Trong khi hầu hết mặt hàng rau quả xuất sang Trung Quốc không khả quan thì xuất khẩu chuối qua nước này tăng mạnh.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng chuối cả nước khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm.
Xuất khẩu chuối Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh - Ảnh: TTO
Năm 2021, chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long, xoài.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỉ USD.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính (lớn nhất) hàng rau quả của Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2022 trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,06 tỉ USD, chiếm 43,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Đáng chú ý, xuất khẩu chuối và sầu riêng có trị giá tăng trong 8 tháng đầu năm, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu chuối đạt 237 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ 2021.
Chia sẻ tại Diễn đàn về phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam diễn ra hồi tháng 6 năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết thời gian qua, các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng chuối tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc nhập khẩu 742.000 tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chuối Việt Nam chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập vào Trung Quốc, vượt qua Philippines (28%), Campuchia và Ecuador.
Theo ông Nguyên, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc hơn các nước khác, đây là một yếu tố thuận lợi. Một điều cần lưu ý là hiện nay, diện tích trồng chuối của Trung Quốc đã giảm do chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào, chi phí thuê đất và chi phí lao động tăng khiến nông dân không mặn mà trồng chuối, dẫn đến sự gia tăng về thị phần nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Panama đã khiến chất lượng chuối tại Trung Quốc giảm mạnh do phải sử dụng các loại giống kháng bệnh.
"Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Chuối của Việt Nam có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực" - ông Nguyên nói.
"Trong những tháng cuối năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc tăng, đặc biệt là vào mùa lễ hội cuối năm, dự kiến trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này sẽ khả quan hơn" - Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhận định.
Chuối tươi xuất chính ngạch sang Trung Quốc đáp ứng yêu cầu gì?
Theo dự thảo nghị định thư, chuối tươi xuất khẩu là loại chuối xanh non được thu hoạch trong vòng 10-11 tuần sau khi ra hoa. Chuối chín hoặc chuối bị nứt vỏ sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Chuối xuất khẩu sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như các yêu cầu nêu trong nghị định thư này, không nhiễm 7 đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm.
Ngoài ra, các tiêu chuẩn và yêu cầu khác (tiêu chuẩn liên quan đến sức khỏe con người, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Trung Quốc) không có trong nghị định thư cũng có thể được áp dụng cho chuối tươi của Việt Nam.
Tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được cả bộ này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt.
Tất cả vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật dịch hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu. Hồ sơ phòng trừ sinh vật gây hại bằng biện pháp hóa học phải ghi các thông tin cụ thể gồm tên thuốc, hoạt chất, ngày sử dụng và liều lượng sử dụng trong quá trình canh tác.
Chuối tươi Việt Nam được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây. GACC sẽ kiểm tra tất cả giấy tờ, hồ sơ liên quan.
Những lô hàng từ vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa được phê duyệt sẽ không được nhập vào Trung Quốc. Đồng thời từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc áp dụng biện pháp xử lý thực vật khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật, phát hiện lẫn đất, lá, không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chiều 31/10, tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã cùng chứng kiến 13 văn kiện được các ban, bộ, ngành, trung ương và địa phương ký kết. Trong đó có, nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. |
Theo tuoitre.vn
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…