Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 12 năm 2023 | 10:1

Hà Tĩnh đánh thức tiềm năng nông nghiệp đa giá trị vùng ven đô

Bằng khát vọng đổi thay, bằng bước đi thận trọng, TP Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) đã và đang khai thác hiệu quả kinh tế nông nghiệp ven đô.

Những vùng đất hoang hóa, bạc màu trước bỏ không nay đã được khoác lên diện mạo mới, người dân ven đô không còn an phận thủ thường, mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần cùng thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Thu tiền tỷ từ vùng đất bỏ hoang

Từ bao đời nay, hình ảnh bông hoa sen đã gắn liền với biểu tượng của TP.Hà Tĩnh. Trái tim của tỉnh Hà Tĩnh còn được gọi bằng cái tên rất thơ: Thành phố Thành Sen.

Theo một lãnh đạo TP.Hà Tĩnh, chính bởi ý nghĩa đó, dự án hình thành một công viên nông nghiệp trong lòng thành phố đã được thai nghén, triển khai. Hiện, diện tích trồng sen chủ yếu đang tận dụng các đầm, hồ bỏ hoang, ngoài tiết kiệm chi phí đầu tư thì việc phát triển, trồng sen còn thay đổi cảnh quan thành phố, tiến tới làm du lịch, dịch vụ tại chỗ, vừa cho ra chuỗi sản phẩm từ sen.

“Đây là hướng đi mới để hình thành các cánh đồng sen trong tương lai, người trồng sen có thể phát triển du lịch tại chỗ, đồng thời thay đổi cảnh quan của TP.Hà Tĩnh đúng với tên gọi Thành Sen. Mở ra hướng mới liên kết, tiến tới xây dựng bộ nhận diện TP, trở thành một khu phức hợp”, vị lãnh đạo này nói.

Nung nấu ý tưởng biến vùng ao, hồ, đầm lầy trở thành những vùng trồng sen, kết nối chuỗi giá trị sản phẩm từ sen, dự án mang tên “Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại TP. Hà Tĩnh” đã được hình thành và triển khai. Với tình yêu dành cho những bông sen, anh Trần Tiến Sỹ, Giám đốc HTX Hào Thành đã quyết tâm theo đuổi dự án này.

Mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch được HTX Sen Hào Thành triển khai từ tháng 5/2021, liên kết với các tổ hợp tác, hộ dân tại địa phương để sản xuất các sản phẩm từ sen. HTX Hào Thành đã trồng thử nghiệm rất nhiều lứa sen. Có những lứa mất trắng do hồ bị ô nhiễm hữu cơ.

Làm nông nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhưng tình yêu với hoa sen, sự tin tưởng vào hướng đi này, sau hơn 2 năm vận hành, đến thời điểm này, HTX Sen Hào Thành đã kết nối với 12 tổ hợp tác, phát triển diện tích trồng sen lên hơn 28ha, tập trung ở xã Đồng Môn với khoảng 12ha; 2 phường Văn Yên, Đại Nài, mỗi phường khoảng 4ha; ngoài ra còn rải rác ở các phường Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Hưng...

Giám đốc HTX Sen Hào Thành Trần Tuấn Sỹ nhẩm tính, bình quân doanh thu đối với trồng sen lấy hạt đạt 120-150 triệu đồng/ha/năm; trồng sen lấy củ trên 300 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ đầu ra sản phẩm đều được HTX bao tiêu, tạo niềm tin cho bà con yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích.

Các sản phẩm từ sen Hào Thành được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Hiện, sản phẩm từ sen của HTX có trà sen đã đạt  OCOP 3 sao, các sản phẩm hạt sen sấy được bày bán, đưa ra thị trường thông qua các cửa hàng nông sản sạch Hà Tĩnh. Sau trà sen, HTX tiếp tục xây dựng sản phẩm rượu sen đạt chuẩn OCOP 3 sao. Mục tiêu của HTX Sen Hào Thành là chế biến sâu các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản chủ lực địa phương. Từ đó, tạo lập hệ sinh thái kinh tế cộng đồng bền vững, đa giá trị, cải tạo cảnh quan môi trường, hướng đến khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần cùng thành phố thúc đẩy phát triển KT-XH”, anh Sỹ chia sẻ.

Từ cuối năm 2021, anh Nguyễn Hữu Quyền, giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Nhật bắt đầu công việc mới của mình bằng cách đầu tư, thuê máy móc, phá bờ vùng, bờ thửa để quy hoạch vùng sản xuất tập trung hữu cơ, nuôi cá (5ha). Mô hình “3 trong 1” ngày càng cho thấy hiệu quả rõ nét khi chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng tăng; quan trọng nhất, khi tham gia sản xuất cùng anh, bà con tiết kiệm tối đa sức lao động nhờ ứng dụng KHKT tiên tiến. Không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh Quyền còn cùng bà con xã viên trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Mô hình của anh Phương, thôn Đông Nam, xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh đang thả nuôi cua đồng, cá chạch sụn, cá diếc, tôm thẻ chân trắng và ốc bươu đen.

Anh Quyền chia sẻ: “Rẽ hướng vào sản xuất nông nghiệp từ nghề xây dựng, tôi đã thực sự có   niềm đam mê mới - nông nghiệp sạch, càng làm lại có thêm nhiều ý tưởng, nhiều hoài bão và kế hoạch mới. Đến nay, sản phẩm của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Lúa hữu cơ được thu mua ngay trên đồng ruộng. Thôn Liên Nhật giờ được nhiều du khách tìm đến. Mong muốn tạo điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp đô thị của tôi dần trở thành hiện thực. Và điều quan trọng hơn là tôi đã góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm những ý tưởng mới, có tính đột phá hơn”.

Khát vọng xanh từ những công viên nông nghiệp

TP Hà Tĩnh hiện có 500ha đất nuôi trồng thủy sản (mặn, lợ và ngọt) cùng hệ thống ao hồ phong phú và gần 500ha trồng cây màu, 1.400ha sản xuất lúa; với địa hình 4 bề giáp sông, gần cửa biển nên thành phố sở hữu hệ sinh thái đa dạng với những vùng đặc trưng như: Thạch Hạ, Đồng Môn thuộc vùng ngập mặn; Thạch Hưng, Đại Nài thuộc vùng bán ngập mặn; Thạch Linh sau khi được ngọt hóa, hình thành những vùng đảo nhỏ... Thêm vào đó, ở các vùng ven đô, người nông dân cũng đã có sự chuyển mình trong tư duy, tạo cơ sở vững chắc để có thể thực hiện những mục tiêu mới trong phát triển kinh tế đô thị.

“Tiềm năng và đặc trưng của các vùng ven đô là cơ sở để có thể quy hoạch, vận hành và thu hút liên kết sản xuất đầu tư, hình thành nên các khu công viên nông nghiệp”, Bí thư Thành ủy thành phố Hà Tĩnh Dương Tất Thắng khẳng định.

Thời gian qua, TP. Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng các dự án nông nghiệp trên tinh thần lấy sự phát triển HTX làm nòng cốt, làm trọng tâm liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, tập trung hỗ trợ người nông dân trong tất cả các khâu từ hình thành các HTX đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giống, kỹ thuật... Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ông Trần Quang Hưng, Trưởng phòng Kinh tế UBND TP. Hà Tĩnh, cho biết: Hiện nay, toàn thành phố có hơn 120ha sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, tích tụ. Trong đó, HTX đóng vai trò trọng tâm, đầu tư và tổ chức sản xuất theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết và từng bước hình thành hệ sinh thái để khai thác nông nghiệp đa giá trị. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hình thành, làm thay đổi diện mạo các khu vực ven thành phố.

Ngoài các mô hình quy mô lớn, thành phố cũng có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả kết hợp rau ngắn ngày. Bên cạnh đó, phát triển các mô hình kinh tế về sinh vật cảnh, cây cảnh…

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top