Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 8 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 8 năm 2022 | 19:29

Bắc Giang xuất khẩu lô nhãn tươi đầu tiên sang Australia

Ngày 19/8, tại xã Đồng Kỳ, UBND huyện Yên Thế đã tổ chức lễ xuất hành lô nhãn tươi đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Australia và công bố quyết định chứng nhận VietGAP đối với vùng nhãn xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế.

Bắc Giang có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng, phong phú với các sản phẩm cây trồng, vật nuôi có giá trị. Bước đầu đã tạo được một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung như: vải thiều, lúa chất lượng, lạc, vùng nguyên liệu gỗ; trình độ canh tác và năng lực sản xuất nông nghiệp hàng hóa của nông dân được nâng cao; việc ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật, giống mới vào sản xuất được đẩy mạnh; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được tăng cường, củng cố… đây là những tiền đề quan trọng tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, gắn xây dựng nông thôn mới.

 

 Các đại biểu cắt băng xuất hành lô nhãn sang thị trường Australia. 

 

Diện tích cây ăn quả của tỉnh trên 51.000 ha, là tỉnh có diện tích cây ăn quả các loại lớn thứ 4 toàn quốc, trong đó, vải thiều là cây trồng chủ lực với diện tích trên 28.300 ha đứng thứ nhất toàn quốc, đến nay đã được xuất khẩu trên 30 Quốc gia, trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU... đồng thời vải thiều cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại các quốc gia: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Lào, Campuchia; cây có múi (cam, bưởi) diện tích trên 10.000ha, đứng thứ 3 các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, cây na diện tích trên 2.000 ha, cây dứa 750 ha...

Để phát triển bền vững cây ăn quả, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo mạnh sản xuất để xuất khẩu, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm cây ăn quả, đặc biệt năm 2022 tập trung chỉ đạo để xuất khẩu nhãn. Hiện nay, diện tích nhãn trên toàn tỉnh khoảng 3.400 ha, tổng sản lượng khoảng 20.000 tấn. Nhãn trồng tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, trong đó diện tích nhãn muộn khoảng trên 600 ha.

Đến nay, công tác chỉ đạo sản xuất phục vụ xuất khẩu nhãn đã thực hiện tốt, toàn tỉnh đã cấp được 47 mã số vùng trồng, diện tích 514 ha, sản lượng 4.000 tấn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; 5 mã số vùng trồng, với diện tích 52.92 ha, sản lượng khoảng 450 tấn để xuất khẩu sang thị trường Úc.

Công tác phòng chống sâu bệnh, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đảm bảo an toàn phục vụ xuất khẩu đã được thực hiện đầy đảm bảo theo yêu cầu của nước nhập khẩu như: Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...; Chi cục Trồng trọt và BVTV đã lấy 5 mẫu phân tích dư lượng thuốc BVTV, kết quả 100% các mẫu phân tích đều đảm bảo thu hoạch để phục vụ xuất khẩu; đã kết nối, mời gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết để xuất khẩu nhãn tại 2 huyện Yên Thế và Lục Nam.

Để đảm bảo công tác chỉ đạo sản xuất nhãn gắn với xuất khẩu được thuận lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị huyện Yên Thế và các đơn vị liên quan tăng cường chỉ đạo sản xuất nhãn an toàn, mở rộng diện tích vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung theo dõi, dự tính dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn, giám sát, quản lý sản xuất, phòng trừ sâu bệnh tại các vùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nhãn xuất khẩu; hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và kinh doanh nhãn trên địa bàn; hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc nông dân tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nhãn, đảm bảo doanh nghiệp có đủ sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu.

 

 Những chuyến xe đầu tiên chở nhãn chín muộn Yên Thế xuất sang thị trường Australia.

 

Các doanh nghiệp thông tin đầy đủ chính xác số lượng, các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như: kích thước, chất lượng quả, mẫu mã quả; chuẩn bị đầy đủ các phương án, các điều kiện phục vụ xuất khẩu sang thị trường được ổn định, lâu dài và có hiệu quả. Hướng dẫn người sản xuất thu hoạch, bảo quản, đóng gói theo tiêu tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tại buổi lễ, UBND huyện Yên Thế công bố, trao quyết định công nhận vùng sản xuất nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP cho Hợp tác xã Hào Thành; đồng thời tiến hành nghi thức cắt băng xuất hành lô nhãn muộn Yên Thế đầu tiên sang thị trường Australia.

Đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Toàn Cầu (Lục Ngạn) cho biết, sau khi đưa nhãn chín muộn sang Australia, Công ty sẽ đưa sản phẩm này sang thị trường Trung Quốc. Dự kiến vụ này sẽ thu mua khoảng 500 tấn để xuất khẩu nhãn tươi và chế biến nước ép xuất khẩu sang thị trường Nhật, Australia, Hàn, Singapore, Trung Quốc…

Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, toàn huyện có gần 500 ha nhãn, trong đó 70% là nhãn chín muộn; sản lượng ước đạt hơn 2,5 nghìn tấn. Với ưu điểm quả to, vị ngọt thanh, độ thơm đặc trưng, năm 2022, sản phẩm nhãn chín muộn Yên Thế được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu. Mới đây, hơn 14,5 ha nhãn chín muộn của Hợp tác xã Nông nghiệp Hào Thành, thôn Đồng Lân được cấp chứng nhận VietGAP với sản lượng khoảng 220 tấn.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Vốn chính sách “vực dậy” nghề cho thu nhập cao

    Sát cánh cùng người dân phát triển kinh tế, đồng vốn từ NHCSXH huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã góp phần làm sống lại nghề trồng dâu nuôi tằm tưởng như đã “lụi” lại vươn mình phát triển mạnh mẽ, tạo phong trào thi đua làm kinh tế sôi nổi tại địa phương.

  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

Top