Nông dân làm nghề trồng trọt, nuôi cá… ở miền Tây tiếp tục gặp khó khăn vì giá phân bón, thuốc, thức ăn chăn nuôi tăng theo giá xăng rồi không giảm. Song, sản phẩm họ làm ra không thể tăng giá bán.
Giá thức ăn tăng theo giá xăng rồi không giảm, nghề nuôi cá làng bè tiếp tục gặp khó khăn - Ảnh: CHÍ HẠNH
Giá xăng giảm nhưng giá vật tư không giảm
Thuê 5 công đất, trồng mướp đang vào vụ thu hoạch, giá bán cho thương lái 5.000 đồng/kg, nhưng bà Nguyễn Thúy Phượng, ngụ thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long buồn rầu, nói: "Mấy tháng nay, người ta đồn nhà nông chắc hốt bạc. Vì giá cả rau, củ, quả ở chợ đầu mối, thành phố lớn tăng theo giá xăng rồi không giảm.
Nhưng thực ra, nông dân chúng tôi càng thêm gánh nặng. Bởi vật tư nông nghiệp, phân thuốc cũng tăng theo giá xăng, rồi không chịu giảm. Phân lúc trước 800.000 đồng/bao, qua mấy đợt tăng giờ đã gần 2 triệu đồng. Trong khi đó, nông sản làm ra nông dân đâu thể tăng giá bán".
Trồng 10 công lúa vụ hè thu, ông Nguyễn Văn Liêm, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết, chi phí vụ này bị đội lên 20 triệu đồng so với vụ năm trước. Nguyên nhân do giá phân, thuốc tăng cao, từ một nửa đến gấp đôi.
"Tui đã nhận cọc chờ ngày thu hoạch lúa, giá bán chốt sổ cho thương lái là 6.000 đồng/kg. Năng suất vụ này 25 giạ/công, nhẩm tính thì không có lời, làm xong vụ này tui sẽ bỏ không làm vụ 3. Nghề trồng trọt hồi xưa có thể lời nhiều, chứ bây giờ "meo" lắm" - ông Liêm cho hay.
Theo nhiều nhà nông, khi giá xăng dầu tăng, giá phân thuốc cũng tăng theo rất nhanh. Thậm chí, có người chuẩn bị tiền đi mua phân, thuốc về phục vụ sản xuất thì vừa đến nơi giá đã tăng. Nhưng khi giá xăng dầu giảm, thì giá phân thuốc vẫn "nằm lì" ở mức cao.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp Rạch Nưng, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, không phải vùng nào cũng có thể áp dụng mô hình trồng trọt sinh học. Bởi nhiều khu vực đất đai rất nghèo dinh dưỡng.
Do đó, phân tăng giá và giữ ở mức cao như hiện nay bà con rất rầu. Sản phẩm làm ra đã vất vả, chi phí lại tăng, trong khi bán ra cũng bị thiệt vì phải qua nhiều khâu trung gian.
Nghề nuôi cá bè cũng vạ lây
Khác với cảnh xưa, nay dọc sông Tiền, sông Cổ Chiên cũng khá trầm lắng. Nhiều hộ nuôi cá lồng bè nay đã chuyển nghề, hoặc chỉ nuôi cầm chừng vì lỗ. Khu này từng là nơi nuôi cá bè sầm uất nhất tỉnh Vĩnh Long, với hơn 1.000 bè cá, diện tích mặt nước chiếm 21ha.
Ông Nguyễn Quang Hoanh (ngụ huyện Long Hồ) cho biết, trước đây nuôi hơn 20 bè cá, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 200 tấn cá nước ngọt. "Năm 2020 giá thức ăn cho cá 14.000 đồng/kg, giá cá thương phẩm 35.000 đồng/kg, tui lời khoảng 4.000 đồng/kg.
Nhưng từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn tăng liên tục nhưng không giảm, tăng đến 19.000 đồng/kg, giá cá bán cho lái 38.000 đồng/kg mà vẫn không có lời. Làm lỗ quá chừng" - ông Hoanh nói.
Còn ông Lê Văn Dũng (60 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) cho hay, năm nay, nước lũ về sớm hơn 1 tháng, nước bắt đầu đục dần nên cũng ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh trưởng của cá điêu hồng nuôi trong bè.
Do đó, người nuôi cá khó khăn thêm chồng chất vì phải đầu tư thêm vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng.
Theo ông Lê Thanh Tùng - chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Long), từ đầu năm đến nay giá thức ăn liên tục tăng cao ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của người dân.
6 tháng đầu năm 2022, số lượng lồng bè toàn tỉnh giảm đáng kể so với cùng kỳ 2021. Cụ thể giảm 45 lồng bè và giảm 14 cơ sở, sản lượng cũng giảm 22,4% so với cùng kỳ.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.