Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2019 | 23:8

Bộ Công Thương lấy ý kiến dự thảo Thông tư Made in Vietnam

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

anh-72.jpg
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam và sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Ảnh minh họa xe Vinfast của Vingroup.

Theo Bộ Công thương, cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.

Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Để khắc phục các bất cập trên, ngày 29 tháng 6 năm 2018, Bộ Công Thương đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ được nghiên cứu, xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, sau 1 năm trao đổi với các bộ, ngành hữu quan về cơ sở pháp lý cũng như hình thức văn bản, Bộ Công Thương đã hoàn thành dự thảo ban đầu dưới hình thức Thông tư và đăng tải để lấy ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

Dự thảo Thông tư này được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được áp dụng trong dự thảo Thông tư.

Về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43.

Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định 43, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua.

Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.

Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý của đông đảo người dân và doanh nghiệp, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước hết là về sự cần thiết phải ban hành Thông tư, sau đó là về nội dung của Thông tư và về các tác động có thể có đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

Tăng cường phòng chống hàng hóa giả nhãn mác

Liên quan tới xuất xứ hàng hóa, ngày 23/7/2019, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch số 19/KH- BCĐ389 về Tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

20_29_21_qtri.jpg
Các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của nhiều người dân cả nước. Một số đối tượng lợi dụng tâm lý đó đã đặt hàng sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu chính ngạch hoặc nhập lậu về Việt Nam sau đó lắp ráp, đóng bao bì, gắn mác “Made in Vietnam” để đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức ký kết 13 FTA, theo các cam kết trong FTA, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi, điều này cũng kèm theo nguy cơ hàng hóa từ các quốc gia lân cận không được hưởng ưu đãi đưa sang Việt Nam thực hiện mộtsố công đoạn gia công đơn giản như dán nhãn, đóng gói, hoặc lắp ráp đơn giản… sau đó xuất khẩu đi nước thứ ba.

Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đấu tranh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan và tác hại của việc sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm.

Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến các quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế.

 

Bắt quả tang hàng trăm máy bơm làm giả xuất xứ

Chiều 30/7, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bắt quả tang Công ty cổ phần thiết bị Điện 368 ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang có hành vi làm giả xuất xứ mặt hàng máy bơm nước để trục lợi bất chính.

vlcsnap-2019-08-02-00h03m15s304.png

 vlcsnap-2019-08-02-00h01m14s787.png

 vlcsnap-2019-08-02-00h00m56s548.pngCông ty cổ phần thiết bị Điện 368 đang có hành vi làm giả xuất xứ mặt hàng máy bơm nước

Vào thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 160 máy bơm nhập khẩu nguyên chiếc đã bị thay đổi xuất xứ hàng hóa bằng thủ đoạn xé bỏ nhãn mác ghi chữ "Made in China" và thay bằng nhãn mác "Made in Viet Nam". Hiện trong kho có hơn 300 chiếc máy bơm được sản xuất tại Trung Quốc vẫn còn nguyên nhãn mác.

Theo quy định, mặt hàng máy bơm nước bắt buộc phải được cơ quan chức năng tiến hành kiểm định chất lượng trước khi tiêu thụ ra thị trường, nhưng tất cả số hàng tại đây không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh về chất lượng.

Qua quá trình đấu tranh, chủ doanh nghiệp đã thừa nhận hành vi sản xuất hàng giả. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra truy xét đại lý nào đã tiêu thụ sản phẩm máy bơm giả xuất xứ Việt Nam từ doanh nghiệp này để mở rộng xử lý theo quy định.

 

 

Hoàng Văn (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

Top