Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 2 năm 2022 | 11:43

Cam sành Hàm Yên bán giá cao: Thước đo hiệu quả từ nâng cao chất lượng gắn với kế hoạch tiêu thụ bài bản

Chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) có giá bán cao nhất 3 năm qua, doanh thu cũng cao hơn hàng trăm tỷ đồng so với năm 2021.

Đây là kết quả từ việc chủ động sản xuất sản phẩm có chất lượng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ bài bản của chính quyền địa phương.

Cam sành được giá, người trồng vui

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Yên, sản lượng cam sành năm 2022 đạt hơn 70.000 tấn, giảm 20.000 tấn so với vụ năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay người trồng vui bởi bán được giá, dễ tiêu thụ. Trung bình giá bán đạt 13.000 đồng/kg, đặc biệt, cam hữu cơ có truy xuất nguồn gốc lên tới 28.000-30.000 đồng/kg.

Trồng cam đã trở thành một nghề của người dân thị trấn Tân Yên (Hàm Yên), với diện tích 225ha, năng suất trung bình đạt khoảng 10 tấn/ha, mang lại giá trị kinh tế cao và cơ hội việc làm cho nhiều lao động địa phương. Với diện tích hơn 1ha cam, sản lượng đạt 20 - 30 tấn, mỗi năm gia đình chị Lâm Thị Ánh, ở TDP Đồng Bàng, thu về 200 - 300 triệu đồng. Theo chị Ánh, năm nay gia đình rất vui bởi những người trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP như gia đình chị bán được giá, dễ tiêu thụ, từ đầu vụ, thương lái ở các tỉnh dưới xuôi lên tận vườn thu mua. 

1.jpg
Do chủ động trong nâng cao chất lượng, xây dựng phương án tiêu thụ nên việc tiêu thụ sản phẩm cũng thuận lợi hơn.

 

Phù Lưu là xã có diện tích trồng cam lớn của Hàm Yên với hơn 2.400ha, trong đó, hơn 130ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Nịnh Văn Hòa, Chi hội trưởng Chi hội Cam sành xã Phù Lưu, cho biết, hiện nay, người trồng cam trên địa bàn đã chú trọng phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ ngày cam sành có thương hiệu, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Trước đây, người dân chủ yếu bán trong tỉnh thì nay tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành. Vụ cam năm nay, nhiều hội viên trong Chi hội Cam sành của xã thắng lớn,  trừ chi phí, nhiều gia đình thu lãi 300 - 500 triệu đồng.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyên Hàm Yên, cho biết, những năm gần đây, người trồng cam đã chú trọng nâng cao chất lượng nên giờ cam không bị thối như trước. Sản lượng cam trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ cũng lớn hơn, chất lượng tốt hơn. Năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành cùng vào cuộc nên việc xúc tiến thương mại, chỉ đạo quyết liệt hơn, có nhiều kênh tiêu thụ hơn, giá cao, thiếu sản phẩm để cung cấp cho các đơn hàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho hay, tính đến ngày 17/2, huyện đã tiêu thụ hơn 60.000 tấn cam, đạt khoảng 80% tổng sản lượng, giá bán trung bình 13.000 đồng/kg; cam hữu cơ lên tới 28.000 - 29.000 đồng/kg; cam VietGAP  20.000 đồng/kg. Mức giá này cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Doanh thu đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với năm 2021.

Theo ông Hoà, thời gian tới, huyện sẽ ban hành kế hoạch phát triển bền vững cây cam sành. Trong đó, tập trung quản lý tốt quy hoạch, giữ ổn định diện tích hiện có. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Huyện tiếp tục tăng diện tích cam được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để có sản phẩm đảm bảo sạch cung cấp cho thị trường và tăng giá trị cho quả cam.

 

2.jpg
Giá bán cam sành Hàm Yên trung bình đạt 13.000 đồng/kg, cao nhất trong 3 năm gần đây.

 

Nâng cao chất lượng gắn với xây dựng phương án tiêu thụ

Để đạt được những kết quả nói trên, UBND huyện Hàm Yên đã chủ động xây dựng phương án tiêu thụ cam. Theo đó, Hội Cam sành Hàm Yên đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với Bưu điện tỉnh, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty TNHH Xuất - nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood. Đồng thời, huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các doanh nghiệp, HTX kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các tập đoàn phân phối, sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, Lan Chi, Winmart&Winmart+, Fivimart và Citimart; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Sen đỏ, Vỏ sò, PostMart... Do vậy, giá cam sành năm nay tăng cao so với các năm trước.

Đánh giá về những kết quả đạt được, ông Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, cho biết, huyện, tỉnh, các chi hội, trang trại trồng cam đã chủ động có kế hoạch tiêu thụ rất sớm, kết nối với thương lái, doanh nghiệp, đưa cam lên các sàn thương mại điện tử. Do vậy, cam tiêu thụ tốt, đặc biệt, cam sành lúc còn xanh tiêu thụ ở miền Trung tới 30% sản lượng.

 

Trao đổi về bài học rút ra sau vụ cam sành thành công, ông Hoà cho biết, cần chủ động xây dựng kế hoạch tiêu thụ, kế hoạch quảng bá từ sớm. Cùng với đó, đẩy mạnh rải vụ, thay đổi cơ cấu giống theo hướng giảm diện tích cam sành, tăng diện tích một số loại cam khác. Đặc biệt, mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ.

Về lâu dài, hướng tới chế biến sâu cam sành, như thế, sản phẩm nông dân sản xuất ra sẽ có giá bán ổn định, nông sản chế biến bảo quản được lâu và bán với giá cao hơn.

 

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, những năm qua, ngành Nông nghiệp đã chuyển đổi theo hướng tiêu chuẩn, chất lượng, nhiều diện tích cam VietGAP, hữu cơ hình thành, đã được chứng nhận; tổ chức các hội chợ, tuyên truyền người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang, các chương trình của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội vào cuộc tuyên truyền mạnh đến các tỉnh bạn, để nhiều nơi khác biết đến.

“Năm nay, sản lượng cam giảm. Sản lượng đã quyết định đến việc tiêu thụ, đi đúng hướng tiêu chuẩn chất lượng, không quan tâm nhiều đến sản lượng. Như vậy, cung và cầu đã cân bằng; tiêu chuẩn hoá chất lượng sản phẩm được nâng lên; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại đã có những kết quả nhất định. Đây là những yếu tố tích cực góp vào thành công vụ cam sành.

Sản lượng vừa phải, cung - cầu cân đối. Giờ là kinh tế nông nghiệp, không phải sản xuất nông nghiệp, đúng theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, chuyển từ tư duy nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không quan tâm tới sản lượng mà quan tâm năm nay sau khi trừ chi phí còn lãi nhiều hơn năm trước bao nhiêu, đó là kinh tế”, ông Việt nhấn mạnh.

Ông Hoàng Anh Cương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, cho biết, chất lượng cam sành được nâng lên, diện tích trồng hữu cơ và VietGAP ngày càng tăng. Trong năm qua, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh quảng bá các mặt hàng nông sản, trong đó có cam sành, trên các kênh thương mại điện tử. Ngành Công Thương đã giới thiệu, tiếp cận một số doanh nghiệp có quy mô, tiêu thụ lớn, họ đưa sản phẩm vào hệ thống thương mại của họ tiêu thụ tương đối tốt. Cùng với đó, Sở tổ chức cuộc vận động người Tuyên Quang tiêu thụ nông sản Tuyên Quang, nhiều cơ quan, doanh nghiệp cùng chung tay tiêu thụ.

“Ngành đã có văn bản gửi các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, gửi Sở Công Thương trong cả nước giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm nông sản Tuyên Quang có sản lượng lớn để nhờ giới thiệu đến doanh nghiệp, trung tâm, siêu thị tìm đầu mối tiêu thụ. Sự phối hợp giữa ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và PTNT, các HTX trong năm 2021 khá tốt. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp - PTNT và ngành Công Thương có quy chế phối hợp về việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, ông Cương cho biết thêm.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các sàn thương mại điện tử hay một số gian hàng OCOPcủa Tuyên Quang tiêu thụ sản phẩm khá hiệu quả, trong đó có cam sành.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top