Bảo hiểm tiền gửi được coi là "lá chắn thép" giúp bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân.
Khi gửi tiền tiết kiệm bằng Việt Nam Đồng vào tổ chức tín dụng đồng nghĩa với việc số tiền đó được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Tuy nhiên, quyền lợi người gửi tiền sẽ được đảm bảo thế nào, vai trò của tổ chức BHTG thể hiện ra sao không phải ai cũng biết.
Tầm quan trọng của chính sách BHTG
BHTG là tổ chức tài chính đặc biệt trong hệ thống tài chính của một quốc gia và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Xét về vai trò, BHTG được coi là công cụ chính sách công nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống tài chính và giúp ổn định xã hội, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng. Tuy đối tượng thụ hưởng lợi ích trực tiếp của BHTG là người gửi tiền thuộc đối tượng bảo hiểm, nhưng có thể nói, lợi ích mà BHTG mang lại là cho toàn xã hội.
Mục tiêu tôn chỉ của tổ chức BHTG là bảo vệ người gửi tiền, mà trên hết là những người gửi tiền nhỏ, ít hiểu biết về tài chính. Khi người dân thiếu lòng tin vào hệ thống tài chính - ngân hàng sẽ dẫn đến khả năng tạo thành “hiệu ứng domino”, trước hết hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng, sau đó là tạo hệ lụy đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước. Người dân sẽ phản ứng bằng nhiều cách như rút tiền ồ ạt từ hệ thống ngân hàng, chuyển sang đầu cơ và tích trữ các loại tài sản khác như vàng, ngoại tệ… khiến cho dòng tiền không được đổ vào sản xuất, Chính phủ khó kiểm soát thị trường và gặp vướng mắc trong điều hành chính sách tiền tệ.
Vì quyền lợi của người gửi tiền
Kể từ khi thành lập vào năm 1999, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) luôn đặt mục tiêu, tôn chỉ hoạt động là bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng và bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Luật pháp quy định việc tham gia BHTG là bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có huy động tiền gửi cá nhân bằng đồng Việt Nam và các tổ chức này nộp phí BHTG ở mức 0,15% số dư bình quân tiền gửi.
Người gửi tiền được bảo hiểm với hạn mức tối đa 75 triệu đồng. Với hạn mức này, BHTGVN bảo vệ toàn bộ cho 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tại thời điểm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm từ 50 triệu lên 75 triệu). Phần vượt hạn mức người gửi tiền sẽ được nhận trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG đổ vỡ. Điều này thể hiện cam kết của Nhà nước trong việc đảm bảo an toàn đối với tiền gửi của người gửi tiền trong hạn mức BHTG khi các tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng xấu.
Ngoài ra, người gửi tiền được BHTGVN gián tiếp bảo vệ thông qua một loạt các nghiệp vụ BHTG như: cấp Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, giám sát thường xuyên, kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện rủi ro sớm hơn, đưa ra những cảnh báo kịp thời và ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ của tổ chức tín dụng, giúp gìn giữ trật tự, kỷ cương trong hệ thống ngân hàng. BHTGVN luôn đồng hành cùng mỗi bước đi của tổ chức tín dụng, để họ biết mình mạnh yếu ra sao, đón lường các rủi ro tiềm ẩn, từ đó có biện pháp chấn chỉnh để hoạt động ngày càng an toàn, hiệu quả hơn.
Riêng đối với nghiệp vụ chi trả, đến nay BHTGVN đã thực hiện chi trả cho người gửi tiền tại 39 Quỹ tín dụng nhân dân. Công tác chi trả được thực hiện kịp thời, đúng quy trình, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, kết hợp với việc thực hiện tuyên truyền trước và trong quá trình chi trả đã giúp ổn định tâm lý người dân và góp phần giữ vững an ninh, chính trị tại địa phương.
Bảo vệ quyền lợi người gửi tiền song hành với việc nâng cao nhận thức người dân về hoạt động ngân hàng - lĩnh vực kinh doanh vô cùng nhạy cảm và có hiệu ứng lan truyền cao. Những năm qua, BHTGVN thường xuyên tổ chức phổ biến chính sách BHTG cũng như những kiến thức tài chính cơ bản cho người gửi tiền ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. BHTGVN đã bám sát các diễn biến trong hệ thống ngân hàng, thực hiện tuyên truyền chính sách một cách phù hợp với các đối tượng công chúng khác nhau. Xác định trọng tâm tuyên truyền là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa và sinh viên khối kinh tế các trường đại học, BHTGVN triển khai tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức sự kiện tuyên truyền thông qua các tổ chức tham gia BHTG cũng như tuyên truyền trực tiếp tới công chúng. Nhờ có vậy, chính sách BHTG ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố niềm tin của người dân, nguy cơ rủi ro từ đó được ngăn chặn.
Qua 20 năm hoạt động, BHTGVN đã mở rộng mạng lưới hoạt động gồm Trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh tại các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, giúp triển khai kịp thời và đồng bộ các hoạt động nghiệp vụ BHTG, từ đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền. Khái niệm về BHTG và các chính sách liên quan đến BHTG đang dần đi vào đời sống của người dân, khẳng định sứ mệnh bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, tạo dựng niềm tin cho công chúng và duy trì an toàn mạng tài chính quốc gia.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.