Trong khi giá thức ăn chăn nuôi dự báo sẽ tiếp tục tăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh các giải pháp thức ăn thay thế từ nguyên liệu trong nước để gỡ khó cho người chăn nuôi.
Xung đột Nga và Ukraine làm giảm nguồn cung, đẩy giá nhiều loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao và dự báo còn tiếp tục tăng đến hết năm nay. Kéo theo đó, giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp đã tăng từ 25-40% và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 18/3.
Giá nguyên liệu tăng gần 50%
Từ năm 2015-2020, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước tương đối ổn định, thậm chí có thời điểm giảm dần. Thế nhưng bắt đầu từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đặc biệt, xung đột Nga và Ukraine gần đây đã đẩy giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.
So với cùng kỳ (tháng 3/2021), giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tháng 3/2022 đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc. Mức tăng cao nhất là giá lúa mì đã lên tới 9.850 đồng/kg, tăng tới 49,5%; khô dầu đậu tương là 16.500 đồng/kg, tăng 33,4%; ngô hạt giá là 10.200 đồng/kg, tăng 29,3%; bã ngô giá 10.300 đồng/kg tăng 23,1%.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến giá nguyên liệu vẫn tăng đến hết năm 2022. Thực tế, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8/2022 đã tăng, giá ngô tăng lên 11.000 đồng/kg và giá khô gầu đậu tương tăng lên 17.000 đồng/kg.
Nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô)... để làm thức ăn chăn nuôi.
Ông Tống Xuân Chinh cho biết do giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước cũng tăng theo. Giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng đã tăng 18,4% lên 12.500 đồng/kg, thức ăn cho gà thị lông màu tăng 24,5% lên 13.400 đồng/kg, thức ăn cho gà thịt lông trắng tăng 29,8% lên 14.100 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định giá thức ăn chăn nuôi tăng tương đối cao trong hai năm gần đây. Trước đây giá ngô chỉ khoảng 4.700 đồng/kg thì đến nay đã tăng lên trên dưới 10.000 đồng/kg, đỗ tương trước đây chỉ hơn 8.000 đồng/kg đến giờ đã tăng lên 16.300 đồng/kg… kéo theo đó giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp đã tăng từ 25-40%, điều này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
"Hạ nhiệt" bằng nguyên liệu trong nước
Theo ông Tống Xuân Chinh, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, do đó chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Sở dĩ nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc là do năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, công nghệ sản xuất và quản lý thức ăn chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thủ công.
Dẫn chứng ví dụ về năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước còn hạn chế, ông Tống Xuân Chinh cho biết diện tích trồng ngô làm nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đến nay chỉ đạt 942.00 hecta và thậm chí đang có xu hướng giảm đi.
“Chẳng hạn như tại Sơn La, trước kia đây là địa phương có diện tích trồng ngô số 1 tại miền Bắc nhưng hiện nay do có ưu thế về xuất khẩu hoa quả ra nước ngoài, địa phương này đã chuyển dịch rất nhanh từ diện tích trồng ngô sang trồng hoa quả khiến diện tích trồng ngô đã giảm đi đáng kể,” ông Chinh cho hay.
Không chỉ diện tích trồng ít mà năng suất ngô cũng còn rất thấp. Theo ông Chinh, hiện nay sản phẩm ngô của Việt Nam rất khó cạnh tranh với những sản phẩm nhập khẩu bởi lẽ Mỹ và Brasil, Irasel đều có năng suất trồng ngô cao gấp 2-4 lần so với Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần phải hình thành vùng nguyên liệu để tập trung công nghệ cao, tăng năng suất thì mới có thể giảm bớt phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu.
Trong khi việc nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước để “hạ nhiệt” giá thành thức ăn chăn nuôi sẽ không phải là câu chuyện ngày một ngày hai mà cần có thời gian, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy mạnh triển khai giải pháp tìm thức ăn thay thế để gỡ khó cho người chăn nuôi.
Đại diện Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết việc sử dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám dừa, cám gạo… trong mô hình chăn nuôi lợn tại Tiền Giang, Lào Cai đã giúp giảm giá thành sản phẩm khoảng 3.000-5.000 đồng/kg.
Mô hình chăn nuôi lợn bản địa áp dụng các công thức phối trộn thức ăn từ nguyên liệu tự có tại Nghệ An, Thừa Thiên Huế… cũng đã giúp giảm chi phí thức ăn từ 10-15%/nái/năm so với việc mua thức ăn hỗn hợp.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giá thức ăn chiếm tới 65-70% giá thành trong chăn nuôi. Do đó, trong bối cảnh giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao thì việc ứng dụng công nghệ xây dựng khẩu thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước sẽ là giải pháp giúp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết sau nhiều năm, Viện Chăn nuôi cùng với các đơn vị đã đánh giá giá trị dinh dưỡng các nguyên liệu của địa phương và đưa ra công thức thức ăn, phân tích giá trị thức ăn hỗn hợp với đầy đủ các tiêu chí protein, năng lượng, canxi, phốt pho, vitamin, axit amin… Kết quả nghiên cứu được ứng dụng trên nhiều đối tượng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm…
“Các công thức từ nguyên liệu trong nước đã được nghiên cứu và nghiệm thu. Với cách làm này, giá thức ăn chăn nuôi giảm từ 300-1.000 đồng/kg. Với mức giảm 1.000 đồng/kg, khi mua thức ăn 10.000 đồng/kg sẽ giảm được 10% và tương ứng giá thành chăn nuôi sẽ giảm được 5-7%,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Cục Chăn nuôi, các địa phương cần nhân rộng hơn nữa các công thức xây dựng khẩu phần ăn từ nguyên liệu trong nước trong thời gian tới để gỡ khó cho người chăn nuôi vượt qua giai đoạn giá nguyên liệu nhập khẩu sẽ vẫn tiếp tục có xu hướng tăng cao./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.