Phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, cấp ủy, chính quyền tỉnh lai Châu đẩy mạnh phát triển kinh tế tổng hợp theo từng vùng.
Qua đó, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, giảm nghèo, từng bước xây dựng huyện ngày một khởi sắc.
Phong Thổ vượt thách thức
Nhìn lại chặng đường những ngày mới chia tách, huyện Phong Thổ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: không có cánh đồng lớn; hằng năm chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, người dân chủ yếu tự cung, tự cấp và sản xuất 1 vụ, chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất nên không mang lại giá trị kinh tế cao dẫn đến kém hiệu quả, kinh tế chuyển dịch chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao…
Sau 20 năm chia tách, đến nay bộ mặt nông thôn huyện ngày càng đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng, những con đường giao thông được đầu tư cứng hóa; những ngôi nhà xây, nhà sàn được xây dựng khang trang, kiên cố nổi bật giữa núi đồi biên giới. Người dân đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ sang tập trung có chuồng trại gắn với trồng cỏ… Có được những thay đổi đó là nhờ sự lãnh, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện và sự “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” của người dân trong sản xuất nông nghiệp.
Người dân xã Dào San chăm sóc lê.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trần Bảo Trung cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực mũi nhọn của huyện, Đảng bộ, chính quyền huyện tập trung lãnh, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bảo đảm phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, khai thác lợi thế, tiềm năng của địa phương, trọng tâm là phát triển kinh tế theo từng vùng. Thông qua các chương trình, dự án, đề án của Trung ương, tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp huyện xây dựng kế hoạch tập trung chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho sản phẩm có giá trị xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Để phát triển kinh tế khu vực các xã vùng thấp, huyện tập trung chỉ đạo nông dân sản xuất lúa đặc sản địa phương như: tẻ râu, nếp tan; phát triển các loại cây như: chè, chuối, hoa địa lan và phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại gắn với trồng cỏ. Chú trọng phục tráng một số giống lúa địa phương năng suất cao, chất lượng tốt để đưa vào gieo trồng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn có các sản phẩm từ lúa mang thương hiệu của địa phương như: Gạo tẻ râu Phong Thổ, nếp tan Bản Lang, Gạo lứt tẻ râu Sin Suối Hồ được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao.
Hiện, các xã vùng thấp của huyện có 682,79ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 100ha, tập trung chủ yếu tại xã Sin Suối Hồ. Từ chè đã tạo ra nhiều sản phẩm chè đặc sản, đặc biệt trong đó có Hồng trà Sin Suối Hồ được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 4 sao - đây là sản phẩm đạt OCOP 4 sao đầu tiên của tỉnh trong năm 2022. Đối với chuối - sản phẩm hàng năm được thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng với số lượng lớn, huyện chú trọng phát triển, hình thành vùng trồng chuối tập trung ở các xã: Huổi Luông, Ma Li Pho, Bản Lang...
Hiện, toàn huyện có 2.700ha chuối cho sản phẩm với năng suất đạt 4,71 tấn/ha. Ngoài ra, các sản phẩm chuối đang được huyện phát triển theo hướng liên kết chuỗi giá trị tạo ra sản phẩm thương hiệu gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như hỗ trợ dây chuyền sản xuất chuối sấy dẻo cho nhóm thanh niên trên địa bàn xã Khổng Lào, Bản Lang. Đồng thời, phát triển các mô hình trồng mía theo hình thức liên kết giữa hợp tác xã với người dân. Đến nay, trên địa bàn có 105ha đất trồng mía, trong đó 64,5ha đã cho thu hoạch.
Anh Nguyễn Cảnh Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Tại các xã vùng cao, huyện vận động Nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao bằng việc phát triển cây dược liệu, chè cổ thụ, sâm, cây ăn quả ôn đới. Năm 2022, huyện triển khai trồng được 9,96ha sâm. Trên địa bàn có 8.000 gốc chè cổ thụ với các loại chè; trong đó, 3 sản phẩm: Hồng trà shan, Hoàng trà shan, trà xanh shan Mồ Sì San được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi diện tích một số cây trồng có giá trị kinh tế thấp và đất hoang hóa, đất đồi dốc sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: hỗ trợ cải tạo vườn tạp bằng cây xoài, lê và liên kết chuỗi đối với cây lê với diện tích 120ha tại các xã: Hoang Thèn, Dào San; rà soát đăng ký vùng trồng cây xoài tập trung với quy mô 70ha. Huyện cũng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tiến hành khảo sát, đánh giá vùng trồng cây chanh leo, dứa; rà soát xây dựng liên kết chuỗi giá trị trồng và tiêu thụ lê trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, Dào San. Nhờ đó, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện tăng theo từng năm. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện 3.809ha; diện tích cây ăn quả cho sản phẩm 3.064ha, năng suất đạt 5,34 tấn/ha.
Anh Hàng A Chứ (bản Dền Thàng B, xã Dào San) chia sẻ: Năm 2018, thông qua hỗ trợ của Nhà nước về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc lê, gia đình tôi đăng ký trồng. Nhờ hướng đi đúng đắn và sự tận tình hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, xã, trung bình mỗi năm vườn lê cho thu nhập từ 50-80 triệu đồng. Từ trồng lê, gia đình tôi có thêm việc làm, thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng chính mảnh đất quê hương.
Từ những giải pháp cụ thể, thiết thực trong đẩy mạnh phát triển kinh tế tổng hợp theo từng vùng của huyện Phong Thổ đã và đang từng bước giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 36 triệu đồng/người/năm (tăng 35 lần so với năm 2002); mức giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm đạt 4,5%. Đó là động lực để huyện biên giới Phong Thổ thực hiện có hiệu quả, bền vững các mục tiêu giảm nghèo, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.
Đổi thay đời sống dân tộc Mảng
Dân tộc Mảng là một trong những dân tộc rất ít người cư trú trên địa bàn huyện Nậm Nhùn. Do xuất phát điểm thấp nên đời sống kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã giúp vùng đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện khởi sắc.
Từ các chính sách hỗ trợ, gia đình ông Lò Văn Luyện ở bản Pá Bon, xã Nậm Pì (huyện Nậm Nhùn) mạnh dạn vay vốn trồng cây ăn quả, nâng cao thu nhập, giúp gia đình định cư và ổn định cuộc sống.
Trên địa bàn huyện biên giới Nậm Nhùn, dân tộc Mảng có dân số khoảng 4.000 người, sinh sống tập trung ở các xã: Hua Bum, Nậm Ban, Trung Chải và Nậm Pì. Trước kia, dân tộc Mảng sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với trình độ canh tác lạc hậu, nhiều hủ tục cũng như các tệ nạn xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của đồng bào. Nhiều người còn gọi dân tộc Mảng với tên gọi Xá Lá Vàng; bởi cứ sau khi bà con dựng nhà, lều, lán mà lá cây trên nóc vàng là lại di cư đi nơi khác, nay đây mai đó. Tỷ lệ hộ nghèo cách đây 10 năm lên đến 80-90%, thậm chí có bản 100% là hộ nghèo. Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đồng bào dân tộc Mảng thay đổi cuộc sống.
Thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao theo tinh thần Quyết định 1672/QĐ-TTg, ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, vùng dân tộc Mảng sinh sống được quy hoạch, tạo mặt bằng để di chuyển, sắp xếp, ổn định dân cư; xây dựng, nâng cấp đường giao thông đến thôn, bản; hỗ trợ lương thực cho hộ nghèo, mắc điện sinh hoạt, làm nhà ở, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi; hỗ trợ về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; hỗ trợ khai hoang, xây dựng ruộng bậc thang sản xuất lúa nước, bảo đảm an ninh lương thực; đào tạo chuyển đổi nghề… Cùng với đó, nhiều chương trình hỗ trợ khác như cho vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; đưa con em dân tộc Mảng từ các bản xa xôi, hẻo lánh về các trường trung tâm các xã để học tập. Từ những chính sách trên, hiện nay đời sống của dân tộc Mảng đã đổi thay rõ rệt cả về vật chất cũng như tinh thần.
Ông Lò A Tư, Chủ tịch UBND xã Trung Chải cho biết: Thời gian qua, vùng đồng bào dân tộc Mảng được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đời sống cũng như nhận thức của người dân tộc Mảng đã có sự phát triển tiến bộ so với những năm trước. Từ những chương trình, chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cũng như tạo đà giúp bà con dân tộc Mảng phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống gia đình.
Để minh chứng cho những thay đổi trên, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lò Văn Chiến ở bản Nậm Nó 2 (xã Trung Chải). Từ các chương trình, đề án hỗ trợ của Nhà nước và sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2015, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chăn nuôi, phát triển kinh tế. Với điều kiện tự nhiên sẵn có, sau khi di chuyển đến nơi ở mới, anh học hỏi và bắt tay vào phát triển chăn nuôi gia súc.
Đến nay, đàn gia súc của gia đình anh luôn duy trì hơn 10 con trâu và 10 con bò. Cuộc sống của gia đình anh dần ổn định, có thêm điều kiện mở rộng chăn nuôi các loại gia cầm, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Anh Chiến chia sẻ: Dân tộc Mảng không còn du canh, du cư như ngày xưa nữa mà đã định canh ổn định cuộc sống. Được Đảng, Nhà nước quan tâm xây dựng hệ thống điện, đường đến các bản nên bà con có điều kiện phát triển.
Ngoài chăn nuôi, khi có thời gian rảnh tôi đi làm thuê, có thêm thu nhập để xây nhà. Khi con cần tiền ăn học, xây dựng gia đình, tôi bán trâu, bò để giúp đỡ các con, trang trải cuộc sống. Từ khi phát triển chăn nuôi gia đình tôi có nguồn thu từ 70-80 triệu đồng/năm. Không chỉ gia đình anh Chiến, rất nhiều hộ gia đình dân tộc Mảng ở các bản, các xã khác cũng vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình bà Chìn Mé Lòng, Lý A Quân ở bản Nậm Ô (xã Nậm Ban); ông Lò Văn Luyện ở bản Pá Bon (xã Nậm Pì); ông Lò Văn Nghiên ở bản Nậm Nghẹ (xã Hua Bum)…
Ông Vũ Tiến Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tại các khu vực có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, cơ sở hạ tầng được đầu tư tương đối đồng bộ, từ đường giao thông, trường, trạm đến nước sản xuất, nước sinh hoạt. Bà con được quan tâm hỗ trợ cây, con giống... từ các chương trình, dự án của Nhà nước. Nhờ đó, đời sống vật chất cũng như tinh thần cho bà con dân tộc Mảng ngày càng được nâng cao.
Có thể khẳng định, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã có nhiều đổi thay tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm xuống còn mức bình quân 60-70%, tỷ lệ giảm nghèo trung bình hàng năm từ 4-5%. Nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, bà con biết áp dụng máy móc, phương tiện canh tác hiện đại vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Có điều kiện kinh tế, nhiều hộ dân tộc Mảng mua sắm được xe máy, tủ lạnh, tivi phục vụ cuộc sống. Đó là nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào dân tộc Mảng cuộc sống ổn định và phát triển.
Nậm Mạ vươn mình
Đến xã Nậm Mạ, thấy bản làng người Thái đẹp như bông hoa đang soi mình vào lòng hồ thủy điện. Từ bản Sông Đà, Huổi Ca đến Co Lẹ, Nậm Mạ, những ngôi nhà sàn khang trang, đường nội bản sạch đẹp, tiếng máy nổ của thuyền bè, máy xát vang dội sau mùa vụ bội thu hòa lẫn với niềm hạnh phúc khi người dân bán được cá to nuôi trong lồng. Là xã tái định cư, đất sản xuất hạn chế nhưng chính quyền và Nhân dân khắc phục khó khăn để xây dựng một cuộc sống mới.
Người dân bản Co Lẹ (xã Nậm Mạ) giảm nghèo từ nuôi cá lồng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Nậm Mạ di vén lên nơi ở mới vì dòng điện tương lai. Lên nơi ở mới, có tiền đền bù trong tay nhưng kiến thức lại thiếu vì phải sản xuất theo hướng mới, người dân gặp nhiều khó khăn. Giúp người dân có cuộc sống ổn định, cán bộ xã gặp gỡ, đối thoại với dân, vận động bà con tận dụng đất nông nghiệp chưa bị ngập để làm ruộng, nương, sử dụng tiền đền bù xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, nhất là tận dụng mặt nước nuôi cá lồng.
Đưa các giống cây có giá trị cao vào gieo trồng, tích cực phát triển rừng, hướng dẫn bà con cách nuôi, trồng, phòng, chống dịch bệnh, quảng bá sản phẩm nông sản ra ngoài thị trường. Yêu cầu các hội, đoàn thể xã tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, giúp đỡ hộ khó khăn để cùng nhau phát triển. Xây dựng bản làng sạch, đẹp, khôi phục, duy trì bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, tạo thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, tuyên dương các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi để nhân rộng ra cộng đồng.
Không hoang phí trước số tiền đền bù, người dân ở 4 bản của xã đầu tư vào sản xuất, tìm thêm đất canh tác để khai hoang, tăng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt. Với diện tích 223ha, mỗi năm 1 vụ thóc, 2 vụ ngô, năng suất ngô, thóc đạt từ 30-45 tạ/ha, có vụ thóc gần 50 tạ/ha, lương thực không chỉ dư thừa cho mùa vụ sau mà còn trở thành hàng hóa để xuất bán. Phủ xanh đất trống đồi trọc, bảo vệ, phát triển rừng để nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Tăng cường phát triển chăn nuôi, hình thành mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa với hơn 14.000 con, nhất là khi người dân nhìn thấy tiềm năng từ lòng hồ Thủy điện Sơn La mang lại để đầu tư nuôi cá lồng với 119 lồng cá, mỗi năm sản lượng đánh bắt gần 20 tấn.
Anh Khoàng Văn Hưng (bản Co Lẹ) chia sẻ: Trước đây, cuộc sống khó khăn, thóc, ngô làm ra không đủ ăn, lúc nào cũng phải đi vay mượn để duy trì cuộc sống, rồi khi di vén lên nơi ở mới, việc phát triển kinh tế càng đi vào ngõ cụt. Được xã khuyến khích và nhìn thấy lợi thế từ lòng hồ thủy điện, tôi đầu tư vào nuôi cá lồng với các loại: lăng, chép, rô phi, cứ 3-4 tháng xuất 1 lứa, mang về nguồn thu nhập cao với hơn 120 triệu đồng/năm, cuộc sống khá giả hơn.
Nhân dân một lòng đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên để không còn hộ khó, các tổ chức hội, đoàn thể xã xây dựng quỹ, hỗ trợ cây trồng, con giống trong sản xuất, nhất là thế hệ trẻ của xã có ý thức vươn lên, bên cạnh vào các trường chuyên nghiệp trên toàn quốc, còn đi học nghề về mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ tại xã, làm công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động. Từ đó, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 23,8%, thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao nguồn tri thức thế hệ trẻ. Khôi phục các giá trị bản sắc văn hóa, vận động Nhân dân giữ gìn môi trường sạch đẹp, duy trì các đội văn nghệ, ẩm thực văn hóa người Thái để phát triển du lịch, tạo thêm nguồn thu cho Nhân dân.
Anh Hồ Văn Thơi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Tiếp tục nâng cao cuộc sống Nhân dân, xã tăng cường tập trung vào các thế mạnh, phát triển thương mại, dịch vụ, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp tạo thị trường, phát triển nguồn lao động, phấn đấu hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm từ 5-7% tỉ lệ hộ nghèo.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.