Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm.
Tuy nhiên, việc trồng và khai thác cây dược liệu ở mỗi địa phương khác nhau, thiếu sự đồng bộ, liên kết nên chưa tận dụng hết tiềm năng của loại cây trồng này.
Khai thác lợi thế, phát triển Sâm Lai Châu
Phong Thổ là huyện biên giới có diện tích rừng lớn (trên 46.000ha), độ che phủ rừng đạt 44,25%. Nhiều nơi trong huyện có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển cây Sâm Lai Châu bởi loại cây này phân bố nhiều ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mực nước biển. Với mục tiêu phát triển bền vững Sâm Lai Châu trên cơ sở tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế của huyện; các chính sách của tỉnh về phát triển Sâm Lai Châu và đảm bảo người dân cũng như doanh nghiệp đều được tiếp cận chính sách hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức, tạo phong trào phát triển vùng nguyên liệu, thời gian qua, huyện Phong Thổ đã rà soát, đánh giá diện tích các khu vực có điều kiện phù hợp để gây trồng, phát triển Sâm Lai Châu thu hút các nhà đầu tư theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu hút người dân sống gần rừng tham gia vào hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hái Sâm của tổ chức, doanh nghiệp để chia sẻ lợi ích, gắn với bảo vệ rừng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
UBND huyện Phong Thổ cũng đã ban hành Kế hoạch số 382/KH-UBND ngày 09/3/2020 về triển khai thực hiện Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Bám sát định hướng và áp dụng các kiến thức được tập huấn, doanh nghiệp, HTX, người dân đã phát triển cây Sâm theo hướng tự nhiên. Nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây là từ lớp mùn được tạo nên từ lá khô…
Thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Lai Châu tham quan mô hình trồng sâm Lai Châu tại huyện Phong Thổ.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ có 179,240 m2 Sâm Lai Châu. Trong đó, có 8 HTX, doanh nghiệp đã trồng được 96,090 m2, còn lại là diện tích trồng rải rác của các hộ gia đình ở các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Tung Qua Lìn, Dào San, Bản Lang. Hầu hết diện tích Sâm đã trồng đều phát triển tốt.
Với mong muốn bảo tồn, giữ gìn, phát triển giống Sâm quý địa phương, anh Phàn Phủ Liêu - Bản Thà Giàng, xã Sì Lở Lầu chia sẻ: Từ năm 2017, gia đình tôi đã trồng Sâm Lai Châu. Trước khi trồng, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm tại một số hộ gia đình, HTX trong xã, đi học tập kinh nghiệm tại Viện Nghiên cứu lâm sinh tại Hà Nội. Sau khi trở về, tôi đã bàn với anh em, gia đình người thân trong nhà gom tiền đầu tư hệ thống màng lưới để chăm sóc, ươm cây đúng kỹ thuật. Với số vốn ban đầu 500 triệu đồng tôi đã mua hạt giống Sâm về tự ươm được khoảng 4.000 cây. Khi có sản phẩm tôi mang bán để quay vòng tái đầu tư mua thêm hạt giống, nhân rộng diện tích trồng Sâm lên khoảng 2 vạn cây. Cuối năm 2022, gia đình tôi đã xuống giống được 30 kg hạt Sâm Lai Châu với tỷ lệ nảy mầm khoảng 95%, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian tới, nhà tôi vẫn tiếp tục đầu tư phát triển trồng cây Sâm Lai Châu nâng diện tích khoảng 2ha…
Sâm Lai Châu là loại dược liệu quý hiếm được đưa vào Danh lục Đỏ cây thuốc Việt Nam (2007). Điểm nổi bật nhất của Sâm chính là hàm lượng Saponin tổng hợp rất cao, lên tới 21,34%. Trong Sâm còn có Majonosid-R2 (MR2) là hoạt chất có khả năng kháng vi rút gây ung thư, chiếm hàm lượng 7,78%; hợp chất silphioside E có tác dụng chống đông máu. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Nếu thân rễ thường làm thuốc bổ, cầm máu thì lá, nụ hoa dùng pha trà, kích thích tiêu hóa, an thần. Sâm rất tốt để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Sâm là cây đem lại giá trị kinh tế cao, tùy theo độ tuổi, trọng lượng mà cây Sâm có giá thành khác nhau.
Anh Nguyễn Hải Châu - Giám đốc HTX Thuận Phát, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ chia sẻ: HTX của chúng tôi thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên. Hiện nay, chúng tôi đang có 1,5 vạn cây Sâm giống, trên 2.000 cây Sâm trên 6 năm tuổi. Khi nhiều người biết đến sản phẩm Sâm tốt cho sức khỏe đã liên hệ đặt hàng. Đây chính là động lực để chúng tôi mở rộng diện tích trồng, dự kiến chúng tôi sẽ phát triển lên 20 vạn cây Sâm Lai Châu...
Nhằm thúc đẩy phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện Phong Thổ theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, tạo sinh kế cho người dân, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu cho UBND huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền thực hiện Đề án thí điểm thuê môi trường rừng để phát triển dược liệu dưới tán rừng. Kêu gọi các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu ở những nơi có điều kiện tại các xã: Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Dào San, Sin Suối Hồ…
Huyện cũng phát triển các hình thức hợp tác trong trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm Sâm Lai Châu. Liên kết nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến Sâm Lai Châu, tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu; phấn đấu đưa nghề nuôi trồng dược liệu nói chung, trồng và phát triển Sâm Lai Châu nói riêng trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Cùng với đó, thực hiện khảo sát xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến Sâm và các loại cây dược liệu khác trên địa bàn huyện. Quảng bá chất lượng, đặc biệt quan tâm đến các hàm lượng chất quý có trong Sâm Lai Châu; giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm Sâm Lai Châu do các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất trên địa bàn huyện; nghiên cứu thành lập các cửa hàng giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm Sâm Lai Châu, giúp đỡ xây dựng, phát triển thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm... hướng đến mục tiêu vừa bảo tồn, phát triển Sâm vừa bảo vệ rừng, đưa Sâm Lai Châu không chỉ xứng đáng danh là ”Quốc bảo” của Việt Nam mà còn là ”Quốc kế dân sinh” mang lại thu nhập cao cho người dân vùng biên giới Phong Thổ.
Cây dược liệu - hướng phát triển kinh tế rừng bền vững ở Điện Biên
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, hiện nay tỉnh Điện Biên có khoảng 2.181,4ha cây dược liệu. Diện tích cây dược liệu chủ yếu tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà với các loại chính như: Quế, sa nhân, thảo quả, sơn tra, ba kích, ý dĩ, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu…
Người dân xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) chăm sóc cây quế.
Từ năm 2016 đến nay, các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nương từ trồng ngô, lúa nương sang trồng cây quế. Ðến nay, diện tích cây quế đạt 1.012,1ha, chiếm diện tích lớn nhất trong hệ thống cây dược liệu toàn tỉnh. Các huyện đang phát triển mạnh cây quế như: Mường Nhé, Nậm Pồ và Mường Chà.
Mùa mưa năm 2020, những cây quế đầu tiên được xuống giống tại huyện Mường Chà bởi người dân bản Huổi Toóng 2 (xã Huổi Lèng). Anh Giàng A Sang, bản Huổi Toóng 2 là một trong những hộ đầu tiên trồng quế. Anh Sang cho biết: Gia đình tôi đã trồng hơn 2ha quế. Ðến nay, cây quế đã phát triển cao hơn đầu người, tỷ lệ cây sống trên 95%. Cây quế có chu trình phát triển từ 8 - 10 năm là có thể cho thu hoạch. Qua khảo sát thực tế các mô hình ở tỉnh Yên Bái, cây quế được thu mua từ gốc đến ngọn nên giá trị cao gấp nhiều lần so với cây ngô, lúa nương. Do đó, cây quế đang được kỳ vọng là cây trồng kinh tế mũi nhọn của người dân xã Huổi Lèng.
Sau 2 năm cây quế bén rễ ở Mường Chà theo các mô hình tự phát, đến năm 2022, UBND huyện Mường Chà đã có chủ trương phát triển cây quế tại những vùng đất được quy hoạch trồng rừng sản xuất.
Ông Vũ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Quế là cây trồng mới tại địa phương. Ðể phát triển bền vững cây quế, năm 2022, UBND huyện tổ chức đoàn tham quan, khảo sát mô hình trồng quế tại tỉnh Yên Bái. Sau đó, bằng các nguồn vốn bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Mường Chà hỗ trợ người dân chuyển đổi sang trồng quế trên nương. Năm 2022, toàn huyện đã triển khai trồng được 82,01ha. Dự kiến hết năm 2023, tổng diện tích cây quế toàn huyện đạt 188ha.
Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là chủ trương đã và đang được huyện Tuần Giáo tập trung triển khai thực hiện mạnh mẽ. Hiện nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn huyện khoảng 497,9ha gồm: Thảo quả 83,5ha; sa nhân 140ha; sơn tra 206,1ha; ý dĩ 65ha; sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu 3,3ha. Trong đó, các diện tích cây sơn tra, thảo quả đã cho thu hoạch nhiều năm nay, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân các xã: Tỏa Tình, Tênh Phông. Ðơn cử như, xã Tênh Phông hiện có trên 83ha thảo quả, tập trung dưới tán rừng 3 bản Ten Hon, Há Dùa, Xá Tự. Năm 2022, thảo quả được mùa với 35 tấn quả khô, với giá bán 70.000 - 80.000 đồng/kg, người dân xã Tênh Phông thu nhập gần 3 tỷ đồng.
Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon, xã Têng Phông đánh giá: Từ khi trồng thảo quả, các hộ dân bản Ten Hon có của ăn của để. Thảo quả thường thu hoạch nửa cuối năm, giúp nhiều gia đình sửa chữa nhà ở kiên cố và mua sắm đồ đạc đón năm mới. Hiện nay, người dân chuẩn bị vào vụ thu hoạch năm 2023.
Khai thác phải đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu
Là một quốc gia có đến hơn 4.000 loài dược liệu khác nhau nhưng hiện có tới 80% dược liệu được nhập từ nước ngoài. Để thay đổi thực trạng này, chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 8 vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững.
Vùng Tây Bắc đang được định hướng thành vùng trồng dược liệu có quy mô lớn. Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai là những nơi có nhiều loài dược liệu quý hiếm. Hiện nay, có khoảng 50 loài cây dược liệu trồng với diện tích lớn (hơn 10ha) thì riêng Tây Bắc đã có tới 36 loài như: đương quy, cát cánh, sa nhân tím, thảo quả, atiso, ý dĩ, hồi, quế, đinh lăng, ba kích.
Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng vẫn còn một số hạn chế, chưa khai thác được hết tiềm năng lợi thế của các địa phương. Ở Sơn La, nguồn cung cấp dược liệu chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sản xuất, bào chế thuốc. Còn ở Điện Biên, mỗi năm chỉ thu được hơn 15 tỷ đồng từ các loại cây dược liệu.
Vùng trồng dược liệu sâm tại tỉnh Lai Châu.
Trong khi đó, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn, phát triển dược liệu khiến các loài dược liệu tự nhiên cạn kiệt và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu cung cấp từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, các địa phương hiện còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.
Để ngành dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Theo các chuyên gia, những vùng này cần Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.
Các địa phương cần xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các Hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng khí hậu, Tây Bắc là vùng có lợi thế phù hợp phát triển các vùng trồng dược liệu. Hiện có khoảng 1.500 cây dược liệu quý.Tây Bắc đã hình thành những vùng trồng dược liệu quy mô lớn, mang lại cuộc sống đổi thay cho bà con nông dân.
Tại Bắc Hà Lào Cai đã hình thành nên vùng trồng dược liệu cây cát cánh. Cách đây gần 10 năm, nông dân vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) biết đến cây dược liệu cát cánh. Khi ấy, diện tích chỉ có 5.000 m2, giờ đã tăng lên gần 120 ha. Toàn bộ diện tích đều được trồng trong quy hoạch và theo đặt hàng của các công ty dược. Cây cát cánh mang lại thu nhập gấp nhiều lần so với cây ngô trước đây. Vì vậy, bà con đã hưởng ứng trồng loại cây này.
Cần sự gắn kết "3 nhà"
Theo các chuyên gia sự kết hợp chặt chẽ của "3 nhà" gồm: nhà nông-chính quyền-doanh nghiệp giúp bảo đảm số lượng cũng như chất lượng dược liệu, tránh tình trạng người dân thấy cây cát cánh đem lại giá trị cao, trồng ồ ạt gây mất kiểm soát chất lượng dược liệu cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, mang tới nguồn dược liệu chuẩn hóa cho doanh nghiệp.
PGS. TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết khí hậu và thổ nhưỡng là 2 đặc trưng để quyết định chất lượng dược liệu. Nhưng dược liệu chỉ là nguyên liệu để sản xuất thuốc chứ không phải cứ trồng thì đó đã là bài thuốc.
Do đó, để dược liệu trở thành các bài thuốc, cần phải có sự liên kết của nhiều bên để sản phẩm đầu cuối đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp và cho người trồng dược liệu.
Với cách làm kết hợp giữa "3 nhà": Nhà nông-chính quyền-doanh nghiệp là mô hình bền vững, vừa giúp người dân bảo đảm đầu ra nguyên liệu, vừa giúp doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn với quy trình trồng trọt được quản lý nghiêm ngặt.
Thực tế cho thấy với cách làm liên kết 3 nhà này, các vùng trồng dược liệu sạch đạt chuẩn quốc tế đang phát triển tại Lai Châu, Sơn La, Điện Biên như trồng đương quy cho thu nhập khoảng 90 triệu/ha/năm, ví như rồng atiso cho mức thu tới 80 triệu/ha/năm.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…