Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 7 năm 2023 | 9:4

Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP bền vững

Sau 5 năm khởi động, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các địa phương trong cả nước triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình cũng bộc lộ nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ. Ðồng thời, đặt ra vấn đề phải có những chính sách, giải pháp kịp thời hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP…

Sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL bày bán tại Cửa hàng Đặc sản ĐBSCL, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Kết quả đáng ghi nhận

Tính đến cuối tháng 6/2023, cả nước đã có 9.852 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, có 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Ðồng thời, có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là hợp tác xã, 24,4% doanh nghiệp, 34,1% cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, đánh giá: Chương trình OCOP góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Ðồng thời, khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị", gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Các sản phẩm OCOP 5 sao đã được lãnh đạo Ðảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài".

Bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên (TP Cần Thơ), chia sẻ: "Xã Thới Hưng, huyện Cờ Ðỏ là vùng trồng mãng cầu xiêm lớn nhất của TP Cần Thơ nhưng đầu ra của trái mãng cầu thường bấp bênh. Từ đó, tôi nghĩ đến việc phát triển sản phẩm giá trị gia tăng từ mãng cầu xiêm và thế là sản phẩm Trà Mãng cầu Kim Nhiên ra đời. Sản phẩm Trà Mãng cầu Kim Nhiên là sự kết hợp giữa phương pháp sản xuất truyền thống với quy trình sản xuất một chiều khép kín được thiết lập các thông số kỹ thuật phù hợp cho từng giai đoạn chế biến nhằm giữ nguyên giá trị dinh dưỡng trong trái mãng cầu xiêm. Tôi cũng đầu tư cho việc thiết kế bao bì, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc để tăng độ nhận diện và tin cậy của sản phẩm. Nhờ đó, Trà Mãng cầu Kim Nhiên đã được UBND TP Cần Thơ công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện sản phẩm không chỉ có mặt tại 63 tỉnh, thành trong cả nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Lào và Hàn Quốc".

Nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, trong 5 năm qua, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại tiếp tục được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tham gia các Hội chợ quốc tế (tại Thái Lan, châu Âu, Nhật Bản); tổ chức các diễn đàn/hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP (diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL thường niên, hội chợ đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP thường kỳ, triển lãm sản phẩm OCOP tại Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam...). Ðặc biệt, ngành Nông nghiệp và nhiều địa phương còn đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử...

Giải pháp thiết thực

Bên cạnh những kết quả đạt được phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của chương trình sau hơn 5 năm triển khai. Số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể (về quản trị, tổ chức sản xuất, năng lực thị trường…). Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng manh mún, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT, nhấn mạnh: "Việc kích hoạt sự tham gia, cùng chung tay phát triển sản phẩm OCOP từ cộng đồng là hết sức cần thiết. Nếu trong mỗi tủ lạnh, khay kệ ở khách sạn, nhà nghỉ không phải là Pepsi, Coca Cola… mà là nước uống, bánh kẹo đạt chứng nhận OCOP thì cảm xúc của  khách du lịch sẽ như thế nào? Chúng tôi đang nghĩ đến việc đổi lại thang chấm điểm sản phẩm OCOP. Theo đó, ngoài các tiêu chí về chất lượng, bao bì cần phải chú ý thêm tiêu chí cộng đồng của sản phẩm với sự tham gia của nhiều người. Cùng với đó, một số thang điểm khác về môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tính thương mại hóa, tiếp cận thị trường của sản phẩm OCOP cũng phải được chú trọng hơn nữa để nâng tính thiết thực, hiệu quả của sản phẩm OCOP".

Nhiều ý kiến cho rằng cần chú trọng công tác giám sát, kiểm tra sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là chất lượng, an toàn thực phẩm. Bà Nguyễn Kim Nhiên đề xuất ngành chức năng nên thường xuyên rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Ðồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các diễn đàn, triển lãm, sự kiện tôn vinh... Ðặc biệt, tập trung xây dựng để hình thành các "điểm đến" về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistics về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Theo ông Ngô Trường Sơn, quá trình phát triển sản phẩm OCOP mỗi địa phương cần khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và niềm tự hào của người dân, thúc đẩy giá trị của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất theo hướng bền vững (sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường,…). Làm được điều đó sẽ giải quyết 2 vấn đề: khai thác được các lợi thế về chất lượng của các sản phẩm đặc sản địa phương; sản phẩm đáp ứng đủ các yêu cầu theo quy định của pháp luật và yêu cầu của các đơn vị thương mại để tham gia vào các kênh phân phối, đặc biệt là các kênh phân phối hiện đại. Các chủ thể OCOP cũng cần xây dựng các câu chuyện mang tính quảng bá trên nền tảng các giá trị về văn hóa, tri thức bản địa của người dân và cộng đồng; gắn với các thông điệp về tiêu dùng bền vững, có trách nhiệm dựa trên nền tảng lợi thế của các sản phẩm địa phương để phù hợp với thị hiếu, xu thế tiêu dùng hiện nay.

 

Mỹ Thanh/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top