Đại dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi... đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu phát triển của các địa phương. Mặc dù vậy, năm 2020, Bắc Kạn vẫn quyết tâm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đề ra.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất
Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 2.092ha chè; giai đoạn 2016 - 2020, cây chè được nhiều huyện như Ba Bể, Chợ Mới, Chợ Đồn quan tâm đầu tư thâm canh, cải tạo để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt gần 2.000ha, chiếm 85% kế hoạch, sản lượng bình quân đạt 9.491 tấn/năm; diện tích chè được chứng nhận an toàn thực phẩm là 51,9ha; diện tích chè đạt tiêu chuẩn VietGAP là 20,7ha.
Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích chè đạt 2.500ha, sản lượng 12.000 tấn búp tươi/năm. Để hỗ trợ người dân phát triển, thâm canh cây chè, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích như: Đưa các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao vào trồng; hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại.
Năm 2020, huyện Pác Nặm được giao chỉ tiêu trồng 320ha rừng. Đến thời điểm này, tổng diện tích rừng trồng mới trên địa bàn toàn huyện đã đạt trên 854ha, đạt gần 270% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng cây phân tán theo dự án đạt hơn 199ha; trồng lại rừng sau khai thác hơn 255ha; trồng rừng mới do người dân tự bỏ vốn đầu tư hơn 389ha; các chương trình, dự án khác hỗ trợ trồng cây trên địa bàn huyện hơn 11ha...
Tới nay, tổng giá trị gia tăng 8 tháng đầu năm 2020 của tỉnh ước đạt 3.334,5 tỷ đồng, tăng trưởng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 1,47%; khu vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng 3,6% (công nghiệp tăng 3,25%; xây dựng tăng 3,9%); khu vực dịch vụ tăng 0,98%. Tổng sản lượng lương thực có hạt vụ Đông Xuân ước đạt 88.659 tấn, đạt 101% kế hoạch; sản lượng ngô ước đạt 39.263 tấn, bằng 96% kế hoạch. Tổng diện tích trồng rừng đến nay đạt 6.560 ha rừng, bằng 111% kế hoạch. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 825 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch, tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2019.
Phát huy vai trò của các dòng vốn
Từ đầu năm đến nay, tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến. Tính đến ngày 20/8, tổng số vốn đầu tư công năm nay được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ cho tỉnh là hơn 2.131 tỷ đồng, đã thực hiện phân bổ chi tiết hơn 2.126 tỷ đồng; công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 769 tỷ đồng, bằng 36% so với kế hoạch, tăng 200 tỷ đồng so với ngày 31/7/2020.
Cụ thể: Vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương giải ngân được 233.790/556.660 triệu đồng; Nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân 535.890/1.574.857 triệu đồng. Vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2020 là 269.606 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn vốn ODA năm 2020 của tỉnh được giao rất lớn, bằng 45% kế hoạch vốn của cả giai đoạn 2016-2020, nên không có khả năng giải ngân kế hoạch vốn bổ sung năm 2019. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu hồi số vốn 176.246 triệu đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều ổn định, nguồn vốn huy động tiếp tục tăng.
Tính đến 31/8/2020, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 8.850 tỷ đồng, tăng 9,7% so với 31/12/2019, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 9.465 tỷ đồng, giảm 1,6% so với 31/12/2019, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) ước đạt 3.020 tỷ đồng, chiếm 41,3% tổng dư nợ, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Nợ xấu trên địa bàn tỉnh ước 66 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng dư nợ, tăng 10% so với cuối năm 2019, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 8, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tiếp tục duy trì giảm lãi suất huy động tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,2%/năm; lãi suất huy động tối đa tiền gửi có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,25%/năm. Hiện nay, lãi suất huy động của các chi nhánh NHTM nhà nước cao nhất là 6,8%/năm, thấp nhất 0,1%/năm; lãi suất huy động của chi nhánh NHTM cổ phần cao nhất là 7,5%/năm, thấp nhất 0,1%/năm; duy trì lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,0%/năm. Hiện, lãi suất cho vay của các chi nhánh NHTM nhà nước cao nhất là 11,5%/năm, thấp nhất 4,8%/năm; lãi suất cho vay của chi nhánh NHTM cổ phần cao nhất là 15,1%/năm, thấp nhất 8,4%/năm. Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất huy động vốn cao nhất 6%/năm, thấp nhất 0,1%/năm, lãi suất cho vay cao nhất 9,0%/năm, thấp nhất 1,2%/năm.
Chú trọng yếu tố thị trường
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 8 ước đạt hơn 405 tỷ đồng, tăng 1,86% so tháng 7, tăng 2,08% so cùng kỳ năm trước; lũy kế 8 tháng ước đạt hơn 2.685 tỷ đồng, giảm 9,46% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 so với tháng trước tăng 0,36%, trong đó: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,84%, nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,14%; nhóm hàng giao thông tăng 0,27%; nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,18%.
Những năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh liên tục tăng trưởng trên nhiều tiêu chí: Kim ngạch, thị trường, mặt hàng tham gia xuất khẩu… Theo số liệu từ Chi cục Hải quan Bắc Kạn, năm 2016 xuất khẩu của tỉnh đạt 0,06 triệu USD; đến năm 2019 đạt 2,5 triệu USD; 7 tháng đầu năm 2020 đạt 2,1 triệu USD; năm 2020 dự ước 3 triệu USD. Đến nay đã có 07 đơn vị thực hiện xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh, gồm: Công ty Cổ phần kinh doanh VMPC, Công ty TNHH Việt Nam MISAKI, Công ty Cổ phần Đầu tư Govina, Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam, Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty TNHH XNK Vinacom Việt Nam, HTX Miến dong Tài Hoan.
Điều đáng mừng là thị trường xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh ngày càng mở rộng. Nếu như những năm trước, Bắc Kạn chỉ có một số sản phẩm khoáng sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thì 03 năm trở lại đây, một số sản phẩm của tỉnh đã thâm nhập những thị trường lớn và “khó tính” như: Mỹ, EU, Nhật Bản… với các mặt hàng là quả mơ, gừng tươi đã qua sơ chế, đũa gỗ, miến dong. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu trên cả nước nhìn chung gặp nhiều khó khăn, song xuất khẩu của Bắc Kạn vẫn đạt được 2,1 triệu USD. Lần đầu tiên 5,3 tấn miến dong của HTX Tài Hoan (Na Rì) đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc, trị giá gần 15.000 USD. Dù giá trị chưa phải là lớn, nhưng là tín hiệu đáng mừng cho sản phẩm OCOP 4 sao của Bắc Kạn vươn tới thị trường vốn được mệnh danh là khắt khe và khó có "cửa" cho các sản phẩm nông sản địa phương.
Đồng chí Đinh Lâm Sáng- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Xuất khẩu lô miến dong lần đầu tiên sang Cộng hòa Séc- một trong những thị trường khó tính của châu Âu đã mở ra một hướng đi mới không chỉ cho HTX Tài Hoan mà còn là động lực cho các đơn vị, doanh nghiệp khác cố gắng để có thêm những sản phẩm nông sản của tỉnh tiếp tục được xuất khẩu. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, nhất là các sản phẩm đã đạt 4 sao, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện sản phẩm, phát triển đủ số lượng, chất lượng để cung ứng, đảm bảo các điều kiện xuất khẩu. Đồng thời, tạo các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, HTX, hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.
Trong tháng 7/2020, thông qua “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm bí xanh thơm, gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2020” tại Hà Nội, nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh đã được người tiêu dùng Thủ đô biết đến, một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã tìm được đối tác để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Cụ thể như: HTX Nhung Lũy ký hợp đồng và cung cấp cho hệ thống siêu thị VinMart 07 tấn bí; cung cấp sản phẩm bí xanh và bí phấn cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Đồng Quê, Cầu Giấy (Hà Nội) đơn hàng đầu tiên là 03 tấn bí; Công ty TNHH MEVI, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An (Hà Nội) với tổng đơn hàng 04 tấn bí...
Từ năm 2016 đến nay, Bắc Kạn đã hỗ trợ 56 lượt HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh; 100% các HTX khi tham gia được hỗ trợ miễn phí thuê gian hàng; hỗ trợ vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ tiền ăn, ở trong suốt quá trình diễn ra hội chợ...
Kết luận phiên họp tháng 9/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc đánh giá công tác 8 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ 4 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Lý Thái Hải nhấn mạnh: Những tháng cuối năm, đề nghị các ngành, địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh để hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra; đồng thời chủ động rà soát tất cả các chỉ tiêu theo Nghị quyết của HĐND và UBND tỉnh đã đề ra để có phương án thực hiện hiệu quả; xây dựng kịch bản, thiết thực chủ động đối phó với dịch bệnh Covid-19. Xác định được những việc làm cụ thể và có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các địa phương, sự vào cuộc của các ngành, các cấp; chúng ta có quyền tin rằng, các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bắc Kạn đã đề ra cho năm 2020 sẽ hoàn thành, là tiền đề để tỉnh đặt mục tiêu cao hơn cho năm 2021 tới đây.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.