Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 12 năm 2021 | 10:45

4.000 xe hàng 'mắc kẹt' tại cửa khẩu, Trung Quốc lại báo tin xấu

Đang có 4.000 xe hàng chưa thể thông quan tại Lạng Sơn. Phía Trung Quốc lại tiếp tục thông báo tạm dừng tiếp nhận nhập khẩu hàng đông lạnh trong 14 ngày trước và sau Tết.

Tạm ngừng dịch vụ ở cửa khẩu và cảng biển

Ngày 11/12, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, thông báo từ Sở Công thương Lạng Sơn, đến ngày 10/12, hiện có 4.000 xe hàng đang “mắc kẹt” chưa thể thông quan tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, các bãi tập kết xe đã đầy kín.

Theo ông Hòa, tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, năng lực thông quan giảm 50% so với trước đây, khoảng 220/ngày (trước là 450 xe/ngày). Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình 500 xe/ngày. Riêng với hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít mất 10-14 ngày 1 xe mới được thông quan. Tại cửa khẩu Móng Cái, 1 ngày có 40- 50 xe được thông quan (trung bình 1 tuần thông quan được 1 xe).

Tại cửa khẩu Móng Cái, theo thông tin của Ban quản lý cửa khẩu sáng ngày 11/12, các xe thủy sản đông lạnh hiện tồn là 800 xe (cá ba sa, tôm đông lạnh…) và 300 công hoa quả. Riêng đối với sản phẩm thủy sản tươi sống vẫn thông quan thuận lợi.

Ngoài vấn đề xe nông sản đang ùn ứ do chưa thể thông quan, mới đây đã có thông tin phía Trung Quốc thông báo tạm dừng việc tiếp nhận nhập khẩu hàng đông lạnh trong 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022 qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.

4.000 xe hàng 'mắc kẹt' tại cửa khẩu, Trung Quốc lại báo tin xấu

Trung Quốc kiểm soát chặt Covid-19, hàng nghìn xe nông sản xuất khẩu đang ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn (ảnh: Phạm Công)

 

 

Tại báo cáo kết quả trao đổi hội đàm với Đoàn công tác của Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) ngày 25/11 do Ban Quản lý KKT cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn chủ trì có nội dung: “Theo yêu cầu của cấp trên, toàn bộ lái xe, nhân viên, đại lý hải quan và các lực lượng chức năng phía Quảng Châu (Trung Quốc) phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 định kỳ 2 ngày/lần, phải sinh hoạt tại khu vực cửa khẩu và các lực lượng trực tiếp kiểm soát đối với hàng đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam phải cách ly 21 ngày trước khi trở về khu vực nội địa.

Do đó, đề nghị phía Việt Nam động viên các doanh nghiệp và thực hiện không cho xe đông lạnh xuất sang Trung Quốc trước và sau dịp Tết Nguyên đán truyền thống sắp tới để cán bộ phía Trung Quốc được về ăn Tết với gia đình”.

Cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực tế phía Trung Quốc đã nhiều lần thông báo về các biện pháp thắt chặt kiểm soát dịch bệnh, trong đó còn hạn chế nhập khẩu đối với tất cả các mặt hàng được vận chuyển bằng container lạnh. Việc phía Trung Quốc tạm dừng việc tiếp nhận nhập khẩu hàng nông thuỷ sản đông lạnh trong 14 ngày ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Trước đó, trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng thông tin về việc xuất nhập khẩu hàng hoá qua các cảng miền Nam Trung Quốc sẽ bị gián đoạn 6 tuần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022.

Nguyên nhân là do dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, Trung Quốc lại theo đuổi chế độ “Zero Covid” nên không chỉ kiểm soát chặt hàng hoá xuất nhập khẩu mà người nhập cảnh cũng phải kiểm tra. Các thuỷ thủ sẽ phải về cảng đều phải cách ly 3 tuần. Sau khi về quê nghỉ Tết lên, họ tiếp tục cách ly 3 tuần. Theo đó, các hãng khai thác tàu quyết định nghỉ Tết Âm lịch 6 tuần.

Như vậy, việc nhập hàng hay chở hàng trung chuyển qua các cảng miền Nam nước này sẽ bị đình trệ. Tức, hàng hoá Việt Nam xuất đi Trung Quốc bằng đường biển vào dịp Tết Nguyên đán có thể bị từ chối, hoặc không có nhập cảng được trong vòng 6 tuần đó, ông Nguyên nhấn mạnh.

Tìm cách tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản

Trung Quốc hiện đang là khách hàng lớn thứ 2 của nông sản Việt xuất khẩu. 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 8,4 tỷ USD. Trong đó, rau quả xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 23,3% tỷ trọng kim ngạch.

Dịp cuối năm là thời kỳ cao điểm xuất khẩu nông sản Việt sang thị trường Trung Quốc. Song, việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19, cộng với tạm dừng dịch vụ ở cửa khẩu và cảng biển trong dịp Tết Nguyên đán 2022 khiến nông sản Việt được dự báo sẽ gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường này.

4.000 xe hàng 'mắc kẹt' tại cửa khẩu, Trung Quốc lại báo tin xấu

Cuối năm nhiều loại trái cây vào vụ thu hoạch rộ, song dự báo tiêu thụ sẽ gặp khó khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu (ảnh: TL)

 

 

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong tháng 12/2021, chỉ riêng trái cây sản lượng thu hoạch của cả nước đạt khoảng 700 nghìn tấn. Tính đến Tết Nguyên đán 2022, sản lượng lên tới 1,7 triệu tấn.

Trong quý 1/2022, công tác tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả của các tỉnh phía Nam có thể gặp phải một số khó khăn, do Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc của các thị trường xuất khẩu ngày càng cao, đặc biệt Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp kiểm tra dịch bệnh, điều này có thể làm chậm tiến độ xuất khẩu, gây ùn ứ tại cửa khẩu, ông Tùng nhận định.

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng, nông sản Việt, đặc biệt là mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn. Bởi, khi không xuất được bằng đường biển thì sẽ chuyển qua đường bộ. Lúc đó tạo áp lực lớn lên các cửa khẩu, cảnh ùn ứ sẽ nghiêm trọng hơn thời điểm bây giờ.

Trước thực trạng trên, ông Nguyên khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp phải có phương án tiêu thụ nông sản nói chung và trái cây nói riêng. Trước mắt, ông đề nghị đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, trong đó tăng cường bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản mới đây cũng đã có văn bản gửi tới các địa phương, có phương án cân đối lại, chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh, kết nối thông tin với Sở Công thương Lạng Sơn cập nhật thông tin tiến độ thông quan, để giảm thiểu những rủi ro, chi phí... cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, Cục Hải quan Lạng Sơn đề xuất Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính và các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố biết để tiếp tục đàm phán cấp cao với phía Trung Quốc chủ động điều tiết hợp lý lượng hàng hóa xuất khẩu lên cửa khẩu, tránh tồn đọng, ách tắc tại cửa khẩu dẫn đến thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp.

Có ý kiến với Hải quan Trung Quốc về nội dung tạm dừng việc tiếp nhận nhập khẩu hàng đông lạnh từ phía Việt Nam trước và sau Tết Nguyên đán 14 ngày và đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ tiếp giáp Việt Nam – Trung Quốc.

 

Tâm An/Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top