Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 8 năm 2023 | 10:40

Hòa Bình đồng hành cùng nông dân xây dựng sản phẩm OCOP

Đến nay, Hòa Bình có hơn 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng từ 3 - 4 sao. Sản phẩm OCOP đã khẳng định giá trị, chất lượng trên thị trường, được người tiêu dùng đánh giá cao và ưu tiên sử dụng.

Mặc dù, thời gian qua, Hòa Bình đồng hành cùng nông dân xây dựng sản phẩm OCOP và đạt được nhiều kết quả, song quá trình thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng tới sức lan tỏa của sản phẩm OCOP trên thị trường.

Hưng Thi xây dựng sản phẩm OCOP từ lợi thế địa phương

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xã Hưng Thi (Lạc Thủy) tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực hưởng ứng chương trình, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện, xã đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng sản phẩm mật ong rừng Hưng Thi trở thành sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của xã.    

Anh Phạm Văn Toàn, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An, xã Hưng Thi (Lạc Thủy) kiểm tra quy trình nuôi ong lấy mật của các hộ thành viên. 

Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An có 25 thành viên, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó, hơn 10 hộ thành viên có kinh nghiệm nhiều năm làm nghề nuôi ong lấy mật. Các thành viên HTX duy trì hơn 700 đàn ong mật, trung bình mỗi lần quay đạt sản lượng từ 7 tạ  đến 1 tấn mật. Do ong hút mật hoa rừng tự nhiên theo mùa, hoàn toàn không cho ong ăn thêm đường hay những chất hóa học khác nên chất lượng mật ong đảm bảo, sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Hai năm qua, mật ong đã đem lại doanh thu cho các thành viên nuôi ong của HTX hàng chục triệu đồng.

Anh Phạm Văn Toàn, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An cho biết: Nhận thấy tiềm năng và khả năng phát triển sản phẩm mật ong rừng tại xã Hưng Thi, HTX quyết định đầu tư phát triển sản phẩm mật ong rừng Hưng Thi trở thành sản phẩm OCOP. Để xây dựng sản phẩm, thông qua hỗ trợ của huyện về công nghệ, khoa học kỹ thuật, HTX ban hành quy trình sản xuất chung cho các thành viên, yêu cầu các hộ thành viên cam kết đảm bảo chất lượng mật ong rừng nguyên chất, đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, HTX đã hoàn tất các thủ tục theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, đang trình huyện thẩm định và đánh giá xếp hạng. UBND huyện cũng đã hỗ trợ HTX hoàn thiện việc xây dựng mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. 

Để sản phẩm mật ong rừng Hưng Thi vươn xa ra thị trường, HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Phạm An hướng tới tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến mật ong như máy hạ thủy phần mật ong nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, từng bước xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm. 

Ngoài mật ong rừng, xã Hưng Thi đang xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm tinh dầu sả trở thành sản phẩm OCOP thứ 2 của địa phương. Chia sẻ vấn vấn đề này, đồng chí Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi cho biết: Xác định mục tiêu lớn nhất của Chương trình OCOP là đánh thức lợi thế, thế mạnh của địa phương để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, vì vậy trong kế hoạch thực hiện chương trình, xã đã lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng phát triển, lợi thế sẵn có. Qua đánh giá có 2 sản phẩm là mật ong rừng và tinh dầu sả có tiềm năng phát triển, xuất phát từ lợi thế hơn 70% diện tích đất nông nghiệp của xã là đồi rừng, xã đã có câu lạc bộ nuôi ong mật được thành lập từ nhiều năm nay với các hộ nuôi ong lành nghề và hơn 40 ha trồng sả của người dân trên địa bàn. 

Có tiềm năng, lợi thế, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hưng Thi quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến, thương mại sản phẩm. Theo đồng chí Chủ tịch UBND xã, để khuyến khích các chủ thể phát triển sản phẩm, xã đã phối hợp các phòng, ban của huyện tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP cho hộ nông dân; tập huấn nâng cao năng lực về quản trị cho HTX trên địa bàn; quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, đất sản xuất, mở rộng xưởng sản xuất, chế biến cho các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. 

Dựa vào những nông sản - thế mạnh của địa phương

Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn tích cực triển khai các hoạt động đồng hành, hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) xây dựng sản phẩm OCOP từ những nông sản thế mạnh của địa phương. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, mang lại thu nhập cao cho nông dân.  

Sản phẩm chuối Viba của hợp tác xã chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sau khi được gắn sao sản phẩm OCOP.

Tháng 4/2023, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) huyện Lương Sơn phối hợp HND xã Hòa Sơn tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ HTND cho hội viên. Ông Hoàng Thị Xuân, Chủ tịch HND xã Hòa Sơn cho biết: Đây là nguồn vốn vay từ Quỹ HTND huyện ủy thác cho HND xã để thực hiện dự án chăn nuôi lợn sinh sản tại thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn. Tổng vốn giải ngân 300 triệu đồng, 7 hộ HVND được vay vốn trong 36 tháng đầu tư chăn nuôi. Quá trình thực hiện dự án, HND xã luôn khuyến khích hội viên tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, từng bước hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của xã, huyện.

Nhận thức rõ vai trò của nông dân trong thực hiện Chương trình OCOP, 5 năm qua, các cấp HND huyện Lương Sơn thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ, HVND về chủ trương, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nông nghiệp, cung cấp kiến thức pháp luật, thương mại điện tử, sản xuất sạch… từ đó giúp HVND hiểu rõ, nắm bắt được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình để chủ động tham gia. Tổ chức cho HVND, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, chủ trang trại tham quan, học tập các mô hình sản xuất; trao đổi, học tập kinh nghiệm gắn kết giao thương, tìm kiếm đối tác để xúc tiến các hoạt động liên kết, liên doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Hội tư vấn, hỗ trợ HTX, tổ hợp tác, hộ SXKD các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của địa phương tham gia xây dựng nhãn hiệu, đăng ký sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh. Xây dựng các dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND các cấp để phát triển sản phẩm OCOP cho các nhóm hộ HVND vay. Đến nay, HND huyện quản lý nguồn Quỹ gần 6 tỷ đồng, cho 18 dự án với 154 hộ HVND vay vốn phát triển sản xuất. Các dự án được Hội xây dựng quy mô, bài bản, áp dụng KHKT trong sản xuất, nuôi trồng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước trở thành thương hiệu OCOP bền vững của huyện.

Cùng với đó, Hội chủ động phối hợp các phòng, ban chuyên môn của huyện hỗ trợ HVND đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Trong giai đoạn có 620 hộ HVND có sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử Postmart.vn; các cấp Hội phối hợp hỗ trợ 540.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các nhóm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, OCOP trên địa bàn huyện. Thông qua việc phối hợp xây dựng 2 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, Hội đã liên kết, kết nối với 5 công ty và 3 cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch để tiêu thụ nông sản của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo được chuỗi liên kết bền vững.

Giai đoạn 2018 - 2023, các cấp HND huyện Lương Sơn đã vận động, hướng dẫn thành lập được 13 HTX, 31 tổ hợp tác, 5 chi hội nông dân nghề nghiệp và 46 tổ hội nông dân nghề nghiệp; duy trì, phát triển 121 trang trại tạo việc làm cho trên 750 lao động địa phương. Đồng chí Nguyễn Phùng Chinh, Chủ tịch HND huyện Lương Sơn cho biết: Xác định hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho HVND là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cùng kiến tạo cho hội viên sản xuất, nâng cao thu nhập. Sau khi có chỉ đạo của HND tỉnh về phát triển các sản phẩm OCOP, HND huyện tích cực vào cuộc triển khai, thực hiện. Việc hỗ trợ các chủ thể, HVND xây dựng sản phẩm OCOP của Hội thời gian qua đã có nhiều tác động đến sự phát triển KT-XH ở địa phương; khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế cho HVND. Trong giai đoạn, các cấp Hội đã hỗ trợ 11 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 9 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm 4 sao.

Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp HND huyện Lương Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, HVND tham gia thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình OCOP; khai thác các nguồn lực giúp HVND phát triển SXKD, dịch vụ theo hướng hàng hóa; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả đề án "HND các cấp làm nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị; xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP giai đoạn 2022 - 2025”...

Hỗ trợ, kích hoạt trên 141.000 tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản, sản phẩm OCOP

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay, các sản phẩm nông sản chất lượng, sản phẩm OCOP tiếp tục được quảng bá trên Cổng thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm: https://hb.check.net.vn với 77 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và 360 sản phẩm tham gia.

Cán bộ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh hỗ trợ, kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc cho HTX nông sản xanh Kim Bôi.

Thông qua hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, có 22 doanh nghiệp, HTX trong tỉnh được tham gia gian hàng tại "Chương trình Tự hào nông sản Việt" diễn ra tại phố đi bộ Hồ Gươm, phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) và Chương trình Festival nông sản Hà Nội lần 2 năm 2023.

Trong 7 tháng năm nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã hỗ trợ, kích hoạt 141.200 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm đưa ra thị trường cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản và sản phẩm OCOP, gồm: HTX thương mại và dịch vụ Nhật Minh; HTX 3T nông sản Cao Phong; HTX Hà Phong, HTX nông sản xanh Kim Bôi; Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng Hòa Bình; Công ty TNHH MTV Thương Hảo. Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi và xác minh nguồn gốc của sản phẩm từ quá trình sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Nhiều khó khăn, hạn chế

Theo ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP còn những khó khăn, hạn chế như: Đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ thực hiện chương trình cấp tỉnh, huyện, xã hoạt động kiêm nhiệm nên chưa có nhiều thời gian cho phát triển các sản phẩm OCOP. Có lúc, có nơi chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thật sự vào cuộc cùng các tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng nên cộng đồng chưa biết và hiểu được lợi ích của chương trình đem lại. Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho hoạt động của chương trình nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách T.Ư, địa phương hạn chế. Do đó, các tổ chức kinh tế chưa tiếp cận được nhiều nguồn lực nên kinh phí dành cho nhà xưởng, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh hạn chế, dẫn đến năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa cao.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.

Mặc dù được thực hiện từ năm 2018, tuy nhiên đến nay, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nắm được thông tin về Chương trình OCOP rất ít. Một số chủ thể chưa nắm rõ các quy định, thủ tục, lợi ích khi tham gia chương trình. Nhiều chủ thể có tâm lý e ngại, thờ ơ khi tiếp cận chương trình do mất thời gian, chi phí đầu tư; sản phẩm phải thiết kế lại nhãn mác, bao bì…

 Chị Hà Thị Tâm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tâm Cương Tân Minh, xã Tân Minh (Đà Bắc) chia sẻ: Với 17 năm kinh nghiệm nuôi giống lợn đen bản địa, tôi rất muốn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thịt lợn đen bản địa Tân Minh. Tuy vậy, phải đến đầu năm 2022, khi Phòng NN&PTNT huyện khảo sát để xây dựng sản phẩm OCOP tôi mới biết và tìm hiểu về Chương trình OCOP. Tiêu chí đánh giá sản phẩm gồm nhiều tiêu chuẩn nên chúng tôi gặp khó trong tiếp cận, chuẩn hóa sản phẩm.

Sản phẩm OCOP đã có những thay đổi tích cực về chất lượng, bao bì, nhãn mác. Tuy nhiên, việc tuân thủ, áp dụng các quy định hiện hành về quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, khoa học công nghệ còn thấp, chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình sản xuất chưa đồng bộ, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và không chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp. Quy mô sản xuất nhỏ phục vụ thị trường hẹp, khó đáp ứng được những đơn hàng lớn, liên tục, khả năng tiếp cận thị trường rất hạn chế. Hiện chưa có quy chế quản lý, kiểm tra, giám sát sản phẩm sau khi đã được cấp chứng nhận và chế tài xử lý khi sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của chương trình.

Mặc dù tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hội nghị kết nối cung cầu để tìm kiếm đối tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Song còn thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá; chưa ký kết được nhiều hợp đồng lâu dài với đối tác uy tín. Bên cạnh đó, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn, do người tiêu dùng trong tỉnh chưa thay đổi được nhận thức trong mua sắm những sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Giải pháp nâng tầm nông sản

Đồng chí Nguyễn Trọng Vinh, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Đa số sản phẩm của huyện đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh đã qua chế biến. Tuy vậy, các sản phẩm OCOP gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần các cấp, ngành hỗ trợ như: giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, tiếp cận với thị trường trong nước và nước ngoài. Các HTX gặp khó khăn về vốn, chính sách đất đai để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu chuẩn hóa từ 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, theo đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT, cần sự chung tay của các cấp, ngành trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong thực hiện Chương trình OCOP như: Tăng cường chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất; huy động sự tham gia của hệ thống chính trị để phát huy được sức mạnh tổng hợp thông qua đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết của cấp ủy Đảng các cấp, kế hoạch, chương trình công tác, chỉ đạo trọng tâm của chính quyền địa phương; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như: nguyên liệu đầu vào, con người, cơ sở sản xuất, sản phẩm cuối đưa ra thị trường đều phải được chuẩn hóa, có tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận VietGAP, GMP, HACCP… vì đây là yếu tố quan trọng giúp sản phẩm mang lại niềm tin cho khách hàng, tạo cơ hội đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn ra thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ chung cho cả chương trình.

Quảng bá rộng rãi Chương trình OCOP, tiêu chí của sản phẩm OCOP đến đông đảo người tiêu dùng. Hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình Gian hàng Việt trực tuyến trên sàn thương mại điện tử Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Lazada… Chú trọng công tác phát triển sản phẩm OCOP, rà soát các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương đăng ký sản phẩm tham gia chu trình OCOP theo kế hoạch; phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia (5 sao) từ một số sản phẩm OCOP cấp tỉnh có chất lượng, sản lượng, hiệu quả kinh tế cao như: cam Cao Phong, các dòng sản phẩm chế biến từ cá sông Đà, măng tre các loại và một số sản phẩm OCOP nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng.

V.N (tổng hợp từ baohoabinh.com.vn)

 

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top