Đầu Xuân mới, ngư dân Bình Thuận đã trúng đậm một mùa biển lớn, có nhật ký đánh bắt, chủng loại cá, toạ độ và thời gian khai thác rõ ràng…
Một ngày đầu Xuân mới, tiết trời se lạnh, gió bấc thổi mạnh, chiếc tàu công suất 350cv của ông Sáu Cao, phường Đức Thắng, T.p Phan Thiết (Bình Thuận) có nhiều kinh nghiệm, sau hơn một tuần lễ ra khơi, phải loay hoay mãi mới từ từ vào được cảng.
Nghề cá Việt Nam đã được hiện đại hóa
Nhiều bạn hàng nghe tin tàu về nên có mặt từ lúc mặt trời mới nhú trên biển, chờ chực ở bến để mua sản phẩm.
Buộc xong neo, ông Sáu cầm cuốn sổ dày cộp đến Ban quản lý Cảng cá trình báo nhật ký đánh bắt. Công việc “ra trình, vào báo”, ông Sáu làm nhiều tháng nay nên nhân viên cảng cá tin tưởng. Sau khi xem qua nhật ký, họ xuống tận tàu kiểm tra, xác nhận sản lượng, chủng loại cá, tọa độ và thời gian khai thác…
Hơn 2 tấn cá đủ loại, có nguồn gốc rõ ràng, nên chỉ 2 giờ sau tàu đã giải phóng hết. Không chỉ tàu ông Sáu, hai tàu khác mang số hiệu Bth 9942, Bth 9720 cũng lần lượt cập bến, và báo cáo nhật ký đánh bắt. Nhưng một trong hai chiếc tàu này ghi nhật ký thiếu mục “tọa độ”, nên nhân viên cảng cho rằng không hợp lệ, chủ tàu lý giải do máy định vị hỏng, sẽ khắc phục trong chuyến biển tới.
Anh Nguyễn Hoài Tiến, Phó giám đốc Ban quản lý Cảng cá Phan Thiết cho hay: “Hiện, Cảng cá Phan Thiết có hàng nghìn lượt tàu thuyền ra vào bán sản phẩm, ước tính mỗi năm có 60.000 tấn hải sản được bán tại bến cá Phú Hài. Kể từ khi EC phạt “thẻ vàng”, Ban quản lý đã phối hợp với đồn biên phòng, Chi cục Thủy sản tăng cường quản lý tàu ra, vào bán sản phẩm tại cảng.
Mỗi chuyến biển, thuyền trưởng hoặc chủ tàu công suất 20cv trở lên có trách nhiệm ghi nhật ký khai thác. Khi cá được chuyển lên bờ, nhân viên Ban Quản lý cảng kiểm tra thực tế tại tàu, đối chiếu sản lượng, loài hải sản khai thác…”.
Bình Thuận có hơn 7.700 tàu thuyền, sản phẩm khai thác được quản lý, xác nhận tại ba cảng: Cảng Phan Thiết, Phan Rí Cửa và La Gi. Để chống khai thác bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc, năm 2018 Chi cục Thủy sản đã tập huấn cho hàng nghìn chủ tàu, thuyền trưởng về thực hiện báo cáo, ghi nhật ký từng chuyến biển, sử dụng các thiết bị giám sát hành trình, định vị, máy tầm ngư, vô tuyến điện…
Qua tập huấn, tích cực tuyên truyền, đến nay, nhiều chủ thuyền đã chấp hành nghiêm túc. Tình trạng ngư dân khai thác trái phép trên vùng biển nước ngoài đã chấm dứt từ tháng 5/2018. Hội đồng liên minh châu Âu (EC) đã xác nhận “Việt Nam có nhiều nỗ lực thực hiện các kiến nghị EC đưa ra…”
Hiện, nghề cá truyền thống đã vào khuôn khổ, mang tính công nghiệp cao như: khai thác phải ghi nhật ký hành trình, xác định tọa độ, thời gian, loại cá…khiến nhiều ngư dân bước đầu chưa quen. Đáng lưu ý là, tất cả các tàu thuyền ra biển phải trang bị và sử dụng máy định vị, nhưng thực tế, các tàu trang bị còn quá ít, và ngư dân sử dụng chưa thành thạo.
Bà Nguyễn Thị Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), Trưởng ban điều hành IUU - Vasep, Tổng Giám đốc Hải Nam CO.,LTD chia sẻ: “Nghề cá Việt Nam bị EC phạt “thẻ vàng”, đây cũng là cơ hội để cấu trúc lại nghề cá, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá nhân dân.
Hiện, cả nước có 3.300 tàu cá (chiều dài từ 24m trở lên) ra khơi đánh bắt dài ngày, nhưng chỉ có hơn 2.000 tàu có máy định vị. Riêng Bình Thuận, số tàu trang bị máy định vị, máy tầm ngư chỉ chiếm khoảng 20-25%
Để khắc phục “thẻ vàng”, tất cả tàu thuyền ra khơi phải hiện đại hóa. Hơn nữa nhận thức của một bộ phận ngư dân về IUU còn hạn chế, nên các tàu bán sản phẩm nội địa hầu như không ghi chép nhật ký khai thác. Người mua sản phẩm cũng không cần sản phẩm có nguồn gốc, vì vậy, việc kiểm soát đánh bắt, truy xuất nguồn gốc còn nhiều lỗ hổng…”.
Từ đầu năm 2018 đến nay, hàng xuất khẩu sang thị trường EU giảm từ 30 - 50%, do nguyên liệu được xác nhận nguồn gốc rất ít, vì ngư dân không có nhật ký đánh bắt. Vì thế các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm thị trường mới, hoặc thị trường truyền thống để bảo đảm kế hoạch, đây là một thiệt thòi lớn cho nghề cá.
Để chống đánh bắt hải sản bất hợp pháp có hiệu quả, nhất thiết phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá. Mặt khác, nâng cao nhận thức cho người tiêu thụ sản phẩm, phải có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các tàu vi phạm IUU. Theo Luật Thủy sản mới (có hiệu lực từ 1/1/2019) chế tài xử phạt sẽ tăng nặng, với hành vi khai thác bất hợp pháp, mức phạt cá nhân tới 1 tỷ đồng, tổ chức tới 2 tỷ đồng.
Ngư dân Bố Trạch trúng lộc biển đầu năm
Những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, tại các xã biển huyện Bố Trạch (Quảng Bình) ngư dân đánh bắt cá gần bờ đã có những chuyến biển đầy may mắn, trúng đậm cá trích, cá cơm, cá khoai và các hải sản từ biển.
Ngư dân Bố Trạch được mùa cá trích, cá cơm
Thời tiết thuận lợi, nhiều ngư dân các xã: Nhân Trạch, Hải Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch đã sớm mở cửa biển, đón lộc đầu năm. Những thuyền đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến 1-2 ngày; ngoài các loại hải sản phong phú, ngư dân phần lớn được mùa cá trích, cá cơm.
Mỗi thuyền đánh bắt được khoảng 1-2 tạ cá, và tiêu thụ hết với giá khá cao. Trung bình, mỗi chuyến biển gần bờ trong những ngày đầu năm mới, ngư dân đều thu từ 2 -5 triệu đồng.
Bí thư Đảng ủy xã Nhân Trạch, Nguyễn Khắc Tân, cho biết, xã có khoảng 20 thuyền đi biển, đạt 10% số lượng thuyền trong xã, mỗi thuyền thu được từ cá và hải sản khoảng 5-10 triệu đồng/ngày.
Ngư dân Phạm Văn Kịn, thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch hồ hởi: "Mọi năm, chúng tôi đều ra khơi mở hàng đầu năm vào mồng 2, 3 Tết. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên trúng đậm cá, tôm... Hy vọng, đây là tín hiệu tốt lành của một năm "thuận buồm, xuôi gió", đánh bắt bội thu, đối với những người đi biển".
Quảng Trị: Ngư dân Vĩnh Thái trúng đậm cá trích đầu năm
Ông Trần Văn Thận, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngư dân trên đã đồng loạt ra khơi đánh bắt, với các loại cá như: cá lẹp, cá trích, mực... và thu lãi cao.
Được biết, mấy ngày nay, ngư dân Vĩnh Thái trúng đậm cá trích, bình quân một đêm, mỗi thuyền đánh bắt được 1 - 3 tạ cá trích. Đặc biệt, thuyền của ông Nguyễn Đình Hùng, thôn Tân Hòa, ông Nguyễn Tất Lĩnh, thôn Tân Mạch, đánh bắt được 4 - 7 tạ mỗi chuyến.
Ngư dân gỡ cá trích đánh bắt được
Ước tính, sản lượng cá trích đánh bắt toàn xã đạt khoảng 20 tấn. Với giá bán tại thuyền 10 - 12.000 đồng/kg, đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho ngư dân trong những chuyến biển đầu Xuân mới. Đây là nguồn thu lớn đối với người dân ven biển, đặc biệt là vùng bãi ngang.
Nghệ An: Ngư dân ven biển thất thu từ nuôi hàu
Năm nay, người dân ven biển Quỳnh Lưu, buồn vì mất mùa hàu. Nguyên nhân ban đầu do ô nhiễm nguồn nước, và loại vẹm đen bám vào, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hàu.
Hàu mất mùa, mỗi hộ chỉ được 2 - 3 triệu đồng. Ảnh: Việt Hùng
Thôn Tân An, xã An Hòa là nơi nuôi hàu dưới sông ngập mặn nhiều nhất ở Quỳnh Lưu. Nghề này có từ lâu đời và nhờ nuôi hàu, nhiều gia đình đã có cuộc sống khá hơn. Song, thời điểm này, hàng chục hộ nuôi hàu lại thất vọng vì mất mùa.
Ăn Tết xong, chị Nguyễn Thị Linh ra sông thu hoạch hàu, những năm trước, cứ 1 lần ra bè vớt lên rồi tách gỡ được khoảng 7 - 9 kg ruột hàu, nhưng nay do mất mùa, nên chỉ được 3 - 4 kg (mỗi lần thu hoạch cách nhau 7 - 10 ngày).
"Gia đình nuôi 5 bè, hơn 2.000 xâu hàu, những năm được mùa, mỗi bè thu nhập trên 10 triệu đồng; năm nay không riêng tôi, nhiều hộ cũng không có hàu thu hoạch, nếu có thì chỉ vài kg" - chị Linh nói.
Toàn xã An Hòa có khoảng 40 hộ làm nghề nuôi hàu, với hơn 200 bè. Thời gian thu hoạch, từ tháng 2 - 5 và từ tháng 10 - 12 DL; sau khi gỡ ruột hàu, người dân tập kết vỏ hàu lại thành chùm rồi tiếp tục thả xuống sông. Sau 10 - 12 tháng nuôi, chúng sẽ được vớt lên để thu hoạch tiếp.
Các hộ cho biết, trong 2 năm trở lại đây, nghề nuôi hàu trở nên khó khăn, vì không đạt năng suất. Trong số hơn 40 hộ nuôi, chỉ có khoảng 20 hộ có thu hoạch, nhưng sản lượng rất thấp; bình quân 1 đợt thu hoạch, hộ nhiều chỉ 2 - 3 kg ruột.
Do mất mùa, nên giá hàu cao kỷ lục, 200 - 220.000 đồng/kg, gấp đôi so các năm trước.
Theo ông Lê Xuân Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa, thời gian qua, các hộ làm bè chắc chắn để nuôi. Nghề này không đòi hỏi đầu tư nhiều, nhưng nếu được mùa thì giá trị rất cao. Song, năm nay, sản lượng hàu đạt thấp, không đủ cung cấp ra thị trường.
Qua kiểm tra, đánh giá, nguyên nhân khiến hàu không đạt năng suất, một phần do ô nhiễm nguồn nước. Cùng với đó, xuất hiện loại vẹm đen bám vào, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của hàu, giảm cả năng suất và chất lượng.
Vì vậy, địa phương tuyên truyền bà con tiếp tục bám nghề, có phương án xử lý vẹm đen, đồng thời thay đổi cách nuôi để đạt hiệu quả hơn" - ông Quyết cho biết thêm.
Nghề cá Việt Nam ngày càng hiện đại, ngư dân đánh bắt hợp pháp; trúng đậm lộc biển đầu năm; mất mùa hàu, là tin tuần tại nhiều địa phương
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…