Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 28 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 5 năm 2021 | 15:47

Cà Mau đẩy mạnh liên kết trong phát triển mô hình tôm - lúa

Để khai thác thế mạnh của mình, Cà Mau đã và đang xây dựng các mô hình liên kết để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia phát triển mô hình tôm - lúa. Việc trồng lúa trên đất nuôi tôm ở Cà Mau thời gian qua mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Nông dân kiểm tra tôm được thả nuôi trong ruộng lúa.

 

Tiềm năng từ mô hình tôm - lúa

Hiện, Cà Mau có khoảng 40.000 ha đất sản xuất mô hình tôm - lúa, tập trung nhiều tại huyện Thới Bình và U Minh. Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật để mô hình hiệu quả hơn.

Điển hình như HTX Dịch vụ - Sản xuất lúa tôm Trí Lực (HTX Trí Lực) ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình thành lập vào năm 2018, việc kêu gọi người dân vào HTX rất khó khăn. Nhưng khi cơ quan chức năng vận động một số hộ dân tham gia cùng doanh nghiệp trồng lúa hữu cơ đã mang lại lợi nhuận cao thì nhiều hộ dân đã tự xin vào HTX. Từ diện tích vài chục ha ban đầu đến này HTX Trí Lực hiện có vùng nguyên liệu hơn 500 ha.

Ông Trần Văn Thiệt, ở xã Trí Lực (Thới Bình, Cà Mau) tham gia vào HTX Trí Lực năm 2018. Khi thực hiện theo quy trình trồng lúa hữu cơ để xuất khẩu phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe, từ việc cải tạo đất đến xử lý sâu bệnh. Qua 2 năm thực hiện, vụ lúa nào gia đình ông cũng có năng suất cao hơn khoảng 10% so với trước đây. Sản phẩm lúa làm ra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu nên được HTX bao tiêu, giá mua cao hơn giá thị trường từ 500 đồng - 700 đồng/kg.

Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực, cho biết, lợi ích của việc trồng lúa hữu cơ, lúa sạch không chỉ dừng lại ở nâng cao năng suất, chất lượng lúa mà còn để có môi trường sạch nuôi tôm. Cũng nhờ trồng được vụ lúa mà các vụ nuôi tôm thuận lợi, người dân trong HTX ngày càng khá giả. Từ đó, nhiều người dân địa phương chủ động liên kết làm lúa hữu cơ, lúa sạch để cùng vươn lên.

Cũng theo ông Mưa, người dân luôn muốn tự quyết định sẽ làm gì trên đất của mình thay vì làm theo quy trình kỹ thuật để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Nếu như vậy, doanh nghiệp không mua lúa của họ cao hơn từ 10-20% so với giá thị trường. Khi liên kết doanh nghiệp sẽ có trách nhiệm đảm bảo cho vụ mùa bà con thành công vì không ai đầu tư vào để lỗ. Quan trọng hơn, trồng lúa thành công thì nuôi tôm sẽ trúng. Từ đó, bà con đã thay đổi tư duy.

Không chỉ HTX Trí Lực ngày càng mở rộng làm lúa theo quy trình sạch, hữu cơ mà trên địa bàn huyện Thới Bình nhiều HTX khác cũng liên kết bà con thực hiện. Trên cơ sở đó, vào năm 2019, Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã công nhận nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình” cho huyện.

Việc người dân liên kết với HTX Trí Lực đã tạo ra sản phẩm lúa hữu cơ, tôm sinh thái. Đây là ưu điểm lớn nhất của mô hình tôm - lúa và là điều kiện doanh nghiệp rất cần để xuất khẩu. Từ đó, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đang đứng ra “kéo người dân và doanh nghiệp lại gần nhau cùng làm, cùng phát triển.

Mới đây, ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã cùng lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú và Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đi khảo sát thực tế và có những thống nhất để hợp tác phát triển sản xuất tôm - lúa trên địa bàn tại huyện Thới Bình.

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Cà Mau cho rằng, lúa - tôm là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh ở Cà Mau, bởi quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa, nhiều mầm bệnh gây hại tôm sẽ không sống được ở môi trường nước ngọt và ngược lại. Sau vụ nuôi tôm, các chất thải của tôm sẽ được bộ rễ cây lúa hấp thụ.

 

 Tỉnh Cà Mau có điều kiện thuận lợi phát triển mô hình tôm - lúa, (ảnh: VOV).

 

Không chỉ vậy, sau khi thu hoạch lúa, một lượng sinh khối lớn thân và rễ lúa phân hủy, kích thích sự phát triển của phiêu sinh vật làm thức ăn cho tôm. "Chính vì lợi ích kép ấy mà nhà nông canh tác lúa - tôm không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm được chi phí khá lớn cho phân bón, sản phẩm tạo ra thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe cộng đồng", ông Huy phân tích.

Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đến nay, Cà Mau đã tạo ra sản phẩm tôm - lúa an toàn (hơn 2.200 ha) và lúa hữu cơ (380 ha) đạt các tiêu chuẩn quốc tế, như: USDA của Mỹ, EU của châu Âu, GAP của Nhật Bản… Cà Mau còn phân chia các tiểu vùng ngăn mặn - giữ ngọt để chủ động trong sản xuất lúa - tôm. Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa bão, triều cường cho vùng chuyên canh lúa - tôm nhằm hạn chế tối đa tác động bất lợi của thiên tai.

Trong chuyến đi khảo sát thực tế mới đây giữa Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau và Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã đến trao đổi, lắng nghe ý kiến người dân ấp Nguyễn Huế (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) về việc thí điểm quy hoạch, tổ chức lại sản xuất tôm - lúa. Một mô hình thí điểm liên kết sản xuất sẽ được triển khai ở đây, với diện tích khoảng 75ha, 35 hộ tham gia.

Đại diện Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất cả nước thể hiện mong muốn hợp tác với các hộ dân để cùng phát triển. Việc tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất sẽ giúp người dân đạt lợi nhuận tốt hơn. Về phía Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng bày tỏ sự quyết tâm cùng người dân Cà Mau “nâng tầm” mô hình tôm - lúa, sẽ phối hợp, liên kết trên nguyên tắc vì lợi ích của người dân và các bên liên quan.

Ông Lê Quân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đồng ý với việc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú đề xuất hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí để tỉnh quy hoạch lại phát triển mô hình tôm - lúa. Bên cạnh đó, đồng ý với chủ trương để 2 công ty kết hợp với huyện Thới Bình và các huyện khác trong tỉnh xây dựng thí điểm mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong vấn đề tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, nhằm mang lại hiệu quả sản xuất.

ĐBSCL nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu. Việc tỉnh Cà Mau phát huy lợi thế, mở rộng, đẩy mạnh liên kết, kết nói giữa người dân, HTX, doanh nghiệp cùng thực hiện mô hình tôm - lúa tạo ra cơ hội mới cho sự phát triển bền vững, nhiều bên cùng có lợi, đặc biệt thích ứng được với biến đổi khí hậu đang có diễn biến phức tạp.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà con vùng bị ảnh hưởng mưa lũ ở Yên Bái

    Quyết tâm đưa nhanh nguồn vốn chính sách về với bà còn vùng bị ảnh hưởng mưa lũ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho khách hàng bị thiệt hại do thiên tai sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

  • Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Ấm lòng cán bộ Sen hồng

    Những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi), các tỉnh, thành phố phía Bắc bị thiệt hại nặng nề. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động NHCSXH đã và đang dốc lòng, dồn sức cùng chung tay khắc phục hậu quả của bão lũ, chia sẻ, ủng hộ Nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ gây ra.

  • Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Hiệu quả từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ nông dân tại Quảng Nam

    Từ nguồn vốn vay tín chấp của Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND) Quảng Nam, thông qua các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh, nhiều nông dân đã có điều kiện đầu tư, mở rộng cơ sở sản xuất, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Top