Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 11 năm 2020 | 21:52

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao kỷ lục

Chỉ trong tháng qua, giá gạo xuất khẩu nước ta tăng từ 20 đến 30 USD/tấn so với tháng trước đó. Đây là tín hiệu vui đối với người dân và doanh nghiệp xuất khẩu gạo khi một năm gặp nhiều khó khăn thách thức từ dịch bệnh và thiên tai.

xk-gao.jpg
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng cao kỷ lục.

 

Tuy vẫn tranh thủ bán giá cao hiện nay, nhưng ngành gạo Việt Nam cần theo sát nhu cầu và diễn biến thương mại gạo thế giới để điều chỉnh hợp lý. Theo thống kê của Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) 11 tháng của năm 2020, lượng gạo xuất khẩu của cả nước ước đạt trên 5,35 triệu tấn, thu về gần 2,64 tỷ USD; giá gạo xuất khẩu trung bình đạt gần 494 USD/tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách nông nghiệp cho biết, những con số này cho thấy, hạt gạo Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực về giá, giá trị gia tăng của gạo đã được cải thiện, chất lượng gạo Việt Nam đang tăng cao và được thế giới công nhận.

“Trong thời điểm mà Việt Nam và các nước khác đang chịu ảnh hưởng tác động bởi Covid-19 thì rất nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta bị giảm về mặt thị trường. Tuy nhiên, một trong những mặt hàng điểm sáng là mặt hàng gạo, đặc biệt gần đây giá xuất khẩu gạo của chúng ta tương đối tốt, giá gạo trong nước có sự tăng nhẹ, đấy là một số tín hiệu đáng mừng” - ông Thắng nói.

Nguyên nhân khiến giá gạo tăng bởi nhu cầu dự trữ gạo của các quốc gia nhập khẩu tăng do dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong khi đó, sản lượng lúa gạo của một số nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan giảm hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tăng cao, trong khi nguồn cung gạo thế giới chưa nhiều.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Tuy có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng chúng ta không nên chủ quan, việc sản xuất canh tác trồng lúa cần có quy trình tiêu chuẩn bền vững, có như vậy việc tiêu thụ lúa, gạo làm ra mới không còn tình trạng "nay trồi mai sụt" như trong những năm qua.

“Chúng ta chủ động nhưng không được chủ quan, chúng ta nhìn nhận bối cảnh đại dịch để thấy rằng tình hình thế giới luôn có thay đổi từ biến đổi khí hậu, từ đại dịch, từ yêu cầu thị trường. Đấy là điều chúng ta phải làm quen, từ cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội doanh nghiệp và từ người nông dân” - ông Toản cho biết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu gạo năm 2020 sẽ cán mốc trên 6 triệu tấn. Kỳ vọng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU tiếp tục là đòn bẩy để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường tiềm năng này và dự báo giá bán sẽ còn tăng, ổn định trong năm tới.

Ý kiến bạn đọc
Top