Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 6 năm 2022 | 21:9

Bắc Giang thực hiện 5 giải pháp trọng tâm phát triển nông nghiệp

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Ngành nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả nổi bật trên cả 3 trụ cột, trong đó nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và toàn diện, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, trở thành điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu cả nước.

Đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về quy mô, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vùng cây ăn quả trên 51 nghìn hecta, đứng tốp đầu cả nước; trong đó vùng vải thiều tập trung 28 nghìn hecta, đứng đầu cả nước, xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ, được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, doanh thu hàng năm trên 5.000 tỷ đồng; vùng cây có múi trên 10,7 nghìn hecta, doanh thu hàng năm trên 1.800 tỷ đồng; vùng rau an toàn gần 12 nghìn hecta; đàn lợn khoảng 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con, đứng thứ 4 cả nước, trong đó đàn gà trên 17 triệu con; vùng sản xuất gỗ nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến 80 nghìn hecta, sản lượng khai thác bình quân trên 950 nghìn m3 gỗ/năm...

 Bắc Giang có vùng vải thiều tập trung 28 nghìn hecta, đứng đầu cả nước, xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ.

 

Hiện, Bắc Giang có nhiều sản phẩm nông sản đã có thương hiệu và thị trường tiêu thụ, nhiều nông sản nổi tiếng ở tầm quốc gia vươn tới xuất khẩu như: vải thiều, mỳ Chũ... Hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng, năm 2021 giá trị sản xuất/ha  sản xuất nông nghiệp đạt 135 triệu đồng; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,28% so với năm 2020 (năm thứ 2 liên tiếp đạt ở mức cao). Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp ước đạt 2,9%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,27%. Đây là những kết quả đáng kích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực và xuất khẩu.

Bắc Giang có vùng cây có múi trên 10,7 nghìn hecta, doanh thu hàng năm trên 1.800 tỷ đồng.

 

Kết quả đạt được là vậy, nhưng ngành Nông nghiệp của Bắc Giang quy mô vẫn còn nhỏ, kinh tế hộ là chủ yếu, liên kết trong sản xuất lỏng lẻo; tăng trưởng có xu hướng chậm lại, không ổn định; năng suất lao động chưa cao, chi phí đầu vào sản xuất cao, hiệu quả thấp, khó cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu; việc thực hiện các tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là các thị trường khó tính; phần lớn nông sản tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng sơ chế thô nên giá trị gia tăng thấp; tổ chức sản xuất theo hướng HTX, trang trại, liên kết theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chưa nhiều.

Thực hiện 5 giải pháp trọng tâm

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển nông nghiệp làm nền tảng bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu đến năm 2030, Bắc Giang là trọng điểm nông nghiệp quốc gia, đứng đầu miền Bắc. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, thời gian tới, Sở tập trung tham mưu thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

 Hiện, Bắc Giang có nhiều sản phẩm nông sản có thương hiệu nổi tiếng ở tầm quốc gia.

 

Thứ nhất, hoàn thiện, bổ sung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng khắc phục tình trạng dàn trải, chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang kết hợp với hỗ trợ gián tiếp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm; hỗ trợ lãi suất tín dụng; hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản, tổ chức lại sản xuất theo hướng trang trại quy mô lớn; hỗ trợ các cơ sở bảo quản, chế biến sâu; hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất. Nâng mức đầu tư từ ngân sách cho phát triển nông nghiệp tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011-2020.

Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng bộ dữ liệu để số hóa toàn bộ các vùng sản xuất tập trung, gắn với sổ nhật ký điện tử để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, cấp mã số định danh cho các trang trại, hộ chăn nuôi theo yêu cầu của các thị trường tiêu thụ nông sản. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

 Bắc Giang sẽ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tập trung vào các sản phẩm chủ lực và địa bàn trọng điểm như: hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ nâng cao chất lượng nông sản.

 

Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng nhất là tại các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt đưa khoa học công nghệ và trình độ quản trị vào chuỗi giá trị. Nâng cao chất lượng, quy mô các HTX nông nghiệp, quan tâm phát triển HTX nông nghiệp có quy mô lớn, hoạt động chất lượng, hiệu quả; thành lập và phát triển các Liên hiệp Hợp tác xã.

Thứ tư, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tập trung nguồn lực phát triển hệ thống thuỷ lợi, đầu tư nâng cấp và xây mới các trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng mới một số hồ, đập ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn; nâng cấp hệ thống đê sông, hồ đập bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, bão lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong các khâu có mức độ cơ giới hóa còn thấp như gieo cấy, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, sấy nông sản, góp phần giảm chi phí sản xuất.

Thứ năm, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản; tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, liên kết với các tập đoàn, tổng công ty, các thành phố lớn để khơi thông, mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa với gần 100 triệu dân; tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường truyền thống Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top