Sau cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, chiều 25/9, UBND tỉnh Quảng Trị đã phát đi Công điện khẩn số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng về việc tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lũ.
Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ có mưa lớn 100-250 mm, một số trạm mưa lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hoá) 332 mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 288 mm, Xuân Bình (Phú Yên) 233 mm. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tập trung thực hiện các nội dung công việc sau:
Khẩn trương triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Văn Thành tại phiên họp ngày 25/9/2022 và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện ven biển tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển (Trong đó cần lưu ý hướng dẫn các tàu vận tải, tàu hoạt động vãng lai) thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn; yêu cầu các chủ phương tiện phải có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu ở khu vực cửa sông (Cửa Việt, Cửa Tùng), tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người; hướng dẫn việc chằng, neo và có phương án đảm bảo an toàn về người, phương tiện tại nơi tránh trú; tổ chức neo đậu, chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9/2022 (Tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường khi thời tiết nguy hiểm trên biển kết thúc); việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9/2022.
Dự báo đường đi của bão NORU theo trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn
UBND các huyện, thị xã, thành phố:
Rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là đối với các vùng dọc bờ biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng thường xuyên ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ và vùng có nguy cơ sạt lở tại các công trình thuộc khu vực miền núi; chủ động triển khai công tác sơ tán dân, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở những khu vực sơ tán;
Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân;
Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung, đảm bảo thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm thích ứng an toàn, phù hợp trong điều kiện mới; công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/9/2022.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng thu hoạch, bảo vệ lúa, hoa màu vụ Hè Thu và diện tích nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” ở cấp cơ sở và công tác bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở các khu vực ngập lụt, chia cắt; cũng như phương án sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu kịp thời, khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt sau thiên tai;
Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, rà soát các hồ chứa (đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công), các công trình đang thi công; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý khi có sự cố nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động cho học sinh nghỉ học đến khi kết thúc hình thế thiên tai nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và dành thời gian để giáo viên tham gia tổ chức phòng, chống bão, mưa lũ tại trường học.
Sở Xây dựng phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo tạm dừng thi công các công trình cho đến khi kết thúc các hình thế thời tiết nguy hiểm, triển khai các phương án ứng phó thiên tai đảm bảo an toàn công trình về người và tài sản (Lưu ý việc tháo dỡ các cần trục, giàn giáo cao tầng để đảm bảo an toàn).
Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, hiệp đồng, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sư đoàn 968, …rà soát điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện giúp nhân dân phòng, chống mưa bão, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Công an tỉnh sẵn sàng triển khai lực lượng chốt chặn, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét, các ngầm tràn,...
Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm thích ứng an toàn, phù hợp trong điều kiện mới, đặc biệt là ở các địa điểm sơ tán dân tập trung tránh bão, lũ; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng tham gia ứng phó bão, mưa lũ thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả.
Sở Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh rà soát, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho các công trình, đặc biệt là tại các vị trí đang thi công và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất trong phạm vi thực hiện dự án.
Công ty Thủy điện Quảng Trị, Công ty TNHH một thành viên quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, các địa phương và các chủ công trình hồ đập chủ động vận hành các công trình tiêu thoát nước, xả lũ theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du.
Công ty Điện lực Quảng Trị, Truyền tải điện Quảng Trị chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho quá trình cấp điện, ứng phó kịp thời các diễn biến trên thực tế; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong quá trình tham gia xử lý sự cố, khôi phục cấp điện kịp thời cho những khu vực trọng điểm nhằm đảm bảo công tác chỉ huy, chỉ đạo, điều hành phòng, chống bão và mưa lũ.
Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo nhiệm vụ được phân công, trực tiếp về địa bàn để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị tập trung triển khai ngay việc gia cố, chằng chống nhà cửa, trụ sở, kho tàng, hệ thống điện, thông tin liên lạc; đặc biệt đối với các nhà có mái lợp không kiên cố, các trường học, bệnh viện, các công trình đang thi công, bảng hiệu, biển quảng cáo, … đồng thời triển khai đồng bộ việc cắt tỉa cành cây, chằng chống cây trong đô thị, khu dân cư, tại trụ sở các cơ quan, đơn vị; các công việc này phải thực hiện xong trước 12 giờ ngày 27/9/2022.
Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Trị và các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến của bão, mưa lũ để đưa tin kịp thời và tăng thời lượng phát sóng, truyền tin về hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn để các cấp chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh.
Các đơn vị, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để thực hiện các biện pháp ứng phó cụ thể; báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) kết quả triển khai công tác phòng, chống ứng phó bão số 4 và mưa lũ trước 06h00’, 10h00’ và 16h00’ hàng ngày, trong đó tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an toàn tàu thuyền; sơ tán dân; chằng chống nhà cửa, kho tàng, trụ sở, chặt tỉa cành cây, thu hoạch, bảo vệ sản xuất và công tác đảm bảo an toàn trong trường học, bệnh viện,… để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Lê Cử
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.