Lai Châu đã tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tăng cường quảng bá song song với ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, liên kết để thúc đẩy “nông nghiệp cất cánh”.
Liên kết trồng bí đao xanh Nova 209 ở Than Uyên
Xã Mường Than có tổng diện tích 1.096ha; có cánh đồng lớn thứ 3 khu vực Tây Bắc, địa hình sản xuất bằng phẳng, khí hậu phù hợp với sản xuất cây màu, đặc biệt là các loại rau, củ, quả. Những năm qua, trên địa bàn xã đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi có chủ trương liên kết với Công ty TNHH Thương mại rau củ Ngọc Linh Sơn La để triển khai mô hình trồng bí đao xanh Nova 209 trên cơ sở Công ty cung ứng cây giống, vật tư nông nghiệp (theo hình thức chậm trả) và hỗ trợ kỹ thuật, bà con nhiệt tình hưởng ứng.
Kết quả, 14 hộ và 1 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xã tham gia thực hiện 2,6ha trồng bí đao xanh Nova 209 tại các bản: Sen Đông, bản Đông, Xuân Phương, bản Mường và Cẩm Trung 1. Thời vụ từ khi xuống bầu đến thu hoạch xong là 3,5 tháng.
Qua 3 tháng triển khai thực hiện mô hình, các cơ quan chuyên môn và công ty liên kết đánh giá điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự sinh trưởng của cây bí đao xanh. Các hộ đã sản xuất đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, do mưa nhiều và kéo dài, ảnh hưởng đến việc đậu quả, có vườn chỉ thu 3 – 5 lứa quả/vụ thay vì 6 - 8 lứa quả/vụ như dự kiến.
Năng suất hiện nay do đang chuẩn bị cho thu hạch lứa quả đầu tiên nên chưa thể đánh giá cả vụ. Mặc dù vậy, trên địa bàn có 1 hộ dân thực hiện trồng thử nghiệm trước và đã cho thu hoạch với năng suất đạt trung bình 87 tấn/ha; mức giá bán của Công ty hiện đang dao động từ 5.000 đến 8.500 đồng/kg.
Tổng chi phí ban đầu cho 1ha bí xanh khoảng 200 triệu đồng (hạt giống, vật tư phân bón, lưới, hệ thống tưới tự động, tre làm giàn, nhân công lao động). Từ vụ thứ 2 chi phí không phát sinh thêm trong khoảng 3 - 5 năm tương ứng với từ 6 - 10 vụ trồng bí. Dự tính lợi nhuận sau trừ chi phí đạt gần 500 triệu đồng/ha, tương đương 50 triệu đồng/1.000m2. So sánh với cây lúa trong cùng thời gian canh tác cao hơn rất nhiều lần.
Đại biểu tham quan thực tế mô hình trồng bí đao xanh Nova 209 tại bản Sen Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên.
Thảo luận tại Hội thảo Mô hình liên kết trồng bí đao xanh Nova 209 vụ xuân hè năm 2022, các đại biểu khẳng định hiệu quả bước đầu cây bí đao xanh Nova 209 mang lại. Đồng thời đề nghị Công ty TNHH Thương mại rau củ Ngọc Linh Sơn La xúc tiến việc thành lập đại lý cung ứng giống, vật tư phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để các hộ chủ động sản xuất; báo giá thường xuyên và thu mua sản phẩm theo đúng hợp đồng liên kết; thống nhất cách thức chuyển giao kỹ thuật, phân loại quả…
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu có hướng tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong các điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh, đảm bảo các hộ có mức sống từ trung bình trở xuống có thể tiếp cận. Đồng thời, mềm hóa các điều kiện hỗ trợ cho phát triển rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tế tại cơ sở.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại rau củ Ngọc Linh Sơn La làm rõ thêm những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của đơn vị đối với các hộ dân, hợp tác xã tham gia liên kết. Đồng thời, trả lời những kiến nghị, đề xuất của cấp ủy, chính quyền và đại biểu tham gia Hội thảo. Qua đó, khẳng định, đây là mô hình thực hiện chuỗi liên kết 5 nhà, vậy nên sự cam kết sản xuất phải đảm bảo chặt chẽ, nêu cao trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Công ty đã hỗ trợ 50% giống, vật tư và cam kết bao tiêu sản phẩm, vì vậy bà con cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật cũng như thời vụ để đảm bảo có nguồn lợi nhuận cao nhất.
Mô hình trồng bí đao xanh Nova 209 thành công là bước đột phá rất quan trọng đối với ngành Nông nghiệp của huyện Than Uyên. Qua đó sẽ khai thác tối đa lợi thế đồng đất của địa phương để nhân rộng mô hình; tạo việc làm tại chỗ; thay đổi tư duy sản xuất của nông dân theo hướng công nghệ cao, bền vững.
Liên kết sản xuất dứa theo chuỗi giá trị tại huyện Sìn Hồ
Thực hiện Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn huyện Sìn Hồ, UBND huyện đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Do đó, đầu năm 2021, UBND huyện Sìn Hồ phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên triển khai trồng thí điểm 10ha dứa với 2 loại giống là dứa Queen và Kaien tại bản Nậm Lò, xã Nậm Tăm. Đến nay, cây dứa bắt đầu cho thu hoạch và được Công ty cũng như các cơ quan chuyên môn đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế rất cao với sản lượng đạt từ 50 - 55 tấn/ha; sau trừ chi phí lợi nhuận từ 200 - 250 triệu đồng.
Lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên giới thiệu với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cùng các đại biểu về kế hoạch mở rộng vùng sản xuất dứa.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Sìn Hồ, xã Nậm Tăm cùng với hộ dân trong bản Nậm Lò khẳng định, cây dứa phù hợp với điều kiện đất dốc cũng như khí hậu nơi đây. Với sự thành công bước đầu của Dự án trồng và phát triển cây dứa thành vùng nguyên liệu sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị có thể nhân rộng và triển khai tại các xã vùng thấp của huyện. Qua đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả bền vững, tăng thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển.
Không chỉ làm rõ thêm hiệu quả kinh tế cây dứa mang lại, ông Từ Quang Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên thông tin thêm kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích trồng dứa tại các xã vùng thấp khoảng 1.000ha, từ đó đảm bảo nguyên liệu để xây dựng nhà máy chế biến ngay tại chỗ. Tuy nhiên, đây là cây dễ trồng nhưng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao cũng như chế biến sâu. Vậy nên, đơn vị mong muốn nhận được sự quan tâm của UBND, các sở, ngành liên quan của tỉnh cũng như cấp ủy, chính quyền từ huyện đến các xã trong công tác định hướng, tuyên truyền, vận động để Nhân dân các xã vùng thấp của Sìn Hồ chủ động, tích cực đồng hành với doanh nghiệp. Công ty sẽ ký cam kết bao tiêu sản phẩm cũng như góp vốn, bà con góp nhân công và đất để cùng nhau phát triển trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Chính sách “hấp dẫn” doanh nghiệp
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các quyết định định hướng phát triển nông nghiệp thông qua các đề án để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện đạt mục tiêu các đề án, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể là 7 quyết định, nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, cây dược liệu, và chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, cuối năm 2021, tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được tăng cường quảng bá song song với ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, danh mục dự án đầu tư, nhằm khai thác tiềm năng lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh khẳng định cam kết hỗ trợ, cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Lai Châu để có thể “đơm hoa kết trái” cho vùng đất này.
Vùng chè ở Tam Đường cũng là "miền đất hứa" với các nhà đầu tư.
Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lai Châu cho biết: Sau khi Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức, đã có 13 công ty, doanh nghiệp, hiệp hội đã đi khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, một số nhà đầu tư đã lập chủ trương đầu tư và được tỉnh UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện như: Trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; dự án phát triển nông, lâm nghiệp và dược liệu FOBIC tại huyện Tân Uyên; dự án phát triển cây mắc-ca; dự án phát triển cây quế kết hợp trồng cây gỗ lớn tại huyện Than Uyên... Một số nhà đầu tư đã bắt đầu liên kết với người dân tổ chức triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Công ty Đồng Giao, Ong Tam Đảo, Công ty Cổ phần Sao đỏ Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu…
Có thể thấy, trong các địa phương của tỉnh, Tân Uyên được ví như mảnh đất “mật ngọt sinh sôi” khi có rất nhiều nhà đầu tư bén duyên. Ông Lê Thanh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, mọi cơ hội tiếp cận của các nhà đầu tư luôn được huyện chắt chiu thu hút đến với Tân Uyên. Trong đó, việc đầu tiên là huyện thực hiện cải cách tối đa các thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, thuê đất, thẩm định và chấp thuận địa điểm đối với các dự án đầu tư vào địa bàn huyện.
Thực hiện lồng ghép, linh hoạt các chính sách hỗ trợ để giúp các doanhh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng. Cam kết và đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi đầu tư được hỗ trợ đúng, đủ theo chính sách hiện hành. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm đối với những nông sản có thế mạnh của vùng. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác. Đến nay, Tân Uyên dẫn đầu toàn tỉnh trong thu hút doanh nghiệp đến đầu tư với 12 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Kết quả về công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ không dừng lại bởi hiện tại, tất cả những gì tỉnh và các địa phương đang nỗ lực thực hiện là chung một mục đích như “trải thảm” cho các nhà đầu tư. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ như: đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều tra, đánh giá tiềm năng, thế mạnh để kịp thời bổ sung, cập nhật thông tin các dự án mới; bám sát, đồng hành cùng các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn (nếu có) để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh được thuận lợi. Thành lập nhóm hỗ trợ các nhà đầu tư do đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng và thành viên gồm các đồng chí giám đốc các sở, ngành và lãnh đạo các phòng chuyên môn có liên quan.
Tỉnh chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố lập danh mục các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Sát cánh cùng với tỉnh và người nông dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tạo sản phẩm hàng hóa.
Mục đích đầu tiên, cũng là cuối cùng của Sơn La: Đưa "cánh diều" nông nghiệp Lai Châu cất cánh lên cao mãi.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.