Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 11 năm 2020 | 13:13

Cần nâng tầm cho kinh tế hộ nông dân

Chủ trương phát triển nông nghiệp, nông thôn trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cần có giải pháp khả thi, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

001.jpg
Ứng dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình.

 

Nhiệm vụ phát triển bền vững giao cho nông nghiệp

Một trong những mục tiêu lớn Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra là đưa nền kinh tế đất nước thời gian tới phát triển nhanh và bền vững. 

Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, để thực hiện mục tiêu này, cần phải phân định rõ nhiệm vụ: Phát triển nhanh là nhiệm vụ của ngành công nghiệp, dịch vụ, còn nông nghiệp phải ưu tiên để phát triển bền vững.

Chia sẻ quan điểm này, ông Hà Văn Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình, cho rằng, muốn thực hiện mục tiêu này, phải xác định rõ để các thành phần liên quan, đặc biệt là người dân, hiểu được phát triển nhanh và bền vững là phát triển như thế nào và làm thế nào để phát triển nhanh, phát triển bền vững?

Theo ông Hà Văn Thắng, 3 mục tiêu lớn của phát triển bền vững là hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Cần làm sao để người dân nhận thức được rằng, để có hiệu quả kinh tế phải làm gì, phải ứng dụng khoa học công nghệ như thế nào, ứng dụng các mô hình kinh tế gì vào sản xuất nông nghiệp? Để đảm bảo an sinh xã hội, các bài toán về kinh tế chia sẻ, kinh nghiệm về mô hình kinh tế chia sẻ cũng phải được đông đảo người dân, doanh nghiệp tiếp nhận và nhận diện một cách đầy đủ, đồng thời vận dụng sáng tạo vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Sau nữa, để phát triển bền vững, một mục tiêu rất quan trọng là phải bảo vệ được môi trường.

Ông Thắng nêu quan điểm, muốn đạt được 3 mục tiêu này, không có con đường nào khác là phải vận dụng một mô hình kinh tế tưởng như mới mẻ nhưng thực tế đã tồn tại rất lâu trong xã hội, đó là mô hình kinh tế tuần hoàn. Mô hình vườn-ao-chuồng (VAC) là mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khởi, nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn thời hiện đại nằm trên nền tảng của công nghệ số và công nghệ sinh học.

Những điều đó theo ông Thắng phải được làm rõ trong văn kiện để doanh nghiệp và người dân có cơ hội tiếp cận, nhận thức đầy đủ, một cách nhanh nhất, dễ hiểu nhất.

“Tôi cho rằng, đó là những mục tiêu mà các văn kiện được xây dựng và được thông qua ở một sự kiện chính trị lớn nhất của đất nước, phải đi được vào đời sống một cách sâu sắc và có tính lan tỏa cao. Do vậy phải làm rõ được mục tiêu bền vững là như thế nào?”, ông Thắng bày tỏ.

Coi trọng bảo vệ nguồn nước

Để thực hiện nhiệm vụ phát triển bền vững của nền kinh tế, mà nông nghiệp là nòng cốt, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Đào Thế Anh cho rằng, một trong những chiến lược đặt ra để thực hiện nhiệm vụ này là phải coi trọng bảo vệ nguồn nước. Nói đến phát triển nông nghiệp là phải nói đến nước.

Thời gian qua, nông nghiệp chịu hậu quả rất lớn về biến đổi khí hậu liên quan đến nước: lụt lội, thiếu nước, suy kiệt nguồn nước ngầm. Nếu không đảm bảo đủ nguồn nước sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về sản xuất nông nghiệp, không những thiếu nước mà còn dẫn tới sụt lún đất sản xuất nông nghiệp, thậm chí mất đất sản xuất nông nghiệp.

 

002.jpg
Phát triển bền vững nền kinh tế là phải coi trọng bảo vệ nguồn nước. Ảnh: EVN đã vận hành phù hợp các hồ thủy điện, vừa đảm bảo cung cấp điện, vừa điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

 

An ninh nguồn nước cũng phải được coi là giải pháp để có phương hướng nghiên cứu tổng thể, không chỉ gắn liền với nông nghiệp mà còn gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa. Trong thời gian qua, có hiện tượng công nghiệp hóa, đô thị hóa phá vỡ hệ thống thoát nước, đây là một trong những nguyên nhân gây ngập úng rất lớn trên diện rộng như ở miền Trung vừa rồi.

Kinh tế hộ phải là trọng tâm

Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, một vấn đề nữa cần được nói tới đó là các mô hình kinh tế (chúng ta chấp nhận 5 thành phần kinh tế), trong văn kiện đã đề cập tới kinh tế HTX, doanh nghiệp, tuy nhiên, không thấy nhắc tới vai trò của kinh tế hộ nông dân. 

Sau 35 năm đổi mới, có thể nói, kinh tế hộ nông dân đã đóng góp lực lượng cơ bản để kiến tạo nên thành công của nông nghiệp cũng như phát triển nông thôn. Trong giai đoạn tới, kinh tế hộ sẽ vẫn chiếm đa số trong lực lượng sản xuất. Vì vậy, nói về sản xuất nông nghiệp vẫn phải nói tới kinh tế hộ là chính, số doanh nghiệp tham gia sản xuất trực tiếp trong nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. HTX là công cụ chia sẻ để hỗ trợ cho kinh tế hộ, mục tiêu thúc đẩy kinh tế hợp tác là để thúc đẩy kinh tế hộ. Vì thế, kinh tế hộ phải được đặt trước kinh tế hợp tác, để nhấn mạnh vai trò của nó.

Thời gian tới, trong bối cảnh công nghiệp hóa, kinh tế số, kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu, cần tạo dựng cho kinh tế hộ một định hướng. Kinh tế hộ nông dân trong giai đoạn tới cần phải được hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, có thể tích lũy một phần ruộng đất, tất nhiên vẫn cần rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp để chuyển một phần sang công nghiệp và dịch vụ, tuy vậy, việc chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động còn lại để phát triển nông nghiệp, sản xuất hàng hóa với chất lượng cao và hội nhập được là rất quan trọng, để đảm bảo tăng trưởng ổn định cho ngành nông nghiệp. 

 

003.jpg

Sau 35 năm đổi mới, có thể nói, kinh tế hộ nông dân đã đóng góp lực lượng cơ bản để kiến tạo nên thành công của nông nghiệp cũng như phát triển nông thôn.

 

 

Tiến sĩ Đào Thế Anh cho rằng, xây dựng nông nghiệp quy mô lớn thì khó vì chúng ta có một số hạn chế do quy định tại Luật Đất đai, nhưng phát triển tới mức quy mô trang trại trung bình thì hoàn toàn khả thi. Đây cũng là xu hướng của kinh tế hộ trên thế giới hiện nay. Nếu nhỏ quá thì khó ứng dụng công nghệ, lớn quá thì không có điều kiện, xu hướng trang trại trung bình 1-2ha là mục tiêu nên hướng đến, và đủ khả năng để ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa kinh tế hộ, đưa kinh tế hộ có thể trở thành trang trại trong giai đoạn tới. 

Nhấn mạnh Việt Nam đã thu được những thành quả trong phát triển kinh tế hộ, tiến sĩ Đào Thế Anh đề nghị, trong nhiệm kỳ tới, cần tiếp tục phát huy, nhấn mạnh vai trò của kinh tế hộ, nó đi song hành với kinh tế hợp tác. Kinh tế hộ không năng động sẽ không có nhiều hợp tác xã, kinh tế hộ không có nhu cầu sản xuất hàng hóa thì người ta không tham gia hợp tác xã.

Phát triển kinh tế hài hòa với lợi ích của người dân

Theo GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, trong Dự thảo văn kiện của Đại hội XIII, vấn đề trọng tâm về nông dân cần quan tâm đến nội dung mở ra đường hướng phát triển kinh tế hài hòa với lợi ích của người dân, làm giảm tác động đến thiên nhiên.

“Làm thế nào để bà con có cuộc sống tốt hơn, vươn lên trong cuộc sống, đồng thời chống đỡ được với các vấn đề  thiên tai… Điều này đòi hỏi trong Nghị quyết lần này cần tạo ra khí thế mới giúp cho nông thôn vươn lên được mạnh mẽ hơn. Sau Đại hội, đối với chúng tôi, những người làm khoa học sẽ đóng góp giải pháp để giúp cho khu vực nông thôn vươn lên một cách mạnh mẽ hơn”, GS. Nguyễn Lân Hùng nói.

Ông Nguyễn Văn Sinh (xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) kiến nghị: “Văn kiện Đại hội Đảng phải được tuyên truyền thường xuyên, giúp cho đại đa số nông dân có ý thức sản xuất tập thể, sản xuất lớn tập trung có kỷ luật hẳn hoi thì mới ổn. Bây giờ cần phải ưu tiên kinh tế hợp tác xã tiến tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi để đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nông”. 

Qua đó, phát triển nông nghiệp sinh thái làm giảm sử dụng hóa chất, chống xói mòn đất, phủ xanh đất trống đồi trọc…, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đóng góp tốt hơn cho giá trị sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân ở khu vực nông thôn. Đồng thời, khơi dậy khát vọng của thanh niên nông thôn khởi nghiệp nhằm phát triển ngành nông nghiệp bền vững trong thời gian tới.

 

Cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Tại Hội nghị lấy ý kiến thanh niên công nhân, thanh niên đô thị, thanh niên nông thôn về dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại diện cho thanh niên nông thôn tại các địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hoài (xã Khánh An, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đề xuất cần đưa vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái của người dân vào Báo cáo tổng kết thực hiện chiến phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030).

Bên cạnh đó, cần có những giải pháp hữu hiệu trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới gắn với điều tra, rà soát hộ nghèo sát thực tế; đồng thời có giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do chất thải từ hoạt động sản xuất của các khu cụm công nghiệp, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp...


 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
Top