Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 5 năm 2020 | 12:44

Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển kinh tế HTX

Bắc Kạn là một tỉnh khó khăn, địa hình, hạ tầng giao thông nơi đây chưa hấp dẫn các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nên việc đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế HTX sẽ là giải pháp hữu hiệu để đưa địa phương đi lên.

Tháo gỡ vướng mắc trong vay vốn phát triển hợp tác xã

Ngày 17/7/2019, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách về tiếp cận vốn, chính sách hỗ trợ đào tạo, chính sách thúc đẩy tiêu thụ,...

 

ô-hình-hợp-tác-liên-kết-trồng-cây-khoai-môn-tím-tại-thị-trấn-đồng-tâm.jpg
Mô hình hợp tác, liên kết trồng cây khoai môn tím tại thị trấn Đồng Tâm.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, số lượng HTX tiếp cận được vốn còn thấp, nguyên do là một số HTX có năng lực quản trị, điều hành, phương án sản xuất, kinh doanh hạn chế; chưa xây dựng được cách thức quản lý và sử dụng vốn; chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm,... Một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn theo quy định của ngân hàng như: hồ sơ pháp lý không đầy đủ, chặt chẽ; phương án sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả,...; phần lớn các HTX chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng thường xuyên với các ngân hàng thương mại; 90% HTX không có trụ sở, việc đóng góp vốn bằng tiền mặt của thành viên rất ít,…

Bởi vậy, từ đầu năm đến nay, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục tư vấn, lựa chọn và hỗ trợ các HTX tham gia dự án xây dựng mô hình Hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị, nhằm tiếp cận chính sách hỗ trợ vay vốn theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Để các HTX sớm có vốn sản xuất, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh đã thống nhất với một số HTX về danh mục dự án hỗ trợ phát triển hợp tác xã về đầu tư xây dựng xưởng sơ chế, chế biến, sân phơi, nhà kho cho các hợp tác xã nông nghiệp từ nguồn vốn dự phòng 10% thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn hỗ trợ mạnh cho các hội viên

Đến nay, các HTX trong tỉnh Bắc Kạn đã cơ bản hoạt động theo Luật HTX, một số HTX đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng cường quan hệ mở rộng thị trường, đầu tư máy móc và công nghệ mới; tiêu biểu như: HTX Cao Phong (Chợ Đồn); HTX Trần Phú (Na Rì); HTX Chè Mỹ Phương (Ba Bể),...

 

htx-hợp-giang-sản-xuất-hơn-2-vạn-bịch-phôi-nấmtháng-cung-cấp-ra-thị-trường.jpg
HTX Hợp Giang sản xuất hơn 2 vạn bịch phôi nấm/tháng cung cấp ra thị trường

 

Đồng chí Trần Ngọc Quang – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam và UBND tỉnh, chúng tôi tiếp tục chủ động khắc phục hạn chế nhằm thúc đẩy hoạt động HTX phát triển. Liên minh HTX chủ động tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt Đề án xây HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, nông sản, hàng hóa có thế mạnh của địa phương.

Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng về phát triển HTX thông qua nhiều hình thức khác nhau; đổi mới phương thức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX theo hướng đào tạo từ thực tiễn; chú trọng phổ biến kinh nghiệm từ các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; khuyến khích các HTX liên doanh, liên kết, xây dựng kế hoạch sản xuất khả thi để tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi,... hướng tới phát triển ổn định, bền vững.

Bạch Thông nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Trên địa bàn huyện Bạch Thông hiện có 18 HTX đang hoạt động, trong đó có 03 HTX mới thành lập, 05 HTX hoạt động khá tốt, điển hình như: Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang (HTX Hợp Giang), HTX Đại Hà, HTX Hương Ngàn, HTX Thiên An, HTX Đức Mai… Các hợp tác xã này hoạt động với doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động, có thu nhập ổn định.

 

hơn-40-lao-động-có-việc-làm-thường-xuyên-tại-các-htx.jpg
Hàng trăm lao động có việc làm thường xuyên tại các HTX trong huyện.

 

Đồng chí Đinh Quang Hưng- Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Thời gian qua, Bạch Thông tập trung đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo chiều sâu, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc và giá trị theo Luật HTX. Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức phối hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ hoạt động kinh doanh cho các HTX, như xúc tiến thương mại, tham gia các cuộc giới thiệu sản phẩm, hội chợ; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, máy móc, chế biến sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Huyện chú trọng xây dựng, nhân rộng các hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực nông nghiệp để gắn kết với thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hợp tác xã, liên kết với hợp tác xã theo chuỗi giá trị; thực hiện tốt các dịch vụ đầu vào cho sản xuất; trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết sản xuất, phát triển sản phẩm mới theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Huy động các nguồn lực tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã phát triển bền vững, hoạt động có hiệu quả.

Chợ Mới thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Chợ Mới đã và đang thực hiện liên kết với doanh nghiệp để trồng, tiêu thụ nông sản, nhằm giải quyết “đầu ra” cho nông sản, nâng cao giá trị sản xuất, tăng lợi nhuận cho người nông dân.

 

mô-hình-trồng-rau-an-toàn-trong-nhà-lưới-của-tổ-hợp-tác-rau-của-htx-an-thịnh-thị-trấn-chợ-mới.jpg
Mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới của Tổ hợp tác rau của HTX An Thịnh, thị trấn Chợ Mới

 

Theo đó, từ năm 2018 đến nay, huyện đã thực hiện ký kết hợp tác với một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina; Công ty Misaki; Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Thanh Nhàn để trồng, bao tiêu sản phẩm củ khoai tây lòng trắng, củ khoai môn tím và quả mơ. Hình thức liên kết đa dạng như doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Đối với quả mơ, năm 2018 Công ty Misaki hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm trong thời gian 5 năm. Hằng năm, Công ty thu mua hơn 500 tấn mơ trên địa bàn huyện phục vụ cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm ô mai mơ và mơ muối sang thị trường Nhật Bản.

Năm 2019, huyện hợp tác liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Orion Vina thực hiện trồng, bao tiêu sản phẩm củ khoai tây lòng trắng trên tổng diện tích hơn 16ha tại thị trấn Đồng Tâm và xã Như Cố. Sản lượng khoai tây vụ đầu tiên đạt gần 300 tấn, doanh nghiệp thu mua với giá bình quân 7.000 đồng/kg.

Năm 2020, huyện tiếp tục tìm hiểu và thực hiện liên kết với Công ty TNHH Dịch vụ nông nghiệp Thanh Nhàn (Thái Bình) để trồng, bao tiêu hơn 7ha cây khoai môn tím tại thị trấn Đồng Tâm. Mô hình triển khai thí điểm với sự tham gia của 46 hộ dân, các hộ được hỗ trợ 70% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tự đối ứng 30%.

Theo đồng chí Bùi Nguyên Quỳnh- Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, vấn đề hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không chỉ giải quyết "đầu ra" ổn định cho nông sản mà còn góp phần tăng sức sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Hơn nữa, trong bối cảnh sản xuất nông sản trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, canh tác theo phương thức truyền thống như hiện nay thì sự hợp tác, liên kết trong tiêu thụ nông sản càng trở nên cần thiết.

Chọn hướng đi bền vững

HTX tinh dầu Fresh Oil (xã Hà Vị, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) chuyên trồng và sản xuất tinh dầu từ các loại cây dược liệu, hương liệu, cây gia vị như hồi, quế, gừng, sả, quýt, bạc hà... 

 

sản-phẩm-dung-dịch-rửa-tay-sát-khuẩn-phòng-chống-dịch-covid-19-của-htx-fresh-oil.jpg
Sản phẩm dung dịch rửa tay sát khuẩn phòng chống dịch Covid-19 của HTX Fresh Oil

 

Với quy trình sản xuất đều được khép kín, từ khi thu hoạch nguyên liệu đến khi có sản phẩm ra thị trường, mọi công đoạn đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống máy móc hiện đại còn giúp tách chiết gần như triệt để tinh dầu, bảo môi trường và tiết kiệm chi phí, bã, lá cây, cành; nguyên liệu sau khi tách chiết tinh dầu được sử dụng làm phân bón hữu cơ và một phần được xay nhỏ thành bột hương, hạn chế chất thải ra môi trường. Với quy trình liên kết bền chặt, HTX hỗ trợ 100% giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm và thu mua theo giá cả thị trường cho người dân, từ đó tạo thêm nhiều bà con tham gia vào HTX. Sau 2 năm đi vào hoạt động, HTX tinh dầu Fresh Oil đã nhanh chóng tiếp cận thị trường, đảm bảo được đầu ra ổn định; các bộ phận: văn phòng, kế toán, bộ phận tiếp cận thị trường, hai tổ sản xuất với 6 đại lý, nhà phân phối hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.               

Như Cố: Mô hình HTX đang thúc đẩy phát triển cây chè của xã

Xã Như Cố (huyện Chợ Mới) hiện có khoảng 100ha chè trung du. Nhiều năm nay, người dân đều canh tác và chế biến chè theo phương thức truyền thống, năng suất, chất lượng không cao do đó chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh từ cây trồng này. Vì vậy, để người trồng chè có thể làm giàu từ cây trồng này, xã đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai xây dựng mô hình phát triển cây chè theo hướng nông nghiệp sạch VietGAP, với  mục tiêu phát triển theo hướng hàng hóa gắn với tuân thủ các quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm an toàn.

 

mô-hình-trồng-chè-theo-tiêu-chuẩn-vietgap-ở-xã-như-cố.jpg
Mô hình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Như Cố

 

Theo đó, trên nền diện tích chè sẵn có của địa phương, năm 2019 xã Như Cố đã khảo sát, lựa chọn và quy hoạch thành vùng để phát triển mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP trên quy mô 10ha, với 54 hộ tham gia. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% phân bón, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu chăm sóc, trồng, thu hái, sao sấy, còn lại người dân đối ứng 50%.

Hiện nay, sản phẩm chè búp Như Cố là một trong những sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định. Đóng góp vào thành công đó, ngoài các cơ sở chế biến nhỏ của các hộ gia đình, trên địa bàn xã còn có xưởng chế biến chè của HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố. HTX đã mạnh dạn đầu tư và được hỗ trợ của các cơ quan chức năng để các sản phẩm chè không ngừng nâng cao chất lượng, đạt tiêu chuẩn OCOP. Với hệ thống máy sao sấy, máy đóng gói, hút chân không, sản phẩm chè sản xuất ra đảm bảo chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp với đầy đủ xuất xứ nguồn gốc, có thương hiệu, có nhãn hàng hóa.

Huyện Ba Bể: Nâng cao vai trò của HTX trong phát triển kinh tế - xã hội 

Hiện nay, huyện Ba Bể có 14 HTX và khá nhiều tổ hợp tác đang hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Các HTX đang phát huy tốt vai trò cầu nối trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, tiêu biểu như: HTX Yến Dương, HTX Sang Hà, HTX Phương Đức, HTX Đồng Lợi, HTX Phúc Ba, HTX Hoàng Huynh, HTX Nhung Lũy…

Tại xã Quảng Khê đang phát triển mạnh mô hình trồng cây hồng không hạt đang mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Để nâng cao hiệu quả của cây trồng này, xã đang tích cực phối hợp với HTX Đồng Lợi xây dựng các phương án sản xuất an toàn, thúc đẩy cơ giới hóa gắn với xây dựng chuỗi giá trị, áp dụng kỹ thuật mới, nhằm đưa cây hồng trở thành cây chủ lực, cây bền vững của địa phương.

Tại xã Mỹ Phương, cây chè đang là cây chủ lực với diện tích hơn 500ha. HTX chè Mỹ Phương đang là đơn vị dẫn dắt, định hướng người trồng chè trong xã phát triển sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tạo điều kiện để sản phẩm chè của địa phương vươn xa.

Ngoài ra tại xã còn có HTX Yến Dương, đến nay đã có 25 thành viên tham gia (trong đó hộ nghèo 8, cận nghèo, 10 hộ vừa thoát nghèo và 7 hộ trung bình). HTX đã liên kết với 170 hộ tại địa phương trong hoạt động sản xuất. Các sản phẩm được HTX Yến Dương tập trung sản xuất và đưa ra thị trường có nguồn gốc tại địa phương như bí xanh thơm, gạo nếp Tài, miến dong tráng tay, sản phẩm đan lát thủ công truyền thống mây tre đan, các hoạt động liên quan tới dịch vụ du lịch trải nghiệm...

 

giám-đốc-htx-yến-dương-chị-ma-thị-ninh-kiểm-tra-sản-phẩm-của-htx.jpg
Giám đốc HTX Yến Dương, chị Ma Thị Ninh kiểm tra sản phẩm của HTX

 

Chị Ma Thị Ninh - Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Thời gian qua HTX tích cực tập huấn, đào tạo nghề, giúp các thành viên nắm vững quy trình sản xuất chè VietGAP, từ khâu canh tác, chăm sóc, thu hái, đến khâu sơ chế, sao chè, đóng gói, bảo quả chè… đảm bảo chất lượng chè đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, HTX đã được Chương trình FFF, giai đoạn II lựa chọn đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực.

Với sự coi trọng phát triển kinh tế HTX và sau gần 01 năm thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Bắc Kạn. Tới nay nhiều HTX mới được thành lập, nhiều HTX kinh doanh có hiệu quả xuất hiện, một số mô hình HTX hoạt động đa lĩnh vực nở ra, góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, tiếp tục nâng cao thu nhập và sự phát triển bền vững cho bà con nhân dân trong tỉnh.

 

 

 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
Top