Bệnh khảm trên lá sắn gây thiệt hại cho nông dân Phú Yên
Trên những gò đồi, cây sắn bị bệnh khảm lá còi cọc, lá nhăn nheo, nông dân đi thăm rẫy sắn chỉ còn biết lắc đầu thở dài ngao ngán.
Trồng giống sắn cũ nhiễm bệnh
Hiện, người dân trồng sắn ở các xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, Đa Lộc (Đồng Xuân, Phú Yên) sau khi thu hoạch xong vụ sắn 2021 và đã trồng vụ sắn mới vụ mới. Bà con loay hoay tìm giống sắn sạch bệnh để vào vụ mới nhưng không có, đành lấy giống sắn cũ bị nhiễm bệnh trồng lại.
Gia đình ông Bùi Văn Thành ở xã Đa Lộc thuê máy cày chảo xới 3 sào đất trồng sắn, nhìn đất màu mỡ gà, ông Thành tiếc vì không có giống sắn mới sạch bệnh để trồng, đành phải trồng lại giống sắn cũ bị nhiễm bệnh khảm lá.
Ông Thành tâm sự: "Tôi canh tác sắn hơn 20 năm nhưng hơn 5 năm qua bệnh khảm lá đeo bám cây sắn dữ quá. Khi sắn bị bệnh, lá xoắn lại, cây không phát triển, thấp còi, lá của nó nhăn nheo nhìn thấy tội nghiệp. Khi thu hoạch, củ của nó chỉ bằng ngón chân cái là to nhất, còn trước đây sắn không bị bệnh, lá xanh mượt, củ to bằng bắp tay, dài gần nửa mét...".
Dọc theo vùng gò đồi xã Xuân Quang 2, Xuân Quang 3, cây sắn trồng cao chưa quá gang tay người lớn đã bị xoắn đọt. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, nông dân phải thường xuyên thay đổi giống để sắn không bị bệnh, nhưng ông Nguyễn Văn Lộc ở xã Xuân Quang 3 vẫn phải tái sử dụng giống lâu nay để trồng.
“Đâu có giống sắn mới để trồng, nên tôi phải trồng giống sắn cũ. Cách đây 1 năm, tôi trồng 0,5ha sắn, do sắn bị bệnh khảm lá nên cuối vụ nhổ bán xô tại ruộng với giá chỉ 1.600 đồng/kg, so với các năm trước giá cao hơn nhưng do ít củ, thu chưa đến 1,5 triệu đồng. Tôi nghe trên xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) có người được hỗ trợ giống sắn mới sạch bệnh nhưng số lượng ít quá. Gia đình tôi mong muốn sớm tiếp cận được giống sạch bệnh để yên tâm canh tác”, ông Nguyễn Văn Lộc chia sẻ.
Huyện Tây Hòa có diện tích trồng sắn trải rộng từ xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Đông, Hòa Mỹ Tây. Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, diện tích sắn trồng 2.810ha, đến nay, sơ bộ có ít nhất hơn 2.000ha sắn đã bị nhiễm bệnh khảm lá nặng, tỉ lệ bệnh 70 - 100% cây.
Ông Nguyễn Văn Long ở xã Hòa Mỹ Tây cho hay: Cây sắn đã gắn bó lâu nay với hầu hết người dân tại địa phương, dù bị khảm lá hoành hành thời gian gần đây nhưng loại cây này ưa đất vùng gò đồi, nông dân chuyển đổi cây trồng cứ 2 năm trồng mía (năm mía tơ, năm mía gốc) và 1 năm trồng sắn. Cây sắn dễ trồng, chịu hạn, làm lương thực tại chỗ bằng cách nấu, xay bột làm bánh nên bà con vẫn gắn bó với cây này.
Theo ông Đào Văn Roa, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Hòa, cây sắn đem lại kinh tế cao, chiếm trên 50% diện tích đất nông nghiệp vùng gò đồi. Tuy nhiên 5 năm gần đây, toàn bộ diện tích sắn tại địa phương đã bị nhiễm bệnh khảm lá, mức độ ngày càng tăng, bà con có thói quen giữ cây lại làm giống cho mùa sau, trong khi giống sạch bệnh chưa có để thay thế.
Giảm diện tích
Ông Ma Hương ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) vừa thu hoạch đám sắn vụ muộn chia sẻ: Sắn ở đây nông dân trồng vùng gò đồi gần nhà, đi làm về lỡ bữa cơm ra sau nhà nhổ bụi sắn nấu ăn. Tuy nhiên, sắn bị bệnh khảm lá củ bị sượng, nấu hoài không chín, còn trước đây cũng giống sắn này lúc chưa bị bệnh thì củ ăn rất bùi, thơm.
"Sắn không bị bệnh nhổ một bụi nấu đầy nồi, nay nhổ 3 bụi mới nấu đủ nồi. Một đặc điểm nữa là sắn bị bệnh khảm lá... không biết lớn! Có thúc phân cỡ nào lá cũng lá rũ buồn, cây thấp còi nhìn thấy thảm, còn trước đây sắn không bị bệnh mỗi lần thúc phân màu lá xanh đậm trải dài", ông Ma Hương kể.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh, diện tích trồng sắn trên địa bàn huyện niên vụ 2020 - 2021 là 12.306ha, năng suất sắn bình quân đạt 175 tạ/ha, giảm 40 tạ/ha so với niên vụ trước, nguyên nhân do nắng hạn, bệnh khảm lá virus gây hại nặng.
Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh cho biết: Thời gian qua nắng hạn, cùng với bệnh khảm lá gây hại khiến năng suất sắn giảm, dẫn đến giảm thu nhập của người trồng sắn giảm mạnh. Do đó, kế hoạch năm 2022, toàn huyện giảm diện tích trồng sắn xuống còn 10.000ha. Việc giảm diện tích sắn, tăng diện tích mía, hoa màu và trồng các cây ăn quả khác nhằm một phần cắt đứt nguồn bệnh khảm lá sắn, một phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, giúp nông dân thu nhập cao hơn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, niên vụ sắn 2021 - 2022, nông dân đã trồng 29.709ha, đến nay đã thu hoạch 24.048,8ha; ước năng suất bình quân khoảng 166 tạ/ha (trong khi đó theo kế hoạch ngành nông nghiệp tỉnh đề ra năng suất sắn đạt 220 tạ/ha).
Niên vụ sắn 2022 - 2023, toàn tỉnh đã trồng 13.132 ha, đang giai đoạn phát triển thân lá. Hiện, bệnh khảm lá virus gây hại hơn 5.500ha; trong đó huyện Sông Hinh 2.000ha, Đồng Xuân diện tích nhiễm 1.500ha, Phú Hòa diện tích nhiễm 20ha… Niên vụ sắn 2022 - 2023, nông dân tiếp tục trồng sắn, do đó khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh truyên truyền để nông dân chọn các giống ít nhiễm bệnh để trồng. Khi sắn phát triển thân lá, cần tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân, khi phát hiện cây bị bệnh thì nhổ, loại bỏ…
Người dân không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống sắn HLS11 ở các vụ sau.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết: Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá sắn do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm” với quy mô 20ha, thực hiện tại xã Xuân Quang 2.
Qua kiểm tra, tuy bị bệnh khảm lá virus gây hại nhưng sắn đã có từ 4 - 6 củ/gốc, trọng lượng củ khoảng 1 kg/gốc. Thời gian đến, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục xây dựng triển khai các mô hình phòng, chống bệnh khảm lá, tìm giống sắn sạch bệnh để mở rộng ra sản xuất.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.
Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã chuyển tải kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp chủ động chuyển từ sinh hoạt trực tiếp sang gián tiếp qua nhóm Zalo, Zoom..., vừa đảm bảo các hoạt động thường xuyên, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tuyên truyền cho cán bộ, hội viên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, Hội Làm vườn huyện Yên Thành (Nghệ An) còn chú trọng nhân rộng các mô hình VAC hiệu quả.