Bộ NN&PTNT đã đưa quy định nghiêm ngặt, liên quan đến điều kiện vận chuyển cá tra từ nơi nuôi đến cơ sở giết mổ, chế biến.
Để đáp ứng điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang thị trường Hoa Kỳ, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định về Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Chương trình kiểm soát có hiệu lực từ ngày 1/9 năm nay.
Theo quy định trong Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, để tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này sau thời gian chuyển tiếp đến hết 31/8 năm nay, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải cung cấp cho Cơ quan Kiểm tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ các tài liệu chứng minh sự tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm với Hoa Kỳ cùng với việc trả lời Bản câu hỏi đánh giá tương đương mà phía Hoa Kỳ đưa ra.
Quy trình nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ được giám sát chặt chẽ. (Ảnh minh họa: KT) |
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, ngoài những quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, tiêu thụ cá tra được Bộ NN&PTNT quy định trước đây, để đánh giá tương đương với quy định của Hoa Kỳ, Bộ đã đưa quy định liên quan đến điều kiện vận chuyển cá từ chỗ nuôi đến cơ sở giết mổ, chế biến.
Quy định cũng liên quan đến kiểm tra viên giám sát tại các cơ sở giết mổ, chế biến cũng như các quy định về ghi nhãn, kiểm tra cấp chứng thư cho lô hàng cá da trơn xuất khẩu.
Trong trường hợp có lô hàng bị cảnh báo chính thức từ cơ quan thẩm quyền phía Hoa Kỳ, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản sẽ yêu cầu cơ sở chế biến lô hàng thực hiện truy xuất nguồn gốc lô hàng, tổ chức điều tra nguyên nhân dẫn đến lô hàng không đảm bảo yêu cầu. Đồng thời sẽ tạm dừng xuất khẩu sản phẩm cá da trơn sang Hoa Kỳ của cơ sở này.
Cũng theo ông Tiệp, các doanh nghiệp chế biến để duy trì xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải tiếp tục nâng cấp hệ thống đảm bảo chất lượng, đảm bảo sản phẩm không tồn dư vi sinh vật cũng như tồn dư hóa chất kháng sinh. Đồng thời có chương trình giám sát các vùng nguyên liệu dự kiến thu mua chế biến xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
“Đối với khu vực nuôi phải kiểm soát chặt chẽ các vật tư đầu vào như thuốc thú y, sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, con giống đảm bảo những yếu tố đầu vào được kiểm soát chặt chẽ không bị lạm dụng trong quá trình nuôi, tránh tình trạng khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ sản phẩm bị trả lại vừa thiệt hại cho doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm”, ông Tiệp lưu ý.
Theo Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, sản phẩm cá da trơn xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ được kiểm soát chặt chẽ các khâu từ công đoạn nuôi, thu hoạch, vận chuyển cá tới cơ sở chế biến, chế biến và xuất khẩu.
Sản phẩm phải đảm bảo yêu cầu liên quan đến 85 chỉ tiêu về về thuốc thú y, 106 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, 4 chỉ tiêu về thuốc nhuộm, 17 chỉ tiêu về kim loại, 8 chỉ tiêu về vi sinh, hóa học... dựa theo những chỉ tiêu mà phía Hoa Kỳ đã đưa ra./.
Theo Minh Long/VOV
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.