Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 9 năm 2021 | 15:18

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 8/2021 giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong thời gian giãn cách xã hội tại 19 tỉnh khu vực phía Nam trong hai tháng qua, các hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản bị tác động xấu, điều này kéo theo kết quả xuất khẩu bị ảnh hưởng mạnh.

Chỉ nỗ lực duy trì

Việc sản xuất, chế biến thủy sản "3 tại chỗ" được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện để có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19.

 

xk-thuy-san.jpg
Chế biến cá tra cắt khúc đông lạnh. (Nguồn: TTXVN)

Cũng chính vì vậy, năng suất và chế biến thủy sản không thể hoạt động đúng như công suất thực của nhà máy để đáp ứng các đơn hàng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam của các thị trường Mỹ, châu Âu...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu trong tháng 8/2021 giảm từ 16% đến 50% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc và Nhật Bản giảm 36%, sang thị trường châu Âu giảm 32%, riêng Hà Lan giảm rất mạnh, gần 50%, Đức giảm gần 42%.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 588 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 8/2021 giảm gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 20-33% so với cùng kỳ năm 2020.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại khu vực trọng tâm của thủy sản Việt Nam, chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng, gây khó khăn và áp lực đứt gãy ngày càng tăng đối với cộng đồng doanh nghiệp.

So với tháng 7/2021 (là tháng vẫn duy trì kim ngạch tăng nhờ lượng hàng dự trữ), trong tháng Tám, xuất khẩu giảm 31%, trong đó tôm giảm mạnh nhất (giảm 36%), cá tra giảm 31%, cá ngừ và cá biển khác giảm 25%, mực, bạch tuộc giảm 23%...

Sau một thời gian giãn cách đã đủ dài, nhiều doanh nghiệp cho biết đã đến mức báo động nếu không thể phục hồi sản xuất sớm trước 15/9/2021.

Trong trường hợp doanh nghiệp được trở lại sản xuất bình thường sau khi nới lỏng giãn cách sau 15/9 thì khả năng đáp ứng được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm cũng khá hạn chế, những đơn hàng mới hầu như khó thực hiện.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Phú, thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp cấp bách tạm thời để duy trì sản xuất, chế biến và xuất khẩu.

Trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp chỉ đáp ứng được yêu cầu làm việc 3 tại chỗ cho 1/4 tổng số lao động.

Trong khi đó, các đơn hàng nhập khẩu từ các thị trường vẫn đều đặn, điều này khiến cho kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2021 giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Cần hỗ trợ để vực dậy

Tác động của việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 đối với các doanh nghiệp sẽ còn dài, đặc biệt là đối với ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản bởi đây là một ngành đặc thù, vùng nuôi và nhà máy chế biến cách xa nhau, gặp nhiều trở ngại trong vận chuyển vật tư nông nghiệp, chăm sóc và thu hoạch trong thời gian thực hiện giãn cách.

Theo ông Võ Quan Huy, Chủ tịch Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, muốn thu hoạch tôm mà tránh thất thoát, giữ chất lượng con tôm trước khi đưa vào chế biến, ngành chế biến tôm cần một đội ngũ lao động chuyên nghiệp trong thu hoạch tôm. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, lực lượng lao động này khó tập trung để thu hoạch tôm.

Để có thể tháo gỡ được những khó khăn trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là giúp vực dậy khả năng đáp ứng đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP nhằm hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo Nghị quyết, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm bao gồm: người lao động trong hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm; người lao động trong các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản... nhằm sớm khôi phục sản xuất.

Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, liên thông, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển niêm yết công khai, minh bạch về giá cước vận tải biển; tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng, phạm vi, thời gian được áp dụng chính sách cho phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, hoàn thành trong tháng 9/2021.

Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vaccine” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2021.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam chia sẻ xuất khẩu thủy sản trong 8 tháng năm 2021 đạt hơn 5,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ cần các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, các hợp tác xã sản xuất thủy sản có được các hướng giải quyết về lưu thông, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để vận hành đội ngũ lao động, thu mua nguyên liệu, duy trì việc thả nuôi con giống để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tiêu thụ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ nhanh chóng vực dậy được hiệu quả sản xuất, xuất khẩu như trước thời gian giãn cách xã hội vừa qua.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top