Làm được mục tiêu trên, người dân tăng cơ hội sản xuất và sử dụng gạo sạch, gạo xuất khẩu của Việt Nam thêm uy tín và tăng giá trị chứ không chỉ chạy theo số lượng như thời gian qua. Vấn đề là vốn và mô hình cụ thể để đảm bảo có gạo chất lượng.
Trong khi gạo xuất khẩu qua Nhật đạt 1.200 USD/tấn, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, 8 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỉ USD, tăng hơn 8%. Tuy nhiên, giá xuất khẩu gạo giảm, bình quân chỉ khoảng 487 USD/tấn. Với khả năng xuất khẩu 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu gạo cả năm đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỉ USD.
Nông dân thu hoạch lúa hè thu chất lượng cao tại tỉnh An Giang - Ảnh: CHÍ QUỐC
Lôi kéo doanh nghiệp tham gia
Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo dự thảo ban đầu của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) mà Tuổi Trẻ có được, khoảng 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được trồng tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang và một phần Kiên Giang, Cần Thơ…
Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết đây là những vùng thuận lợi để phát triển lúa chất lượng cao, ít chịu tác động của hạn mặn và biến đổi khí hậu. Vùng này hệ thống thủy lợi cơ bản và có ưu thế vận chuyển bằng đường thủy.
Theo ông Cường, mục tiêu đề án làm sao để nâng tầm ngành lúa gạo Việt Nam. Do đó đề án cần có những chính sách đủ mạnh để lôi kéo doanh nghiệp tham gia, nếu không đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao chỉ để trình cho vui.
Cần cánh đồng lớn trên 1.000 ha
Ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, ủng hộ và đề nghị đề án cần có chính sách rõ ràng của các cơ quan quản lý để từ đó hình thành các liên kết vững chắc của chuỗi giá trị lúa gạo. Theo ông Thuận, đề án cần hình thành các cánh đồng lớn với quy mô tối thiểu 1.000ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để có thể tổ chức sản xuất đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc. Cánh đồng lớn cũng giúp công tác cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ và qua đó tăng năng suất lao động, góp phần giảm giá thành.
Ông Thuận cũng cho rằng hiện thị trường xuất khẩu chấp nhận gạo Việt Nam theo 3 phân khúc: gạo trắng hạt dài, gạo thơm hạt dài, gạo tròn hạt ngắn. Do đó cần chuẩn hóa từ 3-4 giống lúa chính và dự phòng 3-5 giống để đảm bảo cung ứng liên tục và chất lượng giống.
Để đẩy nhanh cũng như giúp đề án thành công, theo ông Thuận, phải có cơ chế cung cấp tín dụng canh tác cho nông dân, trong đó các doanh nghiệp phải bảo lãnh được nguồn tín dụng này thông qua việc thu mua nông sản và cấn trừ công nợ ngân hàng. Với trồng lúa, hạn mức tín dụng cả Việt Nam chỉ cần có khoảng 60.000 tỉ đồng/vụ. Hạn mức tín dụng này, nếu được quy hoạch rõ, thì sẽ giúp sản xuất nông nghiệp được ổn định.
Ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - nhấn mạnh đề án cần xác định tiêu chí lúa chất lượng cao là phải thơm, ngon, đặc biệt là an toàn (không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật)...
Cho rằng nếu để nông dân hoặc hợp tác xã tự làm thì mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao khó thành hiện thực, theo ông Bình, phải có một mô hình liên kết: doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đây là mô hình hữu hiệu đã được thực hiện 10 năm qua. Tuy nhiên, ông Bình cho biết để nhân rộng ra, doanh nghiệp đang gặp khó do thiếu nguồn lực tài chính. Do đó đề án cần phải có chính sách cho doanh nghiệp vay vốn để cung ứng đầu vào, thu mua lúa chín, đầu tư máy sấy…
Một giảng viên khoa kinh tế nông nghiệp của Trường ĐH Cần Thơ nhìn nhận việc Bộ NN&PTNT cảnh báo đất có diện tích bị xâm nhiễm mặn, bị nhiễm mặn ở ĐBSCL ngày càng có nhiều biến động là một trong những trở ngại cho việc thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.
Rất cần chính sách đột phá
Ông Nguyễn Trí Ngọc, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đánh giá việc triển khai trồng 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL là một chủ trương đúng để phát triển, nâng tầm ngành lúa gạo. Nhưng để người trồng lúa yên tâm với nghề sản xuất lúa chất lượng cao, việc đầu tiên là xây dựng quy hoạch một cách bài bản, gắn với thị trường cả trong và ngoài nước.
Ông Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN&PTNT, nhấn mạnh phải bắt đầu từ ai làm, ai đầu tư? "Người trồng lúa rõ ràng vẫn là nông dân, còn người chế biến, thu mua lúa cần có một hệ thống các chủ thể mới. Do đó, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phải tập trung vào vai trò của tổ chức thể chế" - ông Sơn nói và cho rằng đề án phải hình thành được một hệ sinh thái các tổ chức sản xuất - kinh doanh, trong đó đi đầu là doanh nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại).
Tiếp theo các hộ nông dân nhỏ lẻ phải liên kết lại thành các hợp tác xã. Từ đó, sẽ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, áp dụng máy móc hiện đại, áp các quy chuẩn kỹ thuật đồng bộ. Không nhất thiết phải sản xuất theo VietGap, Globalgap mà quan trọng là sản xuất theo tiêu chuẩn yêu cầu của từng thị trường...
"Phải giảm khâu trung gian, thương lái để hợp tác xã là người thay thế lo chuyện đầu vào vật tư, giống, máy móc, dịch vụ kỹ thuật, thu mua lúa đúng chất lượng cho doanh nghiệp" - ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, đề án này cũng rất cần chính sách tạo đột phá cho hợp tác xã, nâng năng lực của đội ngũ này, bởi từ trước đến nay hợp tác xã thường thua thương lái cả về thực lực, vốn liếng, thông tin thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Mục tiêu chính là nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL cần nghiên cứu, đánh giá xem giá trị của lúa gạo ở ĐBSCL hiện đang ở đâu và tới đây sẽ nâng lên thế nào. Để làm được điều đó cần có những điều tra, khảo sát, lấy ý kiến cụ thể. Nếu muốn người dân tham gia, chúng ta phải chứng minh được khi họ làm theo đề án, thu nhập của họ sẽ cao hơn. Mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao là nâng cao giá trị, nâng cao thu nhập. Có thể trước mắt làm vài trăm nghìn ha nhưng đâu ra đó, sau đó hướng tới 1 triệu ha. Đề án cũng có thể học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia có thế mạnh, ví dụ như Thái Lan. |
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.