Trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh sản xuất thủy sản trọng điểm thì xuất khẩu thủy sản tháng 10 dự kiến sẽ tiếp tục giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ.
Chế biến cá tra cắt khúc đông lạnh tại nhà máy của Công ty CP Đầu tư phát triển đa quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) tại khu công nghiệp Vàm Cống, huyện huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin xuất khẩu thủy sản trong tháng Chín tiếp tục giảm 23% sau khi đã giảm sâu tới 36% trong tháng Tám. Nguyên nhân là do sản xuất bị thu hẹp trong thời gian các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, nửa đầu tháng 9/2021, hầu hết các tỉnh, thành phía Nam vẫn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều nhà máy chế biến bị gián đoạn hoạt động do không đáp ứng được yêu cầu sản xuất “3 tại chỗ,” khiến xuất khẩu thủy sản của cả nước giảm sâu tới 31% so với cùng kỳ.
Đến nửa cuối tháng Chín, một số tỉnh, thành bắt đầu nới lỏng giãn cách đã giúp phục hồi phần nào hoạt động sản xuất. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 9/2021 đạt trên 628 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tháng Chín, xuất khẩu cá tra và các loại cá biển khác tiếp tục giảm mạnh lần lượt là 36% và 65% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu tôm giảm 21%, cá ngừ giảm 14%, mực bạch tuộc giảm 12%.
Về thị trường, tháng Chín xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã hồi phục với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ đạt 159 triệu USD; trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường khác tiếp tục giảm, giảm mạnh nhất là Trung Quốc, giảm gần 50%, xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Canada, Anh, Australia cũng giảm từ 35-45%, trong khi xuất khẩu sang EU và Nga giảm trên 15%, sang Hàn Quốc giảm 5%.
Tính đến hết tháng 9/2021, xuất khẩu tôm đạt 2,76 tỷ USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ; trong đó, tôm chân trắng tăng 10% đạt 2,14 tỷ USD, ngược lại tôm sú giảm 1,7% đạt 422 triệu USD.
Tính chung 9 tháng, xuất khẩu cá tra tăng 3,2%, đạt trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu cá ngừ vẫn giữ được mức tăng 9% đạt 520 triệu USD trong 3 quý, trong khi xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng nhẹ 2% đạt 404,8 triệu USD.
Sau khi sụt giảm mạnh trong 2 tháng liên tiếp, xuất khẩu các loại cá biển khác tính đến cuối tháng 9/2021 đã giảm gần 5% so với cùng kỳ đạt 1,15 tỷ USD. Như vậy, tính đến hết quý 3/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo phân tích của VASEP, từ giữa tháng Chín trở đi, sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản đã có dấu hiệu hồi phục, nhất là tại các tỉnh trọng điểm chế biến tôm như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh ven biển miền Trung.
Ngành thủy sản kỳ vọng từ tháng 10 sẽ khả quan hơn khi Thành phố Hồ Chí Minh từng bước “mở cửa” cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, các địa phương vẫn “nửa mở nửa đóng” cho thấy chặng đường hồi phục sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn nhiều chông chênh.
Trong trường hợp dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh sản xuất thủy sản trọng điểm thì xuất khẩu thủy sản tháng 10 dự kiến sẽ tiếp tục giảm ít nhất 25% so với cùng kỳ.
Hai tháng cuối năm dù có nỗ lực thích ứng thì khả năng xuất khẩu thủy sản cả năm 2021 khả quan nhất là bằng năm 2020, đạt 8,4 tỷ USD.
Nếu dịch COVID-19 căng thẳng, các địa phương siết chặt hoạt động sản xuất thì kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 sẽ thấp hơn cả năm 2020.
Hệ lụy sẽ còn kéo dài tới năm sau nếu thủy sản Việt Nam mất thị phần tại các thị trường nhập khẩu lớn, trước các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan dù họ cũng đã và đang vừa chống dịch vừa sản xuất.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.