) chính thức thông báo nước này sẽ không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung đối với gạo nhập khẩu trong thời gian tới. Đây được cho là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này.

Bên cạnh đó, dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của nước này đến năm 2030 sẽ tăng dần đều. Philippines lại là quốc gia khó có thể tự cung tự cấp về lương thực, do đó, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, tương lai sẽ dần tăng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng nhận định, việc Campuchia tăng cường xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, ở chiều ngược lại Việt Nam có thể đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo sang Campuchia bởi lượng gạo của nước này khó có thể đáp ứng ngay được mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải loại gạo nào cũng xuất khẩu được mà chỉ tập trung vào các loại chất lượng cao và tương đồng với gạo Campuchia.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn, nhưng năm nay, các doanh nghiệp, người nông dân chuyển dịch thị trường rất tốt. Đặc biệt, xuất khẩu gạo đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ.

Ngoài ra, cần thúc đẩy, mở rộng thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông hay những thị trường có khoảng cách địa lý gần như Indonesia, Philippines.

Về lâu dài, tới đây Việt Nam cần giảm diện tích trồng lúa, thay bằng các đối tượng nuôi trồng, sản xuất khác đang rất hiệu quả. "Chúng ta vẫn giữ vững an ninh lương thực và xuất khẩu một phần phù hợp. Ngoài ra, vấn đề cần quan tâm tiếp theo là tổ chức lại thị trường trong nước để đảm bảo gạo có chất lượng, bao bì, khả năng cung ứng tốt", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2019 của Bộ NN-PTNT, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cũng cho rằng, gạo Việt là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, phải cạnh tranh để thay đổi, phát triển. Theo đó, phải thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc, cùng với đó đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Philippines, châu Phi.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top