Các chỉ số xuất khẩu gạo trong tháng 3 đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, về số lượng tăng 18,64%, trị giá FOB tăng 20,45%, trị giá CIF tăng 18,77%, giá bình quân tăng 6,04 USD/tấn.
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu tháng 03/2016 đạt 570.055 tấn, trị giá FOB 229,448 triệu USD, trị giá CIF 239,832 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 402,5 USD/tấn, tăng 29,72%, trị giá FOB tăng 28,9%, trị giá CIF tăng 26,04%, giá bình quân giảm2,57 USD/tấn so với tháng 2.
Theo đó, lũy kế xuất khẩu 03 tháng/2016: Số lượng 1,426 triệu tấn, trị giá FOB 577,282 triệu USD, trị giá CIF 611,527 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân FOB đạt 404,75 USD/tấn. Trong đó, hợp đồng tập trung chiếm 51,43% và hợp đồng thương mại chiếm 48,57%.
Theo VFA lũy kế xuất khẩu gạo trong tháng 3 là 1,426 triệu tấn
Đại diện VFA cho biết, xuất khẩu tháng 03 vượt kế hoạch đề ra là 500 ngàn tấn, cao hơn tháng 02 và nhất là cao hơn cùng kỳ năm trước đáng kể. Lũy kế 03 tháng cao hơn năm trước gần 58% và cũng ở mức cao so với bình quân xuất khẩu trong quý 1 các năm. Nguyên nhân do hợp đồng gối đầu chuyển sang từ năm 2015 còn nhiều, đặc biệt là hợp đồng G-to-G với Indonesia, Philippines và hợp đồng thương mại ký mới với Trung Quốc. Tình hình này rất tích cực, so với đầu năm 2015 thiếu hợp đồng gối đầu từ năm 2014 và hợp đồng ký mới cũng hạn chế.
Gạo chất lượng trung bình tăng nhiều nhất do tăng xuất khẩu cho Indonesia; gạo cấp thấp cũng tăng mạnh do xuất khẩu cho Philippines; gạo thơm tăng nhiều do tăng xuất khẩu vào châu Phi và Trung Quốc; gạo trắng cao cấp cũng tăng đáng kể do tăng xuất khẩu vào Cuba và Indonesia; Nếp tăng đột biến do nhu cầu trở lại mạnh mẽ từ Trung Quốc; riêng gạo Japonica cũng có sự tăng trưởng mạnh trên 51% mặc dầu còn chiếm tỷ trọng nhỏ
Mặc dầu giá chào gạo trắng ở mức cao so với các nguồn cung cấp khác, nhưng số lượng hợp đồng ký mới vẫn ổn định do phần lớn là gạo thơm và nếp, riêng gạo trắng còn hợp đồng với Cuba đã ký trước.
Được biết, giá gạo giao dịch trên thị trường đã tăng mạnh từ cuối năm 2015 đến đầu tháng 01/2016, ở mức 375 USD/tấn loại 5% tấm, cao hơn giá gạo Thái Lan khoảng 30 USD/tấn, nhưng thấp hơn mức 390 USD/tấn trong tháng 01/2015, do mặt bằng giá lúa gạo trong nước tăng, xuất phát từ nguồn cung hạn chế và nhu cầu thực hiện các hợp đồng tập trung. Tuy nhiên giá giảm dần và dao động trong khoảng 355-360 USD/tấn đến cuối tháng 2/2016, thấp hơn giá gạo Thái Lan một ít do vào thu hoạch vụ Đông Xuân. Giá trong tháng 3 tăng trở lại mức 375 đến 380 USD/tấn và cao hơn giá Thái Lan do giá trong nước tăng, xuất phát từ nhu cầu giao hàng các hợp đồng đã ký còn nhiều và đặc biệt là tác động do hạn hán và xâm nhập mặn làm giảm sản lượng. Hiện nay giá gạo giao dịch có chiều hướng giảm do nhu cầu mới chưa rõ nét và nhìn chung phụ thuộc vào giá lúa gạo trong nước.
Giá lúa gạo trong nước cũng tăng mạnh vào cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 do cuối vụ, giảm thu hoạch và nhất là tác động của nhu cầu giao hàng hợp đồng tập trung 01 triệu tấn gạo với Indonesia từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2016. Giá gạo trong nước tăng mạnh đã đẩy giá giao dịch xuất khẩu lên mức cao hơn giá thị trường thương mại. Giá lúa gạo giảm nhẹ vào cuối tháng 01 nhưng tăng lại vào cuối tháng 02 và trong tháng 3, mặc dầu đang vào thu hoạch chính vụ Đông Xuân và không có kế hoạch mua tạm trữ như các năm trước, do còn thực hiện các hợp đồng cũ và nhu cầu mới từ Trung Quốc, kết hợp với dự báo sản lượng sút giảm do tác động của hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh ven biển.
Trong tháng 3 giá lúa tại ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long: Lúa hạt dài giá thấp nhất là 5.150 đ/kg, cao nhất là 5.350 đ/kg, giá bình quân là 5.275 đ/kg. Lúa thường giá thấp nhất là 4.850 đ/kg, cao nhất là 4.950 đ/kg, giá bình quân là 4.900 đ/kg.
Trong khi đó, giá lúa khô tại doanh nghiệp: Lúa hạt dài giá thấp nhất là 5.800 đ/kg, giá cao nhất là 6.000 đ/kg, giá bình quân là 5.950 đ/kg. Lúa thường giá thấp nhất là 5.400 đ/kg và giá cao nhất là 5.600 đ/kg, giá bình quân là 5.550 đ/kg.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sản lượng gạo toàn cầu 2015-2016 được điều chỉnh tăng nhưng vẫn giảm so với năm 2013-14 và 2014-15, trong khi tiêu thụ tăng liên tiếp và ở mức cao hơn sản lượng, do đó tồn kho cuối kỳ giảm mạnh và tỷ lệ tồn kho so với tiêu thụ cũng giảm thấp hơn mức bình thường. Tuy nhiên dự báo thương mại gạo cũng giảm gần 1 triệu tấn so với năm trước.
Theo số liệu TRT xuất khẩu cập nhật tích lũy 5 nước lớn đến nay là 9,550 triệu tấn, giảm 0,25% so với cùng kỳ, trong đó Thái Lan dẫn đầu 2,843 triệu tấn, tăng 19,65%; Ấn Độ 2,433 triệu tấn, giảm trên 31%; Việt Nam 1,9 triệu tấn, tăng 38% (số liệu của Hiệp hội là 1,426 triệu tấn); Pakistan 1,515 triệu tấn, tăng 17,72%; Mỹ 0,836 triệu tấn, giảm 13,74%.
Tình hình thị trường gạo thế giới vẫn còn trong tình trạng suy yếu mặc dầu có nhiều quan ngại về khô hạn ở Đông Nam Á, làm giá ở một số nguồn cung cấp gia tăng, nhưng thị trường vẫn chưa có động lực mới vì nhập khẩu chính phủ còn miễn cưỡng trong khi nhu cầu Trung Quốc cho thấy có sự điều chỉnh. Tình hình cung cấp thể hiện sự sút giảm nhưng nhu cầu vẫn trầm lắng. Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) trích dẫn dữ liệu USDA cho rằng tồn kho gạo của 5 nước xuất khẩu chính đã chạm đỉnh năm 2013 gần 41 triệu tấn, nhưng hiện đang có sự rút giảm lớn nhất trong năm nay đến 40% so với năm trước xuống còn 19 triệu tấn, đối diện với tình hình cung cấp căng thẳng lần đầu kể từ 2007-2008. Các yếu tố chính chi phối thị trường gạo trong thời gian tới như sau:
Ấn Độ, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã sút giảm đáng kể từ đầu năm thị trường 2015/16 do nhu cầu yếu từ các thị trường truyền thống. Một phần cũng do Tổng công ty Lương thực Ấn Độ thu mua vượt mức chỉ tiêu 30 triệu tấn, làm giá nội địa cao, thiếu cạnh tranh. Mặc dầu dự báo vụ mùa 2015/16 sẽ giảm từ mức 105,48 triệu tấn còn 103 triệu tấn sau khi đánh giá vụ 2 giảm sản lượng, nhưng tồn kho nhiều và xuất khẩu đang giảm nên sẽ không ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu, chủ yếu là nhu cầu thị trường, đặc biệt là châu Phi với sự hạn chế nhập khẩu của Nigeria, ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu gạo đồ của Ấn Độ. Châu Phi là thị trường chính của Ấn Độ, chiếm khoảng 70% xuất khẩu gạo non-basmati của nước này.
Thái Lan, bên cạnh kế hoạch giảm sản lượng, đối phó với hạn hán, chính phủ Thái tập trung bán gạo tồn kho và tăng cường xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao ở các thị trường trọng điểm gồm có Hongkong, Singapore, Trung Quốc và Mỹ. Để thực hiện thành công chiến lược thị trường này, Bộ Thương mại tập trung phối hợp với khu vực xuất khẩu tư nhân mở rộng thị trường và khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất gạo chất lượng cao và đặc sản.
Bộ Thương mại Thái lên kế hoạch tăng thị phần Hồng Kông từ 57% lên 65%, 200 ngàn tấn, trong năm 2016 và 300 ngàn tấn trong vài năm tới. Ngoài ra, Bộ Thương mại Thái Lan cũng tăng cường cạnh tranh, mở rộng thị phần qua các hợp đồng chính phủ với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, đấu thầu bán gạo cũ tồn kho giá rẻ cho các thương nhân xuất khẩu sang các nước châu phi có nhu cầu, gồm có Angola, Cameroon và Mozambique.
Pakistan, là nguồn cung cấp cạnh tranh nhất hiện nay và đang thu hút nhu cầu từ Trung Quốc và châu Phi. Vừa qua, phái đoàn của Pakistan đã thăm Trung Quốc và làm việc với COFCO, Hiệp hội Lương thực Thẩm Quyến, Quảng Châu, Phòng thương mại và các nhà nhập khẩu gạo lớn của Trung Quốc để xúc tiến thương mại gạo, đã để lại những yếu tố tích cực mặc dầu kết quả cụ thể hạn chế. Giá gạo Pakistan chỉ cao hơn giá gạo cũ Thái Lan một ít và có xu hướng tăng cho đến khi thu hoạch vụ mới vào tháng 8 và 9 và nhắm vào các thị trường chính gồm có Trung Quốc, Malaysia, Đông và Tây Phi.
Campuchia, nhóm hoạt động trong Liên đoàn gạo Campuchia đã báo cáo và đề nghị kế hoạch 9 điểm để giải quyết những vấn đề đe dọa đến ngành gạo Campuchia, trong đó các vấn đề lớn là giá thành sản xuất cao, tiền điện chế biến cao, thiếu nguồn tài chính để mua và dự trữ lúa, cạnh tranh của gạo nhập khẩu lậu từ các nước láng giềng. Chính phủ đã đồng ý cắt bỏ thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị xay xát gạo và tăng cường kiểm tra biên giới để ngăn chặn nhập khẩu gạo lậu, nhưng chưa có thỏa thuận về khoảng 250 triệu tín dụng mềm được đề nghị bởi nhóm CRISIS (chiến lược thực hiện duy trì ngành gạo Campuchia).
Việt Nam, xuất khẩu quí 1/2016 tăng mạnh so với năm trước và ở mức cao so với trung bình nhiều năm, tuy nhiên giá gạo cũng đang ở mức cao nhất so với các nguồn cung cấp khác trong khu vực châu Á, nguyên nhân được cho là do nhu cầu thực hiện các hợp đồng đã ký trước và tác động của hạn hán, xâm nhập mặn làm giảm sản lượng. Do đó thiếu cạnh tranh và có thể mất thị phần đối với nhu cầu mới trong thời gian tới. Việt Nam cần xem xét lại cân đối cung cầu vì đây là nguyên nhân chính tác động giá gạo trên thị trường. Giải thích hợp đồng ký mới còn nhiều trong lúc giá thiếu cạnh tranh là do tăng xuất khẩu gạo thơm và nếp, trong khi các loại gạo trắng cung cấp hạn chế so với nhu cầu nên giá cao, chủ yếu là thực hiện các hợp đồng cũ.
Trong quí 1 xuất khẩu các loại gạo trắng tăng mạnh do thực hiện các hợp đồng tập trung với Indonesia, Philippines và Cuba, riêng loại trung bình và cấp thấp chiếm 42,54%, trong khi diện tích sản xuất các giống thông thường IR50404, OM 576… chỉ chiếm khoảng 25% trong cơ cấu gieo sạ vụ Đông Xuân.
Indonesia, giá thị trường trong nước vẫn ổn định và đang chờ đánh giá vụ mùa sau thu hoạch nên chưa có kế hoạch nhập khẩu.
Philippines, có thông tin sẽ nhập khẩu tiếp 500 ngàn tấn gạo để giảm nhẹ tác động của hạn hán đối với cung cấp lương thực nước này nhưng chưa xác định thời điểm mua thêm. Nhu cầu mới của Philippines sẽ củng cố giá gạo của Thái Lan và Việt Nam, là 02 nguồn cung cấp chính. Tuy nhiên thông tin mới nhất từ Philippines cho rằng kế hoạch nhập khẩu thêm 500 ngàn tấn gạo chưa được xác định vì tiềm năng tăng giá thị trường do hạn hán làm thiệt hại sản xuất khắp Đông Nam Á, nhất là Việt Nam giá cao, có thể làm gián đoạn kế hoạch nhập khẩu này.
Trung Quốc, USDA dự kiến nhập khẩu Trung Quốc năm 2016 tương đương với 2015, khoảng 5 triệu tấn. Trong quí 1, Trung Quốc là người mua lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc tăng trên 50% và hợp đồng đã ký cũng tăng 23%. Tuy nhiên, Trung Quốc đang điều chỉnh nguồn cung do giá gạo Việt Nam cao hơn nơi khác.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT, tính đến ngày 11/04/2016, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Đông Xuân 2015-16 khoảng 1,540 triệu ha/1,560 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch ước khoảng 1,4 triệu ha với năng suất khoảng 6,75 tấn/ha, sản lượng khoảng 9,45 triệu tấn lúa. Vụ Hè Thu xuống giống được 600 ngàn ha/1,6 triệu ha diện tích kế hoạch.
Quang Minh
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…